Và, dù không còn phổ biến như trước, nhưng món đất vẫn không thể thiếu trong bữa ăn của một số gia đình tại đây.
Món “bánh đất” nổi tiếng
Đến tổ dân phố Thống Nhất (thị trấn Lập Thạch), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên, khi những đứa trẻ trong làng nhắc đến món “bánh ngói” nổi tiếng của vùng đất núi này. Lạ, bởi từng nghe nơi đây nổi tiếng với tục ăn đất, nhưng món “bánh ngói” lại ít được nhắc tới. Hỏi ra mới hay, món ăn ấy chính là tên gọi khác của món bánh đất “đặc sản” nổi tiếng khắp cả nước, chỉ có ở vùng Lập Thạch. Khi câu chuyện lạ “cả làng ăn đất” được báo chí đăng tải và được công nhận là “chuyện lạ Việt Nam”, người dân nơi đây phải tập làm quen với những cuộc viếng thăm của khách phương xa. “Định đến tìm hiểu về cách ăn đất à? Chẳng có gì đâu, cứ cầm lên và ăn thôi”, thấy bộ dạng lạ của chúng tôi, người đàn ông trung niên ngồi trong quán nước gần đó nói vẳng lại và lấy ra một vật có hình thù lạ.
Chưa kịp hỏi lại, người đàn ông đã cầm vật giống như cục đá bỏ vào miệng và ăn ngon lành trước mắt chúng tôi, mấy người ngồi xung quanh thấy vậy cũng cười sảng khoái. “Đó là món đất, thứ mà chúng tôi vẫn dùng để ăn, giống như người ta ăn sắn, ăn cơm vậy”. Dù đã được biết đến tục ăn đất của người dân địa phương nơi đây, nhưng chứng kiến cảnh tượng vừa rồi, nhiều người trong chúng tôi vẫn thấy khó tin. “Ở đây, trẻ con cũng ăn món này như ăn kẹo, không nhà nào trong làng là không biết đến món đặc sản này”, ông Trần Văn Ngôn (60 tuổi) - người chỉ dẫn cho chúng tôi - khẳng định.
Khi được hỏi, ông Ngôn cho biết, tục ăn đất ở đây đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, thế hệ các ông sinh ra, đã thấy người lớn ăn đất và từ nhỏ các ông cũng được nếm thử vị đặc sản quê. Ngồi kế bên, anh Nguyễn Công Hoài (28 tuổi) không tỏ ra mặn mà lắm với món ăn, song cũng biết về lịch sử của “đặc sản” quê hương. Nhiều người cho rằng, cách đây chừng chục năm, khi thị trường chưa có nhiều đồ ăn, thức uống như bây giờ, cả thị trấn Lập Thạch được biết đến là chợ đồ ăn đất lớn nhất của khu vực các tỉnh phía Bắc. Thậm chí, qua chế biến, người dân nơi đây còn làm cho những tảng đất trở thành món “bánh đất”, “bánh ngói” khá nổi tiếng của vùng. Khi chúng tôi cho rằng tục ăn đất tại địa phương giờ đã mai một, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa - Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch - lí giải, tục lệ này nay chỉ còn ở một số gia đình, người dân, chủ yếu là người cao tuổi không từ bỏ thói quen cũ. “Khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, chợ nào cũng có gian hàng bán đất, như bán rau, bán thịt”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho rất nhiều địa phương khác trong, ngoài Vĩnh Phúc như: Tam Dương, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), xa hơn là ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang cũng tìm về mua ăn. “Đã một thời, Lập Thạch có món bánh đất ăn nổi tiếng vì độ dẻo, lạ, ngậy”, vị chủ tịch cho hay.
Ăn rỗng “ruột” đồi
Trong câu chuyện, vị chủ tịch thị trấn Lập Thạch kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện vui đến từ chính tục ăn đất của người dân. Theo ông Nghĩa, Lập Thạch vốn là vùng đất núi, nhiều đồi, tuy nhiên, cách đây vài năm, đến bất cứ đồi đất của gia đình nào cũng thấy nhiều hang sâu. Đó là những nơi người dân moi đất để ăn. Bởi, đất ăn tại đây không phải là thứ đất thông thường ngoài vườn, ngoài ruộng. Để lấy được loại đất ăn này, người dân nơi đây phải đào sâu xuống lòng đất gần chục mét. Đến khi gặp những vỉa đất màu trắng, tinh khiết, như những cục phấn, như ruột củ sắn, có vân thì đó là đất ăn được. Thậm chí, người ta còn đào xuyên thành những đường hầm trong lòng đất, giống như đào vàng. “Nhiều khu đồi tại đây rỗng ruột cũng là vì thế, một thời, người dân còn ăn nhẵn cả mấy quả đồi”, vị chủ tịch nói vui.
Trước hiện tượng người dân ăn đất từng diễn ra phổ biến tại Lập Thạch, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất, văn hóa đã tổ chức khảo sát, hội thảo và lí giải về hiện tượng này. Các phân tích cho rằng, món đất này chứa nhiều canxi, nên những người thiếu canxi, thiếu sắt tìm ăn để bổ sung vi chất cho cơ thể (thường là các bà bầu, người già). Do ăn quen miệng rồi bị nghiện, cộng với điều kiện xưa còn thiếu thốn nên nhiều người vẫn giữ thói quen này tới lúc già.
