Năm 2000, UBND TP.Đà Nẵng quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình thành phố “5 không”. Sau 5 năm thực hiện, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của kế hoạch.
TP.Đà Nẵng hiện: không còn hộ đặc biệt nghèo; không còn trẻ em bỏ học vì nghèo; không người lang thang xin ăn; không người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người để cướp của.
Diện mạo TP.Đà Nẵng có nhiều thay đổi.
Sau năm 2005, Đà Nẵng một mặt tiếp tục đẩy mạnh chương trình “5 không”, một mặt tiến hành cuộc vận động mới “3 có”: có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Chương trình này tạo được sự hưởng ứng sâu rộng của nhân dân. Diện mạo của TP.Đà Nẵng thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện.
Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư?
Ngày 24/12/2011 HĐND TP.Đà Nẵng ban hành nghị quyết 23 về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Trong đó có ghi: “Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật cư trú trên địa bàn TP.Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh.
Ngay khi còn dự thảo, nghị quyết số 23 của HĐND TP.Đà Nẵng đã có nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng có những nội dung trái với Luật cư trú, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ... Và khi nghị quyết được ban hành thì Bộ Tư pháp yêu cầu, Đà Nẵng phải tự hủy bỏ những nội dung trái luật.
Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.
Đà Nẵng “nói không” với bằng tại chức
TP.Đà Nẵng thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Chủ trương của chính quyền Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được thành ủy thông qua.
Theo giải thích của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, hiện nay nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết. Việc không tuyển bằng tại chức là do chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch mặc dù biết rằng về mặt bằng cấp là bình đẳng.
Chủ tịch Văn Hữu Chiến, cho biết, Đà Nẵng chỉ áp dụng đối với số cán bộ công chức, cán bộ quản lý nhà nước diện tuyển mới. Số người cũ, nếu có bằng tại chức thì vẫn được sử dụng bình thường. Chủ trương này cũng “khu biệt” trong đối tượng các bộ công chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, DN... không bị điều chỉnh bởi chủ trương này.
Chủ trương “đập” mũ bảo hiểm “rởm”
Để chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, thực hiện chủ trương phạt người sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng, Đà Nẵng đã trải thảm cho 1 DN từ TP.HCM ra đầu tư, xây dựng một nhà máy sản xuất MBH. TP đã cho DN này thuê 5ha đất giá rẻ, cho vay vốn cùng nhiều ưu đãi khác chỉ để DN này sản xuất chừng 1 triệu chiếc mũ giá 50.000 đồng.
Kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm.
Theo đó, từ ngày 1/4/2012, CSGT sẽ kiểm tra, thử tại chỗ tất cả MBH đối với người đi đường. Nếu mũ không đạt chuẩn, sẽ đập bỏ, bán mũ mới (với giá 50.000 đồng) cho dân.
Cụ thể, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo: “Sở Khoa học và công nghệ trực tiếp đem máy kiểm định để thử chất lượng mũ bảo hiểm. Lực lượng CSGT có nhiệm vụ dừng phương tiện xe máy để thử mũ mũ bảo hiểm, còn ban ATGT thì tổ chức bán mũ đúng chất lượng với giá 50.000 đồng/1 chiếc”.
Tăng thu nhập cho CSGT Đà Nẵng để hạn chế tiêu cực
Riêng lực lượng CSGT, để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, ông Nguyễn Bá Thanh cho hay: CSGT đứng chốt tại 4 trạm cửa ô Hòa Phước, Hòa Hải, Kim Liên, Hòa Nhơn sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/1 tháng.
CSGT đứng chốt tại 4 trạm cửa ô Đà Nẵng được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng triển lắp đặt camera giám sát quá trình kiểm tra, xử lý của CSGT tại 4 trạm cửa ô trên. Trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, đuổi khỏi ngành. Lực lượng CSGT ở 4 trạm này cũng được luân chuyển mỗi quý một lần.
Chủ trương này được triển khai từ tháng 3/2012, ngoài tiền lương theo quy định, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại các cửa ô sẽ được hỗ trợ thêm số tiền trên từ nguồn ngân sách của thành phố, chuyển qua thẻ nhận lương.
Chủ trương tăng thu nhập cho CSGT Đà Nẵng để hạn chế tiêu cực cũng đã “làm nóng” dư luận cả nước khi ban hành.