Những bài học tháng hai

ĐÀO TUẤN |

Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến tháng 2 tây lịch, đất và người vùng biên giới phía Bắc lại dâng lên nhiều cảm xúc đan xen khó tả khi nhớ lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc nổ ra vào rạng sáng ngày 17.2.1979.

Phóng viên báo Lao Động đã có mặt ở những vùng đất nóng bỏng, trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng sống trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến năm nào.

Đau thương, uất nghẹn, pha lẫn tự hào, tự tin trước những biến cố của chiến tranh, của thời cuộc. Nhưng dù là đau thương đến mấy, 36 năm đã qua đi, vết thương theo năm tháng cũng dần lành lặn và hồi sinh hướng về một tương lai mới.

Chỉ còn duy nhất những bài học, bài học phải trả bằng xương máu là vẫn còn nguyên giá trị.

Kỳ 1: Bài học lông ngỗng

Khi Nông Văn Ngàn trở lại Cao Bằng, hai cây cầu vào thị xã bị đánh sập. Phố xá bị san bằng hết. Cột điện, gốc cây bị đứt ngang vì mìn. Kể cả ghế đá vườn hoa.

Nà Rụa là nơi dân ở Hà Quảng, Trà Lĩnh chạy ra và bị chết nhiều nhất. Cả tháng sau khi lính Trung Quốc rút, những đau thương tang tóc vấn còn đó.

Ký ức về Dương Lệ Mẫn

36 năm rồi mà ông Ngàn vẫn không quên năm ấy. Năm 1979, ông còn là một cậu học trò trường cấp 3 thị xã. Quá nhỏ để hiểu thế sự, nhưng đủ lớn để không thể quên những trái ngang thế thái nhân tình.

Lớp khi đó có 3 bạn người Hoa là Hoàng Cắm Choóng, Vương Kinh và Dương Lệ Mẫn. Ông thân với Mẫn, một cô gái đặc biệt xinh đẹp như bất cứ cô gái gốc Hoa nào khác.

Mẫn thuộc nhóm “cháu ngoan bác Hồ”. Có lần, trước chiến tranh, hai người còn ăn chung một nắm cơm khi đi thăm hang Pắc Bó.

Suốt cả kỳ 1 năm học, cả ba bỗng dưng ít nói. Còn Mẫn, mỗi lần ra chơi cô chỉ ở lại trong lớp và khóc một mình. “Chuẩn bị kỳ nghỉ tết năm ấy, vào buổi học cuối, Mẫn gặp tôi, vừa nói vừa khóc: “Ngày mai tôi nghỉ học. Tôi với bạn chia tay.

Biết đâu trong những ngày tới tôi và bạn ở hai chiến tuyến…”. "Cô ấy nghẹn lời gạt nước mắt chạy đi. Tôi thương, lặng đứng nhìn theo” - lời ông Ngàn.

Bia thảm sát ở Tổng Chúp - Cao Bằng
Bia thảm sát ở Tổng Chúp - Cao Bằng

Sau tết, ngoài giờ học chính khóa buổi sáng, học sinh Cao Bằng khi ấy đào giao thông hào quanh trường. “Tình hình lúc đó rất khẩn trương”- ông Ngàn nhớ lại, đâu đâu người lớn cũng thầm thì về một cuộc chiến tranh sẽ xẩy ra nay mai.

Có rất nhiều chuyện, nhiều đồn thổi.  Chỉ huy trưởng Thị đội, trung tá Loòng tuyên bố nếu Trung quốc  thò tay sang đánh ta thì ta sẽ chủ động và kien quyết chống trả …

Nhưng hồi ấy, không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn đều không tin là Trung quốc sẽ đánh mà nghĩ chắc lại gây hấn ném đá, gậy gộc rồi thôi. Đêm trước chiến tranh, 16.2.1979, rạp ngoài trời chiếu bộ phim "Giải Phóng".

Vì là phim chiến đấu của Liên Xô, lại chiếu liền 3 tập nên dân thị xã đi xem rất đông. 11h khuya phim mới chiếu xong, khi mọi người tản mạn ra về thì phía biên giới hướng Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Đông Khê có rất nhiều ánh chớp lóe lên xen lẫn những tiếng ì ầm.

Mọi người chỉ thấy lạ là không có mưa mà mùa mưa chưa đến sao lại có sấm chớp làm vậy. Không ai biết được điều tệ hại nhất đã xảy ra.

Chiến tranh đến ngay ngày hôm sau, ngay sau một thông báo sơ tán, cả Cao Bằng chạy giặc. Đúng là không có gì khốn khổ, nháo nhác và sợ hãi hơn là chạy giặc. Ông Ngàn theo gia đình, theo đoàn người chạy vào Mỏ Muối.

Từ Mỏ Muối tới Khuổi Diên. Từ Khuổi Diên tới Pác Sóa. Chạy trong sự hỗn loạn bố mẹ tìm con cái, chồng tìm vợ, con cháu chạy tìm ông bà... nháo nhác, rùng rùng hỗn loạn chạy tứ tán.

