Những người bảo quản xác chết

Thi hài được tắm rửa sạch sẽ, mổ động mạch cảnh để bơm 18-20 lít hóa chất hỗn hợp vào. Chờ 3-4 ngày, sau đó ngâm vào bồn bảo quản đủ 2 năm mới đem ra cho sinh viên thực tập.

Bác sĩ Trần Minh Thông - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh lý, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết, ngành pháp y đòi hỏi tính chuyên môn hóa rất cao. Ngoài, pháp y tử thi, còn có pháp y người sống, pháp y độc chất… Hiện rất thiếu bác sĩ pháp y tử thi, gần như sắp “tuyệt tự”, trong khi việc đào tạo pháp y độc chất thì quá yếu kém.

Đây là nguy cơ dễ gây oan sai hay phức tạp hóa quá trình điều tra. “Bác sĩ pháp y như một quan tòa ẩn dật, cung cấp thông tin khoa học cho thẩm phán để xử đúng người hoặc giảm nhẹ, hoặc minh oan cho người bị kết án” - ông Thông nói.

Trừng trị và minh oan

Thập niên 1980, bác sĩ Thông kể, có vụ cặp vợ chồng sống trên cồn ở Thủ Đức, sắm một chiếc ghe đi chở thuê trên sông. Ngày nọ, có 2 người đàn ông đến thuê anh chồng chở trâu đi bán nhưng người chồng đi mãi không về, chị vợ trình báo công an.

Người ta tìm thấy xác anh dạt vào bờ, trên mình không thương tích. Kết luận ban đầu cho rằng anh bị chìm ghe, chết đuối. Khi bác sĩ Thông vào cuộc đã lật ngược y chứng và yêu cầu mổ tử thi.

Kết quả, trong thực quản, khí quản của nạn nhân đầy cát. Cho thấy anh đã chết ngạt trên cạn, có thể đã bị vùi đầu xuống bãi cát, rồi bị vứt xác xuống sông. Hướng điều tra thay đổi. Ít lâu sau công an đã bắt được 2 hung thủ giết người cướp ghe.

Tìm được nguyên nhân gây chết nạn nhân là làm cho kẻ có tội bị trừng trị, người vô tội được minh oan. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Việt Hải - nguyên giám định viên pháp y quốc gia, đôi lúc tìm ra và đứng về lẽ phải không giản đơn.

Hơn chục năm trước, bác sĩ Hải được trưng cầu giám định cho một ca kêu oan. Vụ án xảy ra tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Người chồng cứ uống rượu say là bạo hành vợ, thậm chí nổi máu bạo dâm vợ, bắt con xem…

Tiến sĩ Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia - đánh giá, do truyền thống tôn giáo, phong tục, người Việt Nam rất kỵ mổ tử thi. Theo ông, 70-80% ca tử vong trong bệnh viện là có biến chứng. Nhưng người dân vì không muốn phiền phức mổ xẻ nên đã bỏ qua nhiều sai phạm.

Một ngày, lối xóm phát hiện gã chồng chết trong tư thế treo cổ và một con dao đâm vào ngực trái. Cách nhà không xa, chị vợ cũng gục trên vũng máu với vết cắt ngang cổ, đứt một số động mạch, nhưng may mắn thoát chết.

Mọi chứng cứ đều bất lợi với người vợ, bị cho là giết chồng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và yêu cầu dựng lại hiện trường, bác sĩ Hải đã chứng minh chính người chồng đã toan cắt cổ giết vợ, rồi tự sát bằng cách đâm dao vào ngực, sau đó tự thắt cổ. Người vợ được tự do sau 2 năm kêu oan.

Nhìn xác vợ trong giờ sinh viên thực tập

Nhìn từ bên ngoài, ít ai ngờ rằng vị trí “đắc địa” nhất trong tòa nhà chính, với lối kiến trúc gần như mang tính biểu tượng của trường Đại học Y Dược TP.HCM, lại chính là nơi lưu giữ tử thi phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Lên cầu thang tầng 1, “lãnh địa” của bộ môn giải phẫu. Vượt qua dãy hành lang hơi tối, phía tay phải là phòng thực tập trên xác thật dành cho sinh viên năm 1. Và phòng xử lý xác nằm ở cuối dãy.

Khoa giải phẫu bệnh lý của Trung tâm Pháp y TP.HCM.
Khoa giải phẫu bệnh lý của Trung tâm Pháp y TP.HCM.

Một người đàn ông đang lúi húi lau chùi các quan tài bằng inox, đó là anh Đỗ Thành Nhân - Tổ trưởng tổ tiếp nhận, bảo quản thi hài. Đã qua tuổi 48, nhưng trông “sếp sòng” tổ xác hiến vẫn còn khá trẻ so với tuổi tác.

Với anh Nhân, làm việc bên các thi hài đã trở thành truyền thống gia đình mà anh đã là thế hệ thứ 3. Ông và cha anh đều là những người tiếp nhận, xử lý, bảo quản xác hiến của các trường y ở Sài Gòn. Tổ tiếp nhận thuộc bộ môn giải phẫu hiện có 6 người, gia đình anh đã góp 4 gương mặt.

