Tâm sự những lão mẫu U70
Tại trường đại học Kiến trúc Hà Nội có gần chục lão mẫu có tuổi từ U50 đến ngoài U70 vẫn đang hành nghề người mẫu tự do. Họ là những lão nông ở vùng nông thôn ra thành phố kiếm thêm, những cán bộ viên chức đã nghỉ hưu, thậm chí là chủ cơ sở dệt... vẫn kiên quyết bám lấy nghề mà xã hội vẫn còn dị nghị mà thu nhập mỗi tháng chỉ được vài trăm nghìn đồng.
Đã 14 năm nay, ông Nguyễn Văn Chương (SN 1960, thôn Tiến Phối, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) vẫn đều đặn đến lớp làm mẫu cho sinh viên vẽ chân dung.
Ông Chương là cha của tám người con. Gia đình đông con, ruộng đồng lại ít, ông lang thang ra thành phố tìm việc, ai thuê gì làm nấy. Tình cờ ông thấy có người mách đi làm mẫu cho sinh viên các trường hội họa vẽ chân dung cũng ra tiền. Sau khi tìm hiểu, biết trường đại học Kiến trúc có tuyển người, ông đã quyết định đến ứng tuyển.
"Thân hình tôi không cao to, chẳng đầy đặn thậm chí còn có nét khắc khổ. âu cũng là cái nghề chọn người, tôi đã may mắn được tuyển chọn. Thời gian trôi nhanh thật, kể từ ngày tôi bước vào làm nghề ở trường, thoắt cái đã mười bốn năm", ông Chương nói.
Ông Nguyễn Duy Tuy (SN 1940, làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), tổ trưởng tổ mẫu cho rằng, do đặc thù nghề nghiệp nên việc tuyển chọn cũng theo tiêu chí riêng. Tất cả những lão mẫu phải có chiều cao tương đối, cơ thể rắn rỏi, nước da sạm đen... đặc biệt là nhà cũng phải gần trường vì lý do tuổi già, việc đi lại rất khó khăn.
Trong sáu lão mẫu thì có năm người ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. "Đó là tôi và các ông Đỗ Văn Liên (55 tuổi), Đỗ Văn Chiến (54 tuổi), Nguyễn Trường Sơn (48 tuổi), Nguyễn Văn Thi (70 tuổi). Điều đặc biệt nhất những lão mẫu này lại có những thân phận hết sức đặc biệt, trong đó, có ông Thi là công nhân ở xí nghiệp chế biến gỗ ở Hà Sơn Bình (trước đây), khi nghỉ hưu, ông đã chuyển sang làm nghề mẫu vẽ. Tính ra, ông Thi đã gắn bó hơn chục năm với nghề. Ngoài ra còn có ông Liên, ông Sơn là thương binh hạng 3/4, có chế độ chăm sóc của Nhà nước, thế nhưng vẫn miệt mài lên giảng đường", ông Tuy cho biết thêm.
Có lẽ đặc biệt nhất vẫn là trường hợp ông Đỗ Văn Chiến, chủ cơ sở xưởng dệt. Được biết gia đình ông Chiến rất khá giả nhưng ông vẫn đi làm nghề cóp nhặt từng cắc bạc lẻ này. ông Chiến cho rằng, cơ duyên đến với nghề mẫu vẽ cũng bởi cậu con trai đã từng là sinh viên trường đại học Kiến trúc. Từ những lần làm mẫu cho con vẽ, ông đã dần đam mê với nghề. Hiện cậu con trai đã tốt nghiệp và vào miền Nam lập nghiệp, còn ông vẫn miệt mài với nghề mẫu vẽ ở trường.
Ông Nguyễn Duy Tuy nhớ lại, thời gian đầu mới vào nghề, ai cũng cảm thấy rất ngại ngùng. "Lúc mới làm thì thấy rất ngại vì hàng trăm ánh mắt sinh viên chằm chằm vào mình, soi mói từng đường nét trên cơ thể. Thế nhưng làm mãi rồi cũng quen. Vóc dáng của chúng tôi đã in đậm vào ký ức các cháu qua các tiết giảng. Thậm chí chỉ cần nhìn từ xa, các cháu đã nhận ra từng lão mẫu", ông Tuy chia sẻ.
