Số lượng đến nay đã có chừng bảy, tám trăm tên báo, cùng với báo giấy cổ điển, các loại hình báo trên internet ngày càng phát huy hiệu quả. Không thể không tính đến sự thay đổi to lớn ấy. Và sự thay đổi to lớn nhất bắt đầu với một nền báo chí gắn liền với một nhà nước Việt Nam độc lập tự chủ cũng là một nền báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ra đời gắn với Cách mạng tháng Tám 1945 với Bản Hiến pháp đầu tiên (1946) xác nhận quyền tự do báo chí là quyền chủ yếu của con người.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến tự do báo chí đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Cho dù ở nước ta không có cái gọi là “báo chí tư nhân” nhưng vấn đề đang đặt ra cho hiện tại cũng không khác năm 1945 (và ở một số vùng lãnh thổ đặc thù do hoàn cảnh đất nước tồn tại các chế độ chính trị khác nhau chỉ chấm dứt vào tháng 5/1975).
Nhưng cũng có những vấn đề vẫn còn nguyên vẹn như nhau với sự tồn tại của báo chí với tư cách là một doanh nghiệp phải hạch toán để tồn tại. Trong các chế độ chính trị khác ta, tuy Chính phủ của họ cũng nắm được báo chí như một công cụ tư tưởng, văn hóa để phục vụ chế độ nhưng về căn bản nó vẫn là nền báo chí tư nhân. Trừ một vài tờ “công báo” chủ yếu để công bố có định kì các văn kiện của nhà nước thì các tờ báo mang tính xã hội đều là của tư nhân. Nhà nước sẽ khai thác bằng nhiều phương thức khác nhau.
Một số tờ báo mang tính công báo nhưng nhà nước thực dân lại ký hợp đồng giao cho các nhà báo chuyên nghiệp điều hành với nguồn tài chính nhà nước cấp dưới hình thức tiêu thụ báo. Ví dụ như tờ “Gia Định Báo” cũng như nhiều tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán như “Công Xã Báo”, “Đại Việt Tân Báo” ở phía Nam hay “Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo”… do các nhà báo danh tiếng được coi như lớp tiên phong trong lịch sử báo chí ở nước ta: Trương Vĩnh Ký, Henri Schneider, Nguyễn Văn Vĩnh,… điều hành cả lĩnh vực kinh doanh lẫn nội dung quảng bá. Nhiều tờ báo được nhà nước mua để cấp cho tới cấp xã,… Tuy nhiên, báo chí tư nhân của cả người Pháp và người Việt đều phải đứng trước thách đố của thị trường, ngay cả những tờ báo tiếng Pháp được điều chỉnh bởi những bộ luật về tự do báo chí của chính quốc.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam ta cũng thấy xuất hiện từ rất sớm những tờ báo mang nội dung hướng vào những nội dung kinh tế mà tiêu biểu nhất là tờ “Nông Cổ Mín Đàm” xuất bản tại Sài Gòn từ những năm đầu tiên của thế kỷ XIX (1901). Chủ nhân người Pháp tên là Canavaggio – chủ một vựa muối, ra một tờ báo để thực hiện đúng như tôn chỉ của nó là ngồi uống trà để bàn chuyện Nông Thương. Nội dung của tờ báo do nhiều cây bút người Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ hướng dẫn người dân Việt bước vào thương trường bằng những kiến thức làm ăn trong một môi trường làm ăn đòi hỏi phải có kiến thức làm ăn kinh tế hiện đại.
Ở ngoài Bắc cũng có những tờ báo tương tự của các nhà kinh doanh báo chí rất chuyên nghiệp. Ví dụ như các tờ “Thực Nghiệp Dân Báo”, “Khai Hóa”,… đương nhiên trong bối cảnh đất nước đang là thuộc địa của thực dân Pháp, lòng khao khát kinh doanh trong một thị trường tự chủ, mong ước xây dựng một nền kinh tế bản địa cùng với sự hình thành của giới công thương (như cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu cách mạng thành công), các tờ báo luôn có khuynh hướng dân tộc và yêu nước.