“Nhà thằng Sơn bạn tôi chạy mỗi người một ngả, đến khi tụ tập lại được thì không thấy bà cụ già đâu cả mãi về sau mới tìm thấy, bà bị dòng người chen lấn xô đẩy ngã xuống một cái hố sâu ở bờ sông. Không lên được. Không kêu cứu được. Bà cụ mất ngay tối hôm đó.

“Cứ đi vậy thôi” - ông Ngàn nói: “Tất cả đều không biết sẽ đi đâu, chỉ là ngược với hướng pháo”.

Khuya ngày 18.2, khi cả đoàn đang ở bản Pác Sóa, cách Cao Bằng khoảng 6km thì tất cả bị dựng dậy khi có tin báo một toán thám báo được bọn chỉ điểm dẫn đường đang tới.

Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, mọi người không ai dám ngủ để chờ tiếng súng nổ ra, và rồi cái gì đến sẽ phải đến, lúc đó ước khoảng hơn 1h sáng, bắt đầu chỉ là một loạt AK vang lên, sau đó là hỗn loạn đủ các loại tiếng nổ của các loại súng, giao tranh chỉ diễn ra chừng 10 phút, sau đó im bặt.

Căng thẳng. Đa số lần đầu tiên nghe tiếng súng chiến tranh nổ gần đến như vậy. Sau đó sự căng thẳng vỡ òa bằng một tiếng trẻ khóc thét mặc dù bị bố mẹ chúng bịt chặt mồm, các cụ già thì run lẩy bẩy, miệng cầu phật khấn trời không ra hơi.

Toán biệt kích đêm đó đã bị bộ đội tiêu diệt toàn bộ, chỉ riêng tên chỉ điểm suýt trốn thoát. “Tôi còn nhớ như in sự kinh ngạc của mình khi ấy”- lời ông Ngàn - “kinh ngạc đến há hốc mồm.

Sững sờ đến mức suýt thì “Cháu chào bác ạ” khi tên chỉ điểm bị dẫn giải qua ngay trước mặt tôi chính là Voàng Cắm Hoáng - bố đẻ của thằng Voàng Cắm Choóng, bạn học của tôi”.

Nhưng sự đau đớn và cảm giác bị phản bội chỉ đến ít ngày sau đó khi ông được nghe lại rằng tổ thám báo đã dẫn chiếc xe tăng của địch từ Đông Khê về đến tận dốc Nà Toòng chính là ông Dương Maishen - chủ hiệu trồng răng khu phố Vườn Cam và là bố của Dương Lệ Mẫn.

Câu chuyện nằm lòng của người Việt

Trong chiến tranh biên giới 1979, ngoài các quân đoàn chính quy, Trung Quốc còn sử dụng “lực lượng thứ năm” cắm chốt sẵn trong lãnh thổ Việt Nam.

Từ đêm 16. 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên.

Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.

Ông Mùa A Sấu - nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Lai Châu - nhớ lại, “lực lượng thứ năm” khi ấy có cả cốt cán, thậm chí cả trưởng công an xã. “Nó trực chiến, địch đến làm tay sai.

Một báo cáo chiến công của Lai Châu thời điểm đó ghi nhận chỉ riêng Đại đội l (Tiểu đoàn cảnh sát cơ động của Ty Công an) trong ít ngày của cuộc chiến đã truy bắt 40 đối tượng chính trị nguy hiểm.

36 năm sau cuộc chiến, ông Điêu Chính Tuệ - thời điểm 1979 là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu - vẫn chưa hề quên rằng trong số thám báo, chỉ điểm có những người là hàng xóm, thậm chí là anh em họ hàng vừa hôm trước còn tay bắt mặt mừng, còn ngồi ăn chung một mâm cỗ thì hôm sau đã là những kẻ đối địch.

Rất, rất nhiều câu chuyện đau lòng về tình huynh đệ sau chiến tranh vẫn được nhắc tới.

“Đối với những người Trung Quốc lúc đó, khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ nói như cho mình uống nước đường, nhưng có gì là trở mặt ngay. Cái trở mặt có lúc thì tàn ác, có khi khiến khó khăn kéo dài”- ông Tuệ nói.

Trở lại với câu chuyện của ông Ngàn, sau chiến tranh biên giới, ông phục vụ trong quân đội, trở thành một cán bộ nghiên cứu khoa học, và giờ là một doanh nhân tứ hải giang hồ, nhưng tuyệt nhiên chưa hề gặp hay nghe tin tức gì về Hoàng Cắm Choóng hay Dương Lệ Mẫn.

Nhân chứng về sự bội bạc 36 năm trước nay vẫn còn băn khoăn tại sao những người hôm trước còn là hàng xóm láng giềng, anh em bè bạn cùng nhau ăn nắm cơm thơm dẻo, sống đùm bọc yêu thương trong sự hòa hiếu của người Cao Bằng, thì chỉ hôm sau đã trở tay để thành thù địch.

“Có lẽ Vương, hay Dương cũng chỉ là nạn nhân mà thôi!”.

Nếu có gặp lại họ thì có lẽ ông cũng không thể nói điều gì. Chả lẽ nhắc lại câu chuyện lông ngỗng mà hễ là người Việt Nam tưởng đã thuộc nằm lòng?.

Bài 2: Cuộc chiến của đội quân ô hợp cướp bóc và hôi của

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại