Vô tư mua - bán “giống”
Chị Vũ Thu H, 34 tuổi (ở Kim Bôi, Hoà Bình) lấy chồng đã 4 năm mà vẫn “chưa có gì”. Chị âm thầm cầu cứu tứ phương với biện pháp đông - tây y kết hợp nhưng không hiệu quả.
Thuyết phục chồng đi khám ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư thì phát hiện nguyên nhân chính là ở anh. Trong câu chuyện buồn bã ở quán nước vỉa hè, chồng chị được một “cò” giới thiệu về dịch vụ mua tinh trùng để giữ chân vợ.
Theo đó, anh liên hệ với số điện thoại 091x664xxx. Chủ nhân quảng cáo là học viên cao học, cam đoan có “giống tốt” vì đang độ tuổi sung sức và cần… tiền. Sau vài lần nói chuyện qua điện thoại, chồng chị H đã chấp nhận mua “giống” với giá 10 triệu đồng.
Không chỉ qua “cò” mà tình trạng mua - bán tinh trùng còn được thông báo công khai trên mạng. Chúng tôi vào trang tìm kiếm Google gõ chữ “mua - bán tinh trùng” đã hiện ra hàng trăm địa chỉ tự quảng cáo là khỏe mạnh, “giống tốt”, đã được khẳng định bằng xét nghiệm.
Một điểm chung là tất cả các lời quảng cáo đều có mở ngoặc là vì thiếu… tiền nên “bán giống”. Cá biệt có trường hợp như chủ nhân số điện thoại 094x690xxx muốn “tặng” cho những người có khó khăn kinh tế và khi gặp mặt “phỏng vấn” thấy dễ mến.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung khẳng định, tình trạng rao bán tinh trùng và noãn trên mạng là có thật. Tuy nhiên, việc mua - bán đều do cá nhân hoặc tổ chức tự đăng ký, chưa phát hiện được cơ sở hành nghề y tế nào thực hiện việc này.
Nhiều nguy cơ rủi ro
Theo các chuyên gia khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu thụ tinh nhân tạo của các cặp vợ chồng là khá cao. Tỷ lệ nam vô sinh ngang bằng với nữ. Do vậy, tình trạng mua - bán tinh trùng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc nhận tinh trùng trực tiếp hoặc bơm tinh trùng tươi tại các cơ sở chưa được Bộ Y tế cấp phép chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Theo ông Trần Quang Trung, việc “vô tư” nhận tinh trùng và thực hiện chui tại các phòng khám tư rất dễ gây sốc, nhiễm trùng cấp tính... Hiến, bán tinh trùng ở những phòng khám không được cấp phép có thể xảy ra nguy cơ đồng huyết, đó là chưa kể rủi ro “con giống” không đạt chuẩn hoặc “nguồn giống” có vấn đề.
Hơn nữa, nhiều trường hợp nhận thức của cả người mua lẫn bán đều kém. Người mua chỉ mong muốn giải quyết nhu cầu tức thời, muốn có con mà không lường hậu quả nhiễm các bệnh tình dục, sau này có thể xảy ra tình trạng tranh chấp đứa trẻ hoặc bị… tống tiền.
Trường hợp chị Trần Thị T ở Hưng Yên là một ví dụ điển hình. Sau lần nhận tinh trùng trực tiếp, chị bị chồng hắt hủi. Bản thân chị thì bị lây nhiễm giang mai, chữa rất kỳ công tại Viện Da liễu Quốc gia và lo ngay ngáy cho đứa con trong bụng, không biết sinh ra có bị bệnh gì từ người đàn ông xa lạ chỉ biết trên mạng không.
Theo Zing
Ông Trần Quang Trung thông tin thêm, đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 12 cơ sở y tế nhiệm vụ kỹ thuật thực hiện thụ tinh nhân tạo. Kỹ thuật này chỉ được thực hiện cho từng cặp vợ chồng cụ thể với sự đồng ý của người hiến tặng và nơi thực hiện phương pháp đó.
Bộ Y tế đã có đề nghị phối hợp với thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đưa thông tin ảnh hưởng không tốt đến hoạt động khám, chữa bệnh vô sinh và sinh con theo phương pháp khoa học.