Xót xa trước khó khăn của người bệnh
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, thành tích đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành Y tế năm 2015.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng không được vì thế mà thỏa mãn vì còn nhiều hạn chế lớn.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới ngành Y tế cần tập trung chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thủ tướng nêu rõ: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đất nước ta còn nghèo làm được điều này vừa không tốn kém của đất nước, của người dân, đừng để khi có bệnh rồi mới đi khám chữa bệnh.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là hết sức quan trọng. “Sốt xuất huyết cứ tái đi tái lại, chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn được không?”, Thủ tướng đăt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc trước những khó khăn, vất vả mà người bệnh đang từng ngày phải đối mặt.
“Nhìn cảnh người dân đi khám bệnh thấy thương dân quá. Các đồng chí đến trực tiếp mà thấy, ngồi cả ngày cả đêm, ôm con nhỏ, chen chúc để được khám.
Chúng ta cần làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, khám chữa bệnh để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng khám chữa bệnh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh ở các tuyến gắn với giảm quá tải.
Trong đó, phải chăm lo đào tạo được đội ngũ thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên, có năng lực, có trình độ chuyên môn cao đồng thời có y đức tốt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “Người dân đi lên bệnh viện Trung ương để gặp ông thầy giỏi, có thiết bị tốt, có chất lượng khám chữa bệnh tốt.
Vậy chúng ta tại sao không tìm mọi cách để có được nhiều ông thầy giỏi không chỉ ở tuyến Trung ương mà tỉnh cũng có, huyện cũng có”.
Về hạn chế trong xử lý nước thải tại các bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:
“Bây giờ mới có hơn 54% bệnh viện có hệ thống kiểm soát xử lý nước thải vậy còn 46% bệnh viện nữa thải đi đâu, xuống sông hay ra ngoài đồng ruộng thôi... các đồng chí thấy ô nhiễm cỡ nào?”.
Vì vậy, trước điều kiện thực tế, Thủ tướng cho rằng cần sớm tìm ra cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực giải quyết tình trạng ô nhiễm từ các bệnh viện.
Giảm phiền hà cho người dân
Năm 2015, ngành y tế đã nỗ lực giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện tuyến trung ương không còn cảnh nằm ghép.
Khu vực khám bệnh cũng được đầu tư nâng cấp như lắp đặt hệ thống phát số tự động, trang bị thêm ghế chờ bàn khám, trang thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán; tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian làm việc.
Nhiều bệnh viện đón bệnh nhân đến khám từ 5-6h sáng, đặt mục tiêu khám hết bệnh nhân trong ngày mới nghỉ. Quy trình thu viện phí và thanh toán bảo hiểm y tế cũng được cải tiến, giảm từ 6 xuống còn 4 chữ ký.
Quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước, trung bình giảm 48,5 phút một lượt khám bệnh.
Tại nhiều bệnh viện, nếu chỉ đi khám thông thường, không phải thực hiện các công đoạn chiếu, chụp, xét nghiệm thì thời gian khám chỉ mất 20-30 phút.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 là cần tăng cường kiểm soát thị trường dược phẩm, đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra hoạt động đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế trong các bệnh viện và cơ sở y tế.
Một số tồn tại, hạn chế của ngành cần khắc phục tiếp như: tỷ lệ người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế chiếm tới 25% dân số, khả năng cân đối quỹ BHYT còn thấp.
Hiện vẫn còn có tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp làm tăng chi phí trong khám, chữa bệnh.
Chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng, miền vẫn còn có sự chênh lệch lớn.
Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh.