Mây vẩy rồng
Hiện tượng này bắt đầu vào 17h20', kéo dài trong vòng 40 phút sau cơn mưa vào ngày 20/8/2009. Tuy nhiên, do nắng tắt nhanh nên vẻ đẹp của đám mây vảy rồng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.
Trước cảnh tượng kỳ thú trên, không ít người liên tưởng tới sự kiện rời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010. Theo câu chuyện, đức vua đã nhìn thấy rồng bay trên thành Đại La nên đổi tên thành thành Thăng Long, kinh đô mới của Đại Việt.
Đây được coi là một hiện tượng hiếm có, nhiều cụ già nói rằng đó là mây vẩy rồng và cho rằng những người nhìn thấy mây vẩy rồng sẽ gặp nhiều may mắn, trong năm sẽ mưa thuận gió hòa.
Mây phượng hoàng
Chiều 7/9/2010, một đám mây kỳ lạ đã xuất hiện trong cái nóng oi ả của Hà Nội. Hình thù của đám mây không có gì khác thường, nhưng phía trên đám mây có những vệt như vết dầu loang với 7 sắc cầu vồng rực rỡ. Một số người cho rằng mây có hình đứa bé, người thì lại bảo mây giống như cánh phượng hoàng xuất hiện trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
"Vật thể lạ" phát sáng trên bầu trời
Vào hồi 5h - 5h30 chiều 28/10/2010, anh Nguyễn Xuân Vũ (Hà Nội) đã quay được hình ảnh một vật thể bay tạo thành một vệt sáng trên bầu trời tựa như một vật thể bị cháy khi từ ngoài không gian bay xuyên qua bầu khí quyển của trái đất.
Tuy nhiên, trả lời báo chí khi đó, ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam khẳng định,"vật thể lạ" nói trên chính là một chiếc máy bay dân dụng.
Vật thể lạ phát sáng trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: Internet
Mây ngũ sắc
Khoảng 4h chiều 11/7/2012, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện đám mây ngũ sắc tuyệt đẹp trước cơn mưa. Hình đám mây ngũ sắc bị che khuất như cái mâm, có phần nhìn như một khúc thân của rồng với các gam màu vàng, xanh, đỏ.... uốn theo các đám mây đen.
Mây ngũ sắc là sự xuất hiện của màu sắc trong một đám mây giống như vết dầu loang ta thấy trên mặt nước.
Tổng hợp