3 cái Tết xa quê hương
Nhắc đến quê hương, cô Nguyễn Thị Sang – nữ giáo viên gắn bó 7 năm với ngôi trường Tiểu học Mường Mô 1 (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) lại bùi ngùi, đôi mắt buồn rầu nhìn xa xăm, tâm sự: “Trên này buồn lắm, đã 3 năm nay chị không về quê ăn Tết. Vì đã về là không muốn lên nữa”.
Cô giáo Sang đã gắn bó 7 năm với Trường Tiểu học Mường Mô 1, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Để trang trải cuộc sống trên này, cô trồng thêm luống rau sau trường.
Nghe tiếng thở dài của cô Sang, tôi cứ nghĩ đó là chuyện đùa nhưng…hóa ra đó không chỉ riêng cô giáo Sang mà nhiều nữ giáo viên ở đây có “thâm niên” gần chục năm cũng cùng cảnh ngộ như thế.
Trò chuyện với cô, tôi dần hiểu thêm về đời sống giáo viên ở đây khó khăn đến mức nào. Quê cô Sang ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Khó khăn chồng chất, sự cô đơn, trống trải, nhớ gia đình là những gì cô gái 21 tuổi trẻ trung, nhiều hoài bão một mình quyết tâm bỏ quê lên vùng núi để dạy học phải đối mặt trong thời gian đầu.
“Khó khăn lắm, những ngày đầu mình tính từng ngày một, mỗi buổi sáng mình gạch đi 1 ngày để cho qua nhanh nhưng thấy lâu hết tháng quá. Thậm chí mình còn thấy cuộc sống trên này không có ý nghĩa gì cả, sáng 5h dậy, lên lớp cả ngày, tối về soạn bài và cứ như thế dần dần sống qua ngày qua tháng”, cô Sang hồi tưởng lại.
Cũng có cùng tâm sự, cô giáo Nguyễn Thị Minh Châu – giáo viên Trường Mầm non Mường Mô 1 cũng “bám trường, bám dân” 10 năm nay. “Lúc mình lên đây đường khó đi lắm, không thành đường như bây giờ, mình đi xe ôm mà nhiều đoạn mình hét lên vì sợ, đòi bác xe ôm cho mình xuống đi bộ. Hay những ngày đầu đi dạy, buồn cũng chẳng biết làm thế nào, thậm chí mình còn thất bất mãn”, cô Châu thật thà kể lại.
Cô giáo Châu chăm vườn rau sau giờ lên lớp.
Nhớ nhà, nhớ quê hương đến nỗi không dám về quê vì nhà xa, đường đi khó. Một năm chỉ tranh thủ về 1 -2 lần, thậm chí đã 3 năm nay cô giáo Sang không có cái Tết ở quê hương. “Mỗi lần về đi cũng mất 2 ngày đường. Mỗi lần về quê gặp bố mẹ, anh chị em là không muốn lên trên này nữa”, cô Sang bộc bạch.
Ngoài ra, cuộc sống sinh hoạt của các cô còn nhiều thiếu thốn như không có chợ để mua thức ăn, để thay đổi bữa, đồ ăn tươi sống còn đắt hơn dưới xuôi… Cô Sang lấy ví dụ: “Trên này 180 – 200 nghìn đồng/ kg gà, 100 nghìn đồng/ kg thịt lợn mà không phải lúc nào cũng có sẵn. Nhiều khi thèm ăn cá nhưng chẳng có mà mua. Nếu muốn thì phải đi chợ huyện cách trường 40 cây số. Suốt 1 năm nay mình chưa vào huyện vì vậy các cô ở đây tự trồng rau, nuôi vài con gà”.
Nhưng trên hết, những nữ giáo viên ấy vẫn vượt qua thiếu thốn của cuộc sống, băng qua đường rừng nguy hiểm, trơn trượt để đến với những người học trò…bằng tình yêu nghề và họ có không ít những kỷ niệm buồn, vui lẫn lộn với nghề.
Đi bộ một ngày đường để gặp học sinh
Nhớ lại những ngày dạy học ở bản lẻ (Bản Mường Mô 2) trong 2 năm đầu nhận công tác, cô giáo Châu kể : “Con đường ấy mình không bao giờ quên được, lần đầu tiên mình đi bộ từ 6h sáng đến 6h tối mới đến điểm trường. Lúc đó, một em học sinh dẫn mình đi xuyên qua rừng, leo lên đồi, giữa đường gặp trời mưa nữa nên đường rất trơn. Đi mãi không đến, thấy mình mệt nên chốc chốc cậu bé lại động viên “sắp đến rồi cô ạ!””.