“Lần đó, cha tôi đi nhận xác ở Bà Rịa. Khi tổ tiếp nhận đến thì gia đình đã liệm để nhận phúng điếu. Người nhà đòi tiền hòm, cha nói chỉ lấy xác không lấy hòm. Họ cho luôn hòm, cha cũng từ chối, vì lấy hòm về làm gì? Đến khi họ bảo tự cạy hòm ra mà lấy xác, thế là ông và cả nhóm đành “bỏ của chạy lấy người” chứ ai mà dám cạy hòm” - anh Nhân kể lại kỷ niệm của cha mình.

“Mẹ tôi cũng đã hiến thi hài khi chết. Và lúc còn sống, chính cha tôi là người xử lý và lưu giữ xác của vợ mình trong suốt một năm trời cho sinh viên thực tập”.

Trước khi từ biệt, tôi ngỏ ý xin tham gia một chuyến đi nhận xác hiến. Anh Nhân đồng ý ngay và hẹn khi nào có sẽ “hú”.

Quà tặng cho sự sống

Đợi mãi cho đến một buổi trưa đầu tháng 5 vừa qua, anh Nhân gọi cho tôi: “Có một ca ở Long Khánh, đi không? Nếu đi, sáu rưỡi chiều nay có mặt ở trường”. Anh còn dặn nhớ ăn cơm no, vì dọc đường không quán nào dám chứa xe xác đâu.

Chiếc xe tang màu trắng đưa các thành viên trong tổ tiếp nhận cùng chiếc áo quan inox, được phủ vải đỏ với dòng chữ “Quà tặng cho sự sống”, lên đường. Trước khi thẳng tiến ra cửa ngõ phía đông thành phố, cả đoàn ghé mua một vòng hoa trang trọng ghi lời phúng “Đại học Y Dược TP.HCM - Kính viếng”.

Vì xác chết không quá 24 tiếng mới xử lý được, nên tổ chỉ nhận xác hiến từ Khánh Hòa trở vào Cà Mau. Ngoài khu vực này, khi có trường hợp đăng ký hiến xác trường sẽ không nhận hoặc giới thiệu về các trường y gần đó. Ra khỏi thành phố, đường còn xa, tôi lại có dịp nghe tổ trưởng Nhân kể về những chuyến đi ly kỳ.

“Lần ở Bến Tre, nhà tuốt trong sâu, phải cầm đuốc lá dừa soi đường. Trở ra, tui phải vác xác đi qua cầu khỉ. Mà cầu khỉ là một thân cây cau mới chặt, đầy kiến. Cha mẹ ơi, vác xác qua cầu khỉ mà còn bị kiến bu, cắn quá trời”- anh kể.

Theo anh, từng có kỷ lục trong một ngày phải đi lấy 3 xác, ở quận Tân Phú, ở Trà Vinh, rồi tối phải quay về lấy một xác nữa ở quận Bình Thạnh. “May gặp những nhà không coi thầy, thì không lo bị trễ giờ”- anh nói. Có lúc còn phải chiều theo ý gia đình, khiêng xác lên chùa, lên nhà thờ.

20h30, chúng tôi tới Long Khánh. Anh Nhân đi đầu cầm vòng hoa, hai người khiêng quan tài đi sau. Các thành viên tổ tiếp nhận vào nhà thắp nhang, phúng điếu và nói lời chia buồn. Sau đó, xác người quá cố được cho vào quan tài inox rước ra xe. Tang quyến có mặt đông đủ và chờ đoàn mang thi hài đi như một buổi động quan âm thầm, không kèn, trống.

Khoảng 23h, chúng tôi về đến Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Gia đình cúng viếng lần nữa tại phòng xử lý xác. Đợi người nhà ra về, tổ của anh Nhân tiến hành xử lý ngay trong đêm.

Thi hài được tắm rửa sạch sẽ. Mổ động mạch cảnh để bơm khoảng 18-20 lít hóa chất hỗn hợp vào. Chờ từ 3-4 ngày, sau đó ngâm vào bồn bảo quản. Ngâm như thế đủ 2 năm, mới đem ra cho sinh viên học. Đối với xác hiến vĩnh viễn, nhân viên sẽ tách thịt mang đi thiêu. Bộ xương được ráp lại hoàn chỉnh, cũng để cho sinh viên học.

“Xương ngày xưa ít mỡ, xương bây giờ nhiều mỡ nên xử lý phức tạp hơn”- anh nhân chia sẻ.

Ngoài ra, xác chết dưới 5 tiếng được cho là xác đạt chuẩn, dành để ướp xác tươi. Xác này đem về chỉ tắm rửa rồi đẩy vào ngăn lạnh. Sinh viên không được thực tập trên xác tươi, chỉ để dành cho chuyên viên nghiên cứu. Mỗi lần có ca đến nghiên cứu, xác được lấy ra ngoài trước 6 tiếng cho rã đông. Thực hành mổ trong vòng 2 tiếng là phải đưa vào lại ngăn lạnh.

“Đã có rất nhiều người bỏ cuộc rồi. Tui bây giờ có sự đồng cảm với người hiến xác. Người ta có nghĩa hiến mà tại sao mình không dám làm cái việc tiếp nhận” - anh Nhân nói với tôi trong đêm khi vừa xử lý thi hài nhận từ Long Khánh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại