Những phong tục Tết "có một không hai" ở Việt Nam

Thanh Tuấn |

Những phong tục đón Tết kỳ lạ chỉ có ở các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Những tập tục tập quán đón năm mới kỳ lạ và độc đáo đến từ các dân tộc cùng nằm trên dải đất hình S khiến nhiều người bất ngờ, ngay cả với chính những người con đất Việt.

Người Mông và tục “vỗ mông tỏ tình”

Những năm gần đây, đồng bào người Mông mới bắt đầu đón Tết chung theo lịch của người Kinh, trước đây họ thường ăn Tết sớm hơn 1 tháng.

Tuy vậy, những phong tục, tập quán riêng vẫn được người Mông lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay.

Tục "vỗ mông" khiến nhiều du khách thích thú khi chứng kiến.

Nổi bật nhất trong Tết của người Mông chính là lễ hội cầu phúc Sải Sán diễn ra vào mùng 2.

Cùng với các hoạt động như ném peo, thổi khèn, hát giao duyên thì tục “vỗ mông” cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu của người Mông.

Vào ngày này, trai gái khắp thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng tục kỳ lạ này.

Theo đó, khi đi du xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một cô gái, anh ta sẽ tiến tức vỗ vào mông người đó.

Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “đối tác” lần nữa.

Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.

Người Dao và phong tục “ăn trộm cầu may”

Vào ngày đầu tiên của năm mới, tất cả người Dao tại các bản sẽ tập trung ở một nơi được chọn trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền.

Ngay sau đó, tất cả từ già trẻ gái trai đều cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã, đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật gì đó từ các gia đình 2 bên.

Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn.

Mâm cỗ dẫn đầu đoàn "ăn trộm" đi khắp các bản.

Ngược lại, trong lúc “hành sự” nếu bị gia chủ bắt gặp sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như không may.

Vì tục này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ ăn trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng,...trong gian bếp để tượng trưng.

Kết thúc hôm đó, những tên trộm sẽ đêm chiến lợi phẩm của mình trả lại cho các gia đình để xin thưởng.

Người Tây Nguyên và tục “cướp chồng”

Ghé thăm các đồng bào ở Tây Nguyên vào dịp đầu năm, du khách có thể may mắn được chứng kiến ngày hội “cướp chồng” khá nổi tiếng tại đây.

Theo quy luật, từ tháng 1 cho đến tháng 3, mùa “cướp chồng” mới lại bắt đầu ở các bản của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho…

Những người đàn ông Chu Ru thường phải chờ đến khi được cướp về nhà gái.

Thường thì các nghi thức của tục “cướp chồng” này sẽ diễn ra vào ban đêm. Khi cô giá thích một chàng trai nào đó, cô ấy sẽ chờ đến tối để mang một chiếc nhẫn đến đeo vào tay chàng trai đó.

Nếu không bằng lòng, anh ta có thể tháo ra và trả lại cho cô gái đó, nhưng cứ sau 7 ngày, cô gái sẽ lại đến để đeo lại nhẫn cho chàng trai.

Cứ thế đến khi cô gái nhận được lời đồng ý mới thôi.

Người Thái và tục “đón năm mới băng tiếng sấm”

Tết cổ truyền của một số đồng báo Thái tại Nghệ An, Thanh Hóa không dựa vào lịch ngày tháng cụ thể mà phần lớn lại phụ thuộc vào lẽ tự nhiên của trời đất.

Hễ trời chuyển mùa sau khi bà con thu hoạch mùa màng xong, cùng với tiếng sấm đầu tiên vang lên cũng là lúc giao thời sang năm mới.

Tiếng sấm báo hiệu năm mới đến cho người Thái.

Lúc này, mọi việc chuẩn bị đón Tết của đồng bào tại đây mới chính thức bắt đầu.

Sau khi nghe thấy tiếng sấm, chủ nhà sẽ gọi các thành viên trong gia đình dậy, đồng thời chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng dậy cùng đón năm mới.

Dựa vào chính tiếng sấm đó, già làng sẽ đưa ra dự báo về năm sau.

Tiếng sấm càng rền vang chứng tỏ cả năm sau đó mùa màng càng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Người Pà Thẻn và tục “thờ bát nước lã”

Trên mỗi bàn thời của người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm.

Bát nước này phải luôn được đậy kín vào không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào.

Người Pà Thẻn luôn được dạy phải kín đáo.

Vào đêm giao thừa, nhà nào cũng sẽ đóng kín cửa, từ cửa ra vào, cửa sổ, cửa hậu..., cẩn thận cài then vào bịt hết những lỗ hở ra ngoài.

Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến.

Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà.

Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên,...

Người Nùng với tục “không làm bánh ngày chẵn”

Người Nùng cũng đón Tết gần giống với người Kinh. Bữa ăn đêm giao thừa luôn được coi trọng nhất, và nhất thiết cũng phải có bánh chưng.

Nhưng điều đặc biệt là trước đó mấy ngày, người Nùng không bao giờ gói bánh vào những ngày lẻ.

Người dân tin rằng những ngày chẵn không may mắn, nếu cố tình gói bánh chưng vào ngày đó thì nương ruộng dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng,...

Người Nùng coi ngày chẵn là xui xẻo.

Sang đến sáng mùng một Tết, người Nùng cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong gia đình và trên cả mỗi góc cây trong vườn nhà, chuồng trại.

Họ thắp hương cầu thần linh phù hộ cho mọi việc đều suôn sẻ trong năm mới.

Người Lô Lô và tục “đánh thức gia súc cùng đón Tết”

Vào đêm 30 Tết, tất cả đồng bào Lô Lô đều thức để chờ tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản.

Theo người dân địa phương, tiếng gà gáy chính là điểm báo hiệu bắt đầu một năm mới.

Lúc đó, chủ nhà sẽ cử người đi đánh thức những con gia súc trong nhà dậy để cùng đón Tết với gia đình.

Người Lô Lô dựa vào tiếng gà gáy để xác định thời điểm chuyển giao năm mới.

Đồng thời, một lễ cúng cũng được tổ chức ngay tại nhà của người Lô Lô để cầu chúc sức khỏe, tiền bạc cho cả gia đình.

Tại đây, đàn ông được cúng bằng gà trống còn phụ nữ sẽ dùng gà mái để cúng.

Các công cụ lao động thường ngày sẽ được sơn, quét màu vàng hoặc bạc để cầu may, chúng sẽ không được chạm vào trong 3 ngày Tết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại