Mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến chính là nơi hội tụ các ngành nghề, là nơi họp chợ, là thị trường lớn nhất Việt Nam ngày ấy. Mà chợ Thăng Long thì bao gồm một mạng lưới thương nghiệp lớn nhỏ rải rác khắp đô thành. Mật độ chợ dày đặc nhất là chốn mà nay ta gọi "khu phố cổ."
Nói đến chợ Hà Nội, người ta thường nhắc đến 2 chợ: chợ Đồng Xuân là khu chợ lớn và sầm uất nhất và đặc biệt nhất là chợ Đuổi vì chợ này chỉ họp khi các chợ khác đã tan, nghĩa là đã bị đuổi chợ và họp ngoài trời.
Trong mấy nghìn ngôi chợ ở khu vực nội thành Hà Nội, chỉ có chợ Bưởi và chợ Mơ là họp phiên theo ngày. Chợ Bưởi họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch và chợ Mơ họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch.
Đến với những phiên chợ đặc biệt này, người đi chợ không chỉ được thoả mãn nhu cầu mua sắm theo sở thích của mình mà còn được nhìn, ngắm và cảm nhận không khí phiên chợ giống như một phiên chợ nông thôn ở quê nhà.
Bao nhiêu năm tháng trôi đi, hai ngôi chợ đã tạo nên những nét văn hóa khá đặc sắc cho khu vực Hà Thành. Nhưng gần đây, do những biến động của cuộc sống, chợ không thể tiếp tục họp theo nếp cũ nữa, và chợ phiên giờ chỉ còn trong kí ức tiếc nuối của người dân Thủ đô.
Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.