Tờ “Đăng Cổ Tùng Báo” là sự chuyển đổi của tờ công báo “Đại Nam Đồng Văn” đã nói ở trên gắn liền với phong trào “Đông Kinh Nghĩa Thục” của các nhà duy tân đầu thế kỷ XX đã nói lên đã nói lên tinh thần chấn hưng nền kinh tế dân tộc và coi đó như là một biểu hiện của tinh thần dân tộc và yêu nước. Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút của tờ báo này và ông tiếp tục những ý tưởng ấy sau khi phong trào yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp. Làm chủ bút nhiều tờ báo tiếng Việt (đông Dương Tạp Chí) hay tiếng Pháp ( An Nam Nouveau – Nước Nam Mới), ông vẫn tiếp tục cổ vũ cho tinh thần vươn lên của giới doanh nghiệp và giới văn hóa trong một sự kết hợp hướng tới tinh thần tự chủ dân tộc mà Nguyễn Văn Vĩnh là người cổ vũ du nhập điện ảnh vào nước ta không chỉ với tư cách là “nghệ thuật thứ bảy” mà còn là một nghề kinh doanh hiện đại.
Tự thân ông tham gia biên kịch cho bộ phim truyện được coi là khởi động cho điện ảnh Việt Nam là phim “Kim Vân Kiều”. Bộ phim không thành công như ý nhưng đã thể hiện rất rõ sự tìm tòi vươn lên của những người làm báo chuyên nghiệp không chỉ sống bằng hoạt động kinh tế báo chí mà còn cổ vũ cho sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.
Chế độ thuộc địa là một môi trường khắc nghiệt mà chính quyền thực dân không muốn tạo dựng nền kinh tế, những tư tưởng kinh tế của người dân bị trị. Ngay Nguyễn Văn Vĩnh cùng chấp nhận sự đương đầu không khuất phục những sức ép của thực dân để từ bỏ tinh thần tự chủ dân tộc và chính ông đã phải chấp nhận một kết cục bi thảm, với một cái chết đầy bí hiểm khi lựa chọn mạo hiểm đi tìm vàng ở Lào để cưỡng lại những dụ dỗ đường mật của chính quyền thuộc địa…
Sau một thời kỳ báo chí Việt Nam được hưởng những không khí dân chủ của thời kì “Mặt trận Bình dân” (1936 – 1939), một bộ phận của những nhà hoạt động báo chí cánh tả có khuynh hướng cộng sản cùng các nhà báo yêu nước thì báo chí Việt Nam lại bước vào thời kì đen tối của khủng hoảng kinh tế và khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, sự đầu hàng của thực dân Pháp trước phát xít Nhật đã tìm mọi cách để thủ tiêu mọi chính sách tự do báo chí,…
Nhưng cũng chính trong thời kì đen tối này mà những ánh sáng của cách mạng giải phóng dân tộc đã thúc đẩy một nền báo chí là vũ khí của phong trào giải phóng dân tộc. Đó là những tờ báo cách mạng xuất bản từ trên chiến khu hay hải ngoại, bí mật vận động quần chúng. Đó lại cũng là thời điểm tập hợp những cây bút viết báo của các nhà trí thức, các nhà báo chuyên nghiệp thành lập những tờ báo xuất bản hợp pháp để đón chờ cơ hội cho sự nghiệp giải phóng với những cơ hội mà cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã và đang tạo ra.
Thời điểm trước Cách mạng tháng Tám 1945, nổi bật tên gọi tờ “Thanh Nghị” tập hợp các trí thức lớn bàn thảo một tương lai của đất nước mà ở đó một nền kinh tế quốc dân sẽ hình thành trong một môi trường văn hóa và pháp lý hiện đại. Nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng nền chính trị quốc gia và kinh tế quốc dân đã được bàn thảo giữa những cây bút lớn mà nhiều người sau đó đã tham dự vào rất nhiều hoạt động chính trị vào thời điểm một nhà nước độc lập đang hình thành từ Chính phủ Trần Trọng Kim còn nhiều mối liên hệ với Nhật để chống Pháp cho đến Chính phủ Hồ Chí Minh kiên định tinh thần cách mạng và độc lập. Nhiều người viết báo đã trở thành thành viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Một chặng đường rất dài đã đi qua, những thay đổi rất lớn đã tích tụ những ký ức nghề nghiệp, truyền thống của đội ngũ báo chí Việt Nam hiện đại. Điểm lại một vài nét son trong lịch sử báo chí mà nay ta gọi là chuyên ngành kinh tế để ghi nhận những tấm gương quá khứ giúp những nhà báo kinh tế tự nhận diện mình một cách rõ ràng hơn trong đó có niềm tự hào với quá khứ, tự tin với hiện tại cùng với rất nhiều cơ hội và thách thức.