Những tình huống oái ăm, kinh hoàng khi sống thử

Theo Đời sống và pháp luật |

Chỉ nghe thôi chưa đủ, phải đến khi nếm trái đắng, nhiều bạn trẻ mới đau đớn tỉnh cơn mê dài sống thử.

Lao lực vì nuôi người yêu 

Nam là sinh viên năm cuối CĐ Công nghiệp Hà Nội. Mặc dù sinh năm 1990 nhưng khuôn mặt cậu trông rất từng trải và có phần khắc khổ. Làm thuê cho một tiệm ăn, cậu rất ngoan và chăm chỉ. Công việc của chúng tôi phải vận động rất nhiều nên sau mỗi buổi làm việc ai nấy đều trở về nhà với cái chân mỏi nhừ và mệt lử.

Ấy thế mà Nam, dù phải đi học vào buổi sáng, buổi chiều thỉnh thoảng phải lên xưởng thực hành vẫn đăng ký làm cả hai ca. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao cậu phải làm tối mặt như thế. Về sau thân tình hơn, tôi mới biết Nam đang sống chung với bạn gái. Cô bé cùng quê, học cùng trường và hai người đã sống với nhau được ngót 1 năm nay. 

Những tình huống oái ăm, kinh hoàng khi sống thử
Những mối tình sống thử thường có một cái kết không có hậu.

Tiền nhà, tiền ăn, tiền học phí và thậm chí cả tiền quần áo cho cô bạn Nam đều là người chu cấp. Có lần tôi hỏi Nam: “Em học vào lúc nào?" Nam cười: "Học hành thì quan trọng gì chị. Môn nào điểm danh thì em đến lúc điểm danh, sau đó thì chuồn. Thầy nào khó tính thì thi thoảng mới phải có mặt". 

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Một hôm đang làm việc, Nam bị ngất. Mọi người cuống cuồng đưa vào bệnh viện. Bác sĩ kết luận cậu bị lao lực vì làm việc quá sức. Bác sỹ yêu cầu nghỉ ngơi vài ngày, ăn uống tẩm bổ. 

Thấy tình hình sức khỏe của Nam quá yếu, quản lý nhà hàng cho nghỉ 2 ngày để lấy lại sức. Nhưng ngay chiều hôm sau đã lại thấy cậu đến làm. Mặc cho mọi người khuyên nhủ, cậu vẫn nhất quyết đi làm. Và Nam lại bị ngất lần 2, rồi lần 3. Quản lý buộc phải cho cậu nghỉ việc. 

Bẵng đi hơn 1 tháng, một lần tình cờ đi chợ gặp Nam, tôi hoàn toàn không nhận ra. Cậu gầy rộc đi, khuôn mặt xanh xao, đôi mắt trũng sâu vì mệt mỏi. Cậu nghẹn ngào: "Từ khi em nghỉ làm, không có tiền tiêu, hai đứa đâm ra cãi nhau. Cô ấy nói em là đồ vô tích sự. Em cũng đã thử đi kiếm việc làm khác. Nhưng lương thấp quá, lại phải làm nhiều thời gian nên em thôi.

Ngày trước em làm lụng vất vả vì cô ấy. Bây giờ mới gặp trục trặc tí mà cô ấy trở mặt ngay được. Cô ấy dọn đi rồi chị ạ. Bỏ mặc em đơn côi. Lại còn chuyện học hành nữa chứ. Em nghỉ học nhiều quá, không tích lũy đủ kiến thức.

Dạo gần đây, do chán nản nên em cũng thử vận đỏ đen. Còn chút tiền còm em đặt vào đề đóm hết. Em bị đuổi học rồi. Đời em thế là xong rồi chị ạ. Chẳng còn gì nữa. Em biết ăn nói sao với bố mẹ đây?", Nam vừa nói vừa khóc nức nở như một đứa trẻ. 

Sống thử, đau đớn thật 

Cũng giống Nam, Tuyến cũng sớm nếm trái đắng khi cô mới ở tuổi trăng rằm. Tuyến quê Phú Thọ. Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai, không quan tâm gì đến chị em Tuyến. Bỏ học, cô ra Hà Nội tìm việc làm. Tuyến tìm được việc trong một xưởng sản xuất đồ chơi cho trẻ em ở Hoàng Quốc Việt.

Một buổi tối, đang nằm thao thức, nghe có tiếng ai đó thổi sáo bài "Lòng mẹ", Tuyến bỗng nhớ mẹ da diết rồi bật khóc. Bỗng tiếng sáo ngừng bặt và có tiếng gõ cửa phòng. Như có động lực thôi thúc, Tuyến bật dậy mở cửa mà không nghĩ ngợi gì. 