Không ngại khỏa thân
Giữa những lão mẫu và sinh viên có một sợi dây ràng buộc rất đặc biệt. Đó là những kỷ niệm gắn kết giữa nhân vật và từng bức ký họa. Các người mẫu rất vui vẻ khi sinh viên bảo ông nhấc chân bên này, giơ tay bên kia, nghiêng mình bên nọ. Các ông hiểu rằng, công sức mình bỏ ra sẽ giúp các cô cậu sinh viên có được những tiết học bổ ích. Niềm vui lớn nhất của những lão mẫu là khi sinh viên đem bức vẽ đến tặng. Họ đem về treo rất cẩn thận trong nhà và coi đó như là một kỷ vật. Thậm chí, có sinh viên sau khi hoàn thành bài thi còn đến mời bằng được lão mẫu đi chụp ảnh cùng. Ngày nhà giáo Việt Nam, các cô cậu sinh viên cũng không quên dành tặng các lão mẫu bông hoa hay tấm thiệp mừng.
Anh Trịnh Ngọc Liên, giảng viên dạy môn Mỹ thuật, trường đại học Kiến trúc cho biết: "Tất cả các bác mẫu ở đây đều là những người hành nghề tự do. Lão mẫu được chọn phải có chiều cao từ 1,7m trở lên. Hơn nữa, hình thể họ phải có góc cạnh, đường nét và vẻ mặt có chiều sâu. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm với mỗi tiết học. Chính vì vậy, những lão mẫu được sinh viên rất yêu quý và coi như một người thầy".
Đã hàng chục năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Duy Tuy, tổ trưởng tổ mẫu chia sẻ: "Khi bước vào năm học, nhà trường sẽ lên thời khóa biểu sẵn. Những người mẫu tự do được trả tiền công theo mỗi tiết học. Tiền công trả cho các lão mẫu là do học sinh đóng góp. Tính trung bình mỗi phút làm mẫu họ có một ngàn đồng, tuy nhiên để đứng hay ngồi hàng tiếng đồng hồ quả thật không dễ dàng chút nào".
Điều khiến các lão mẫu ái ngại nhất chính là dị nghị của xã hội về nghề này. Họ cho rằng, việc cởi trần trùng trục cho sinh viên vẽ là phản cảm. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng, đó là những người hy sinh vì nghệ thuật. "Chúng tôi biết, ở một số trường chuyên ngành Mỹ thuật khác còn có đội ngũ người mẫu chuyên khỏa thân cho sinh viên vẽ. ở trường Đại học kiến trúc thì chỉ yêu cầu cho nude 70 - 80%, nhưng nếu nhà trường cho nude 100%, chúng tôi cũng chẳng ngại ngùng gì. Người mẫu cũng là một nghề. Tôi tin rằng, xã hội sẽ dần hiểu hơn về nghề đặc biệt của những ông lão chúng tôi", lão mẫu Nguyễn Văn Chương chia sẻ.
Nhà trường có ý định tạc tượng những lão mẫu
ông Nguyễn Duy Tuy, tổ trưởng tổ mẫu cho biết: "Lãnh đạo nhà trường có ý định tạc tượng những người mẫu già để trưng bày, coi đó là một sự tri ân công sức của những người làm mẫu. Tuy nhiên, chúng tôi không thích câu nệ hình thức. Nhìn thấy các thế hệ sinh viên ra trường và thành công mới là niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi".
Người mẫu cũng là thầy
Bạn Thùy Linh, sinh viên ngành Mỹ thuật, trường đại học Kiến trúc chia sẻ: "Qua những buổi học trên lớp, chúng em đã có thời gian tìm hiểu về cuộc đời, hoàn cảnh gia đình của các bác mẫu. Khi đã hiểu rõ về nhân vật, chúng em mới có thể thổi hồn vào từng nét vẽ. Chúng em luôn coi nhân vật như những người ông, người bác của mình. Có những bạn vẽ chậm đã không kịp hoàn thành bức vẽ, các bác lại phải nán lại thêm hàng tiếng đồng hồ. Trong mắt các cô cậu sinh viên chúng em, các bác mẫu vẽ cũng giống như một người thầy vậy".