“Dạy mầm non khổ lắm, kêu gào trẻ đi học chẳng được. Bố mẹ các em đi nương, không cho con đến trường, hôm đi hôm nghỉ. Nhiều lần vụ mùa, bố mẹ quên không đi đón con, mình lại dẫn về nhà nấu cơm cho ăn xong xuôi mới thấy có ông bà xuống đón”, cô Châu nói thêm.
Còn đối với cô Lò Thị Thanh (Hòa Bình) lên đây từ năm học 2003 – 2004 khi mới 25 tuổi. Kỷ niệm nhớ nhất đối với cô là quãng thời gian 2 năm dạy 15 học sinh dân tộc Khơ Mú ở bản lẻ Hát Mé (cách trung tâm xã 10 cây số). Lúc đó, cô trò dạy và học trong tình trạng “ba không” – không bàn ghế, không điện và không sách.
“Đóng cọc, đặt tấm lứa để thành bàn học cho các em. Trời mưa không học được, cô và trò cùng trú mưa và học dưới gầm nhà sàn của dân. Lúc mình nhận lớp, có học sinh lớp 4 không biết chữ và mình đã mất hai tháng để làm quen tiếng, dạy các em biết chữ. Mình không dạy theo sách mà dạy làm sao để các em biết chữ, biết tính toán thôi.
Nhiều lúc, để giữ chân các em ở lại lớp học, không theo bố mẹ lên nương, mình phải làm trò chơi, múa hát”, cô Thanh nhớ lại.
Cô Thanh (phải) và thầy Nam hạnh phúc khi nhớ lại câu chuyện về những ngày tháng đầu khó khăn khi nhận công tác trên này.
Theo thầy Lê Văn Nam – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Mô 1 cho biết: “Khó khăn chung lớn nhất là mất thời gian để làm quen tiếng dân tộc rồi ngôn ngữ, vốn từ của các em ít nên giao tiếp còn hạn chế. Thực tế, các thầy cô tiếp cận với trẻ 1 – 2 năm ở mỗi cơ sở, làm quen với tiếng Thái, Khơ Mú, Mông…rồi luân chuyển công tác và bắt đầu thích nghi lại từ đầu với thứ tiếng khác. Bên cạnh đó còn có khó khăn về đường đi. Hiện nay trường có 285 học sinh trong đó có 5 điểm lẻ và bản xa nhất cách trung tâm 20 cây số”.
Hỏi về chuyện dạy thêm, học thêm, các cô giáo chỉ đùa nhau rằng: “Mình dạy cho học sinh biết chữ là mừng lắm rồi, làm gì có dạy thêm mà kiếm thêm thu nhập. Em nào không biết đọc, biết viết thì giáo viên phải dạy thêm hè, dạy ngày dạy đêm. Thậm chí ở đây mời đi trẻ còn không đi học đủ ấy”.
Những niềm vui nho nhỏ
Những nữ giáo viên ấy không chỉ có bản lĩnh, ý chí thép, tình yêu với nghề mà họ có sự hy sinh thầm lặng với chồng con. Đối với họ, tổ ấm gia đình, “của để dành” là nguồn động viên lớn lao nhất giúp họ vượt qua khó khăn để “bám trường, bám học sinh”.
Cô Sang nhìn đứa bé gái và nở nụ cười hạnh phúc, cô khoe rằng đây là “của để dành”, là báu vật mà Mường Mô đã ban cho. Cô con gái hơn 4 tuổi xinh xắn, đáng yêu là thành quả của cuộc hôn nhân với một người thầy cùng trường cách đây gần 5 năm.
Còn cô Thanh giờ đã có hai đứa con nhỏ. Cô cùng thầy Nam – hiệu trưởng nhà trường lên đây lập nghiệp 10 năm nay. Cô kể rằng, thầy cô yêu nhau từ hồi học sư phạm, cùng nhau vượt qua gian khổ và lập gia đình trên này.
“Dự định chuyển về dưới xuôi lâu rồi nhưng anh Nam vẫn muốn cống hiến hơn nữa hai vợ chồng cũng quen với cuộc sống trên này rồi. Đi thì thương, mỗi lần lên thấy các em là vui níu chân mình ở lại trường”, cô Thanh tâm sự.
Đối với những người thầy vùng đất Tây Bắc xa xôi này thì tình cảm chân thành của học trò, lòng yêu nghề, sự gắn bó với mảnh đất tình người là thứ quý báu nhất mà họ nhận được. Đối với cô giáo Sang thì đó là bó hoa rừng đủ loại cùng lời chúc mừng 20.11 được các em học sinh lén đặt trên bàn hay niềm vui của cô Châu là thấy học sinh đi học đều.