Vị chủ tịch thị trấn nhớ lại, khi khu thị trấn nhỏ bé bỗng nhiên trở nên nổi tiếng với hiện tượng “ăn đất”, “ăn ngói”, nhiều người già tại địa phương đã được mời ra Hà Nội để tham dự hội thảo và trực tiếp biểu diễn chế biến, ăn đất. Cụ Nguyễn Thị Lạc là một trong những đại diện được mời tham gia giới thiệu về tục ăn đất ở Lập Thạch. Sau khi chế biến, những thỏi đất nạc, bùi nhất được cụ đưa ra mời đại biểu, khi ăn ai nấy đều ngạc nhiên, bởi đất không hề có sạn và vị ngai ngái. Dù cụ Lạc đã mất cách đây vài năm, nhưng nhắc đến tục ăn đất, nhiều người vẫn nhắc đến cụ.
Tuy nhiên, cũng sau sự việc đó, nhiều người lại thi nhau kéo về làng tìm hiểu, khiến cuộc sống nơi đây bị đảo lộn. Thậm chí, nhiều người còn tò mò hỏi mua đất. Bán được tiền, dân địa phương thi nhau đào đất, thành thử nhiều quả đồi đã bị khoét vẹt đi. Ngọn đồi Bò Vàng thuộc địa bàn tổ Thống Nhất là một ví dụ điển hình. Nếu như nhiều quả đồi đều có đất ngói nhưng chỉ là ngói dắt, lẫn nhiều tạp chất thì đồi Bò Vàng nhiều đất “nạc”, vừa béo lại không sạn, không chát. Có thời điểm, nhu cầu sử dụng đất ăn lớn, người dân đua nhau đi đào đất, khiến ngọn đồi không còn lành lặn. Nhằm hạn chế tình trạng xói mòn, nguy hiểm khi người, động vật đi lại trên đồi có thể sa xuống hố, chính quyền đã yêu cầu người dân phải lấp lại những hố đào và cấm việc đào bới đất như vừa qua.
Những người “ăn đất” cuối cùng của làng
Giờ đây, khi câu chuyện về chiếc “bánh đất”, “bánh ngói” không còn xa lạ, thì tại quê hương của món bánh này, những người gắn bó với nó cũng không còn nhiều. Cụ Khổng Thị Nồi, Nguyễn Thị Lạc vẫn được nhắc đến là những người có quan hệ gắn bó lâu đời nhất với tục ăn đất của làng, các cụ đã ăn đất cho tới lúc cuối đời. Ở vào tuổi ngoài 80 nhưng vợ chồng bà Khổng Thị Biện, Khổng Văn Loa vẫn giữ thói quen “ăn đất”. Con cháu bà cũng duy trì thói ăn này. Trong ngôi nhà nhà lụp xụp, còn nguyên vách đất, vợ chồng bà Biện tiếp chuyện chúng tôi khá cởi mở. Dù ở tuổi “cổ lai hy”, nhưng sức khỏe của hai vợ chồng bà vẫn rất đáng nể. “Nhờ ăn bánh ngói đấy, bảo mình nhịn cơm thì được đôi bữa, chứ nhịn ăn ngói thì chịu thôi”, bà Biện cho biết.
Trong câu chuyện mà những nhân chứng gắn với món “bánh đất” kể, có không ít chuyện kì thú, gắn liền với nét văn hóa, tín ngưỡng mà người dân địa phương nơi đây còn lưu giữ. Không để chúng tôi phải chờ lâu, bà Biện lóc cóc bê ra ít đất đã đào sẵn và mời chúng tôi ăn. Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngại, bà Biện liền với lấy một miếng đưa lên miệng ăn ngon lành. Ăn đất từ năm 20 tuổi, đến nay đã có trên 60 năm ăn món ăn này, bà Biện cho biết, cách thức chế biến đất thành ngói để ăn cũng khá đơn giản.
Đất sau khi được đào về, cắt thành thỏi vừa miệng, sau đó cho vào rổ, đặt lên bếp kiềng rồi châm lửa vào rơm ẩm để lấy khói. Khói rơm sẽ quyện lấy những cục đất trong rổ độ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, khi cục đất trắng xóa chuyển sang màu ám khói vàng nhạt, thì ăn được. Tuy nhiên, để món ăn có mùi vị đặc biệt, hấp dẫn hơn, người ta cũng có thể cho thêm gia vị, như: Rải các loại lá như lá sim, lá ổi xuống dưới đáy và phủ lên mặt rổ đựng đất trước khi nướng. “Nhà tôi chỉ làm kiểu này khi bán cho khách vì đòi hỏi độ hấp dẫn cao, chứ bình thường thì làm đơn giản thôi, mình ăn quen rồi”, bà Biện cho biết.
Theo bà Biện, tục ăn đất có từ bao giờ, thế hệ trước cũng không rõ, nhưng từ năm 1945 thì đã có nhiều người ăn. Đặc biệt, theo bà Biện, những người ăn bánh ngói đều có tuổi thọ khá cao. Người thấp tuổi thì cũng thọ đến 80, trường thọ thì 100 tuổi và hơn thế nữa. Với gia đình bà Biện, như đã trở thành một lệ quen, cứ mỗi khi gia đình có đám, món “bánh ngói” luôn là thành phần không thể thiếu. “Từ xa xưa, ông cha đã ăn món ăn này, nên trong giỗ, lễ tết càng không thể thiếu được bánh ngói”, bà Biện cho hay. Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Khuyên, con dâu bà Biện, khi chị làm dâu nhà bà Biện (năm 1989), cảnh chợ “bánh ngói” vẫn diễn ra tấp nập. Chị cũng là một trong những người bán “bánh ngói” cuối cùng của đất Lập Thạch.