Và kể từ đó, Tuyến và Quang thường xuyên gặp gỡ. Dần dần, 2 người nảy sinh tình cảm. Quang cũng như Tuyến, sớm mồ côi mẹ, bố thường xuyên rượu chè. Chán cảnh gia đình, Quang bỏ lên Hà Nội làm. Lúc làm phụ hồ, lúc đi bốc vác thuê. Thấy Quang làm vất vả Tuyến xin cho Quang vào làm cùng, hai đứa càng ngày càng trở nên gắn bó. 

Những tình huống oái ăm, kinh hoàng khi sống thử
 Với lý do sống thử để hiểu nhau hơn trước khi sống thật rất nhiều cặp uyên ương đều có kết cục đáng buồn. 

 Hai đứa quyết định dọn về ở chung để đỡ tốn kém và cũng là dễ bề chăm sóc cho nhau. Với Tuyến, gặp được Quang, cô nghĩ như đời mình thế là đã an bài. Cô yêu Quang, sẽ lấy Quang, sinh con cho Quang và họ sẽ là một gia đình hạnh phúc. 

Sau 2 tháng sống chung, cô thấy chậm kinh. Tuyến mừng lắm, thế là cô sẽ có con, sắp được làm mẹ. Quang sẽ cưới cô và sẽ có một gia đình hạnh phúc. Nhưng cô đã lầm. Biết chuyện, Quang thuyết phục Tuyến phá thai bằng được. 

5 tháng sau, cô lại có thai. Tuyến quyết định, lần này sẽ bắt Quang làm đám cưới. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi chăng nữa, cô vẫn giữ đứa con này. Nhưng cũng giống lần trước, với lý do kinh tế còn khó khăn, ngay hôm sau Quang lại chở cô đến bệnh viện phá thai. 

Cô đau khổ lắm, mất tin tưởng vào tình yêu và bắt đầu nghi ngờ Quang, có phải anh không hề có ý định muốn cưới cô, có phải Quang chỉ coi cô như thứ giống cái chỉ có tác dụng thỏa mãn tình dục?

Muốn bỏ Quang, nhưng không được, tình yêu trong cô quá lớn. Nhưng rồi lần thứ 3, thứ 4, Quang vẫn thế. Cô thật sự bị sốc. Quang cũng không còn ngọt nhạt với cô nữa. Anh ta tuyên bố thẳng thừng: "Cô tưởng tôi sẽ lấy cô sao? Không bao giờ. Cô đừng hi vọng hão huyền".

Nghe Quang nói Tuyến rụng rời chân tay. Hóa ra từ trước tới giờ anh ta không hề yêu cô. Hắn chỉ lợi dụng cô để quan hệ xác thịt, để có chỗ ăn nghỉ miễn phí, có kẻ hầu hạ khi hắn đi làm về. Tủi nhục, cô chỉ muốn chết quách cho xong. Nhưng cái ngàn vàng đã trao, tình yêu với Quang vẫn đầy ắp. 

Phải làm sao đây? Bỏ Quang, cô sẽ mất tất cả. Số tiền hai năm đi làm xa nhà dành giụm cũng đã giao Quang quản lý. Đành nhắm mắt buông xuôi. Và đến lần thứ năm có thai, cô hi vọng mong manh Quang sẽ nghĩ đến tình cảm và những hi sinh của cô mà thay đổi và tổ chức đám cưới. Nhưng Tuyến đã nhầm. Quang thậm chí còn chẳng buồn nhìn cô.

Cũng may có mấy người hàng xóm gọi cấp cứu kịp thời, nhưng đứa con thì đã không còn. Tuyến như bừng tỉnh sau cơn mê. Nhưng đời cô sẽ ra sao đây? Có ai chịu lấy cô khi biết những chuyện này. Và liệu cô có thể có con không khi sau lần phá thai này, bác sĩ nói cô khó có khả năng có con? Tương lai mịt mờ quá, cô đi mà không biết phải đi về đâu? Con đường phía trước đang mờ mịt bế tắc...

Với lý do sống thử để hiểu nhau hơn trước khi sống thật rất nhiều cặp uyên ương đều có kết cục đáng buồn. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường phát triển (CGFED) Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động; có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, gần 25% trong số đó chưa lập gia đình.

Vì lý do này hay lý do khác các cặp nam nữ tìm đến với nhau, để san sẻ vui buồn, để có người cơm nước giặt giũ khi xa nhà... Sự dễ dãi trong các mối quan hệ, trong cách nhận thức về tình dục của lớp trẻ đã để lại cho họ những hậu quả đau đớn, đeo bám suốt cuộc đời.

Vì những phút "thả"... họ không nghĩ đến sự kiệt sức sau những lần nạo phá thai, nhiều trường hợp vô sinh thứ phát, và có cả những đứa con sinh ra thiếu vòng tay thương yêu của cha mẹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại