>> Cháu bé bị bỏ rơi trên taxi quấn quýt trong vòng tay người lạ
>> Hai mẹ con cụ bà tự nhận là người thân của cháu bé bị bỏ rơi
Sau khi bé trai khoảng 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi được chăm sóc tại UBND phường 1, quận 8, TP.HCM, rất nhiều người đã đến xin nhận nuôi.
Chúng tôi đã có cuộc trao với luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo) xung quanh những thủ tục, điều kiện cần thiết để xin nhận nuôi cháu bé.
Ông Thảo cho rằng, đây là việc làm tốt, rất nhân văn. Tuy nhiên, vị này cho rằng, những người không đáp ứng được những yêu cầu dưới đây thì không thể nhận bé trai này làm con nuôi.
Cụ thể, người nhận con nuôi cần phải tuân thủ theo pháp luật, ý đồ nhận con trong sáng.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo.
Trước hết, phải xác định rõ mục đích của việc nhận con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững.
Phải vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Kế tiếp nữa, phải làm thế nào để khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Kế đến là người được xin làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, nếu không thuộc các trường hợp như được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi hoặc được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Đối với trường hợp của cháu bé bị bỏ rơi trên taxi thì thẩm quyền sẽ thuộc UBND cấp phường, xã. Cụ thể ở đây là phường 1, quận 8, TP.HCM có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em.
Cặp vợ chồng này "đội mưa" từ Dĩ An, Bình Dương lên với mong muốn nhận cháu bé về làm con nuôi.
Trong trường hợp, nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp phường, xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có: Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao hộ chiếu, giấy CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân.
Ngoài ra còn cần có giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp và văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã, phường nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
"Đối với người xin con nuôi phải có trách nhiệm trước pháp luật khi nhận con về nuôi.
Trường hợp người nhận bé trai bị bỏ rơi trên taxi làm con nuôi phải đáp ứng được đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Đồng thời, người nhận cháu bé bị bỏ rơi này phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt", luật sư Thảo nói.