Nhìn lại trận đánh khiến giặc phương Bắc “khiếp hồn bạt vía”

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Trận Chi Lăng - Xương Giang do nghĩa quân Lam Sơn tiến hành không chỉ thể hiện tài thao lược của quân ta mà còn khiến giặc phương Bắc khiếp sợ.

Bài 1: Thất bại nhục nhã của giặc phương Bắc trước Việt Nam

Trận Chi Lăng – Xương Giang là một loạt trận đánh diễn ra từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 năm 1427 giữa lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn của Việt Nam và đạo quân viện binh nhà Minh (Trung Quốc). Trong đó, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được chiến thắng quyết định.

Chi Lăng (Lạng Sơn) là một cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan với chiều dài khoảng 4km. Địa bàn từ Chi Lăng đến Xương Giang (Bắc Giang) kéo dài 113km. 

Cuối năm 1426, khi triều đình nhà Minh nhận được cấp báo của Vương Thông xin viện binh ở Đại Việt, địch chỉ còn giữ được một số thành Đông Quan (Hà Nội), Điêu Diên (thị trấn Gia Lâm), Xương Giang (thị xã Bắc Giang), Chí Linh (Phả Lại), Cổ Lộng (Nam Định), Thị Cầu (Bắc Ninh), Tây Đô (Thanh Hóa).

Tháng 10/1427, nhà Minh đưa viện binh sang giải vây thành Đông Quan (Hà Nội), gồm 2 cánh: Cánh chính, khoảng 100.000 quân, từ Quảng Tây (Trung Quốc) tiến theo đường Lạng Sơn, do Liễu Thăng cùng các tướng Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ, Hoàng Phúc chỉ huy; Cánh phụ, khoảng 50.000 quân, từ Vân Nam (Trung Quốc) tiến vào hướng Lào Cai, do Mộc Thạnh chỉ huy.

Lúc này, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn (đứng đầu là Lê Lợi) đứng trước ba câu hỏi lớn: Diệt quân địch ở Đông Quan trước, hay diệt quân viện trước? Theo đó, cùng lúc diệt quân viện ở cả hai hướng, hay chỉ tập trung diệt một hướng; nếu diệt một hướng thì chọn hướng nào? Cuối cùng là cách triển khai kế hoạch đánh địch ra sao?

Bộ chỉ huy nghĩa quân đã quyết định vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện, với thuyết quân sự “đánh thành là hạ sách… đợi quân cứu viện tới, khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng”. Ta chủ trương  tiêu diệt cánh quân Liễu Thăng và kiềm chế cánh quân Mộc Thạch.

Ngày 8/10, cánh quân do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta. Quân ta do tướng Trần Lựu, Lê Bôi chỉ huy đã thực hiện kế hoạch vừa đánh vừa rút để nhử địch vào trận địa mai phục ta đã bố trí sẵn ở Chi Lăng.

Tượng đài chiến thắng Chi Lăng. (Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Với tài thao lược của mình, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh trúng vào lòng kiêu ngạo, coi thường đối phương của Liễu Thăng, làm cho hắn hăm hở dẫn cả đội quân hùng hậu tiến vào Chi Lăng.

Ngày 10/10, Liễu Thăng đích thân dẫn đội kỵ binh vượt qua cửa ải phía Bắc, tiến đến chân núi Mã Yên. Quanh chân núi là cánh đồng lầy lội.

Lúc đó, phục binh của ta từ bốn phía xông ra lao thẳng vào đội hình địch, chia cắt, bao vây và dồn chúng vào cánh đồng lầy. Tên thuốc độc, đạn đá, phi tiêu, mũi lao tới tấp phóng vào quân giặc. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng hốt, đội hình bị rối loạn. Tổng binh Liễu Thăng cố tìm cách chạy thoát, liền bị quân ta phóng lao đâm chết ở sườn núi Mã Yên. Quân ta thừa thắng tiến công liên tục, tiêu diệt được hơn một vạn tên. Phó tướng Lương Minh vội chấn chỉnh đội ngũ, kéo quân về phía Đông Quan. Tuy nhiên, lúc này chúng ta đã làm xáo trộn hệ thống chỉ huy của địch, quân địch hoang mang tột độ.

Ngày 15/10, quân địch lại bị chặn đánh quyết liệt và thiệt hại nặng nề ở Cần Trạm (Bắc Giang). Trong trận này, Lương Minh bị giết cùng với nhiều binh lính địch. Đô đốc Thôi Tụ và thượng thư Lý Khánh lên thay, cố gượng tiến về thành Xương Giang (Bắc Giang), với hy vọng sẽ phối hợp với quân trong thành, rồi liên hệ với thành Đông Quan và Chí Linh cứu vãn tình thế.

Khi địch tiến gần đến thành Xương Giang mới biết rằng thành này đã bị quân ta hạ 10 ngày trước khi chúng kéo vào biên giới (ngày 28/9) và biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố. Lúc này, địch buộc phải hạ trại, đắp lũy tự vệ trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ bốn phía. Đồng thời, chúng rơi vào thế tiến thoái lưỡng lan, đi tiếp hay quai lại đều sẽ gặp phải những chốt của quân ta đóng sẵn. Chúng chỉ còn cách "phơi mình" trên cánh đồng Xương Giang mà kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần.

Thành Xương Giang. (Ảnh: Internet)

Ngày 3/11, quân ta được lệnh tổng công kích. Sau một ngày chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi giòn giã, diệt và bắt hơn 6 vạn tên địch, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của chúng. Quân địch vô cùng sợ hãi, tinh thần hoảng loạn.

Sau 27 ngày chiến đấu (từ 8/10 đến 3/11/1427), quân dân ta đã tiêu diệt 10 vạn viện binh của Liễu Thăng, đánh tan tác 5 vạn viện binh của Mộc Thạch. Sau trận Chi Lăng - Xương Giang, tướng Minh là Vương Thông ở Đông Quan buộc phải chấp nhận rút quân, âm mưu xâm lược của nhà Minh bị đập tan.

Dâng hương tại Lễ hội Xương Giang. (Ảnh: CAND)

Trong rất nhiều chiến thắng của quân ta trước giặc phương Bắc, trận đánh kể trên đã xóa bỏ 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại