Những bức ảnh báo chí quý giá về Điện Biên Phủ

120 bức ảnh màu và đen trắng ghi lại những khoảnh khắc của trận chiến Điện Biên Phủ và những thời tựu đổi mới của chiến trường xưa.

Chiều 5/5, tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam - số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội khai mạc Triển lãm ảnh báo chí mang tên “Điện Biên Phủ - 60 năm Bản hùng ca”. Triển lãm do TTXVN tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014).

Triển lãm “Điện Biên Phủ - 60 năm Bản hùng ca” gồm 120 bức ảnh màu và đen trắng, chia làm 2 phần: Phần 1: Chiến dịch Điện Biên Phủ: Gồm 60 bức ảnh đen trắng chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh tư liệu của TTTXVN, ghi lại những khoảnh khắc tiêu biểu nhất của trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường Điện Biên Phủ. Phần 2: Điện Biên hôm nay: Gồm 60 bức ảnh của phóng viên TTXVN, phản ánh những thành tựu và sự đổi mới trên vùng đất Điện Biên – Chiến trường xưa trong 60 năm qua.

55 ngày đêm đồng hành cùng chiến dịch lịch sử, các nhà báo cách mạng, trong đó nhiều người là phóng viên ảnh TTXVN đã có mặt trên mọi trận tuyến, khắc họa một Điện Biên Phủ hào hùng trong khói lửa. Hình ảnh quân và dân vận chuyển lương thực, kéo pháo, những chiến sĩ xung kích lao qua xác thù giữa mịt mù khói đạn, những nòng súng rực lửa trên các khu đồi: Độc Lập, C, A1…mãi mãi đi vào lịch sử như những biểu tượng chói lọi của truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

60 năm sau chiến tranh, phóng viên TTXVN đã có mặt ngay từ những ngày đầu dựng xây ở Điện Biên, ghi lại những hình ảnh quân và dân Điện Biên vượt qua muôn vàn khó khăn của một vùng đất nghèo tài nguyên, trắc trở về địa hình, nỗ lực không ngừng để đưa mảnh đất lịch sử ngày một phát triển và đi lên.

Trong hàng ngàn những bức ảnh về Điện Biên Phủ, có không ít bức vô danh mà chỉ mang một cái tên giản dị: Ảnh TTXVN. Tên tuổi của những tác giả ấy đã hòa chung vào cái tên Điện Biên Phủ, một cái tên đã vượt qua ranh giới của một địa phương, một quốc gia để đi vào lịch sử thế giới.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, triển lãm như một sự tri ân sâu sắc của những người làm báo thông tấn tới các anh hùng, liệt sỹ, tới tất cả những ai đã từng tham gia chiến dịch, và đặc biệt, tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người dưới ngọn cờ của Đảng đã cùng cả dân tộc làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Triển lãm trưng bày từ ngày 5/5 đến hết ngày 12/5/2014./.

Một số bức ảnh được trưng bày trong triển lãm:

Tháng 12/1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận chiến lược với quyết tâm: Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa cuối cùng trước khi nổ súng. Ảnh: tư liệu TTXVN
Với hơn 2 vạn người, đoàn dân công xe thồ ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu TTXVN
Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Ảnh: tư liệu TTXVN
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Ban Tham mư Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: tư liệu TTXVN
Hình ảnh lá cờ Quyết chiến Quyết thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho các cánh quân tung bay trên Sở Chí huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều 7/5/1954 do phóng viên TTXVN Triệu Đại ghi lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ tháng 4/2004. Ảnh: Trần Tuấn TTXVN
Thiếu nhi Điện Biên tại cụm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Hà TTXVN
Đêm thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Huy Hùng TTXVN
Đèo Pha Đin. Ảnh: Huy Hùng TTXVN
Cầu Mường Thanh (Thành phố Điện Biên Phủ) bắc qua sông Nậm Rốm. Ảnh: Trọng Đạt TTXVN
Múa xòe - nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Thanh Hà TTXVN
Người Mông huyện Tủa Chùa đi chợ phiên Tả Sìn Thàng. Ảnh: Quý Trung TTXVN
Triển lãm thu hút cả các em nhỏ đến tham quan

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại