>>> Trường sa 1988: Những mệnh lệnh lạ lùng của Đô đốc Giáp Văn Cương
>>> Hải chiến Trường Sa 1988: Chân dung người giật lại cờ từ tay địch
Sau khi hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ của ta hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông, 3 tàu của hải quân Việt Nam bị bắn chìm, Việt Nam đã đưa tàu Đại Lãnh và Mỹ Á ra làm nhiệm vụ cứu hộ. Sau trận chiến này, quân tư trang của chiến sĩ trên tàu bị cháy rụi.
Những hình ảnh, câu chuyện và những lá thư từ Trường Sa gửi về hậu phương xung quanh trận hải chiến Trường Sa 1988 và cả từ hậu phương ra tiền tuyến thời gian này đều khiến những người đang sống ở thời bình xem lại thấy xúc động.
Trung úy, anh hùng Trần Văn Phương nhập ngũ năm 1983. Ngày 11/3/1988 anh được điều ra đảo Gạc Ma trên con tàu HQ 604 làm nhiệm vụ. Ngày 14/3, anh hy sinh trong trận chiến trên đảo Gạc Ma. Bức thư cuối cùng anh gửi cho vợ là chị Mai Thị Hoa mà tờ Tuổi trẻ đăng tải có đoạn:
"Đợt này anh đi công tác gấp, chưa biết khi nào về. Địa chỉ chưa rõ ràng nên em đừng viết thư hồi âm...”.
Theo thông tin trên tờ Tri ân liệt sĩ, trong những lá thư chất chứa tình cảm gửi cho người vợ trẻ, anh Phương còn viết: "Sau chuyến công tác này về anh sẽ xin xuất ngũ. Anh về sẽ không làm gì cả, chỉ ở nhà để giữ nhà cho em…".
Anh hùng Trần Văn Phương gửi về cho vợ. (Ảnh: Ngọc Lan/Trianlietsi.vn)
Cựu binh Trần Thiện Phụng (SN 1962, trú tại TP.Đông Hà, Quảng Trị) được lệnh điều chuyển vào quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và đến đêm 11/3/1988 bí mật lên tàu, trực chỉ Trường Sa. Sau trận chiến năm 1988, anh bị bắt giam tại Quảng Đông (Trung Quốc). Thế nhưng, vợ anh, chị Lê Thị Thiên lại nhận được tin chồng mình hy sinh sau trận hải chiến năm 1988. Người phụ nữ ấy đau khổ tột cùng và chỉ muốn chết theo chồng mình. Một năm sau đó, chị đã sững người khi nhận được thư của chồng gửi từ Hội chữ thập đỏ quốc tế. Bức thư có nội dung vỏn vẹn: "Con còn sống, mạnh khỏe và đang bị tạm giữ ở Trung Quốc, ở nhà bố mẹ và vợ cứ yên tâm".
Vô cùng vui mừng, chị Thiên đã viết thư hồi đáp cho chồng: "Em rất mừng và thương anh nhiều lắm. Con chúng mình đã đi học mẫu giáo. Anh hãy yên tâm, em sẽ xứng đáng là người vợ hiền của anh. Hẹn ngày anh sum họp gia đình em sẽ tâm sự nhiều hơn"...
Ngoài những lá thư báo tin của mẹ, con, vợ, chồng..., ngày 8/4/1988, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng đã gửi thư tới các chiến sĩ Trường Sa.
Bức thư đăng trên Báo Tiền Phong số 16 ra ngày 19/4/1988 có đoạn:
"Thay mặt cho tuổi trẻ cả nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xin gửi cán bộ chiến sĩ, những đoàn viên thanh niên đang ngày đêm chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên cường trụ bám, giữ vững Trường Sa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, những tình cảm thân thương, niềm tự hào trân trọng. Cũng nhân dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xin gửi tới các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa lòng biết ơn sâu sắc những người mẹ, người cha đã trao cho Tổ quốc những người con trung hiếu... Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đoàn (khóa V) đã quyết định phát động trong trong tuổi trẻ cả nước phong trào thi đua Hướng về Trường Sa”.