TS. BS. Hoàng Xuân Ba - bác sĩ chuyên khoa nhi, huyết học và ung thư, tiến sĩ miễn dịch học. Ông Ba đã nhiều năm học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài (Nga, Mỹ, Anh), hiện nay vẫn đang làm việc tại Mỹ.
Ông tốt nghiệp bằng đỏ tại Học viện Nhi khoa thành phố Leningrad (nay gọi là St. Peterburg) và nhận học vị tiến sĩ tại Nga. Ông được cấp 2 bằng sáng chế về chuẩn đoán bệnh tự miễn và 2 bằng cải tiến kỹ thuật về miễn dịch và dị ứng tại Nga; được cấp 2 bằng sáng chế về y và dược quốc tế, 2 bằng sáng chế về bệnh tự miễn và ung thư tại Mỹ; được nhận học bổng của quỹ nghiên cứu dị ứng Pharmacia, Thụy Điển. Ông là người sáng lập trung tâm điều trị kết hợp bệnh nan y Get Well Natural, Hoa Kỳ. Hiện tại, ông phụ trách nghiên cứu miễn dịch của nhóm nghiên cứu về dị ứng tại Alameda-California Hoa kỳ.
BS Ba khám bệnh cho bệnh nhân người nước ngoài.
Trong buổi giao lưu trực tuyến "Hiến kế ngăn chặn suy giảm y đức" với bạn đọc Báo Trí Thức Trẻ, TS.BS Hoàng Xuân Ba đã có những trao đổi tâm huyết. Chúng tôi xin đăng toàn bộ câu hỏi - trả lời của bạn đọc với TS.BS Hoàng Xuân Ba:
- Thưa TS, là một người đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ông nhận thấy sinh viên y khoa ở nước ngoài được giáo dục về y đức thế nào để sau khi ra trường có thể trở thành 1 bác sĩ tài đức vẹn toàn?
- Tôi thấy việc giáo dục về y đức thì có lẽ ở đâu cũng như ở đâu. Trên thực tế, không thể có một y đức trên lý thuyết nào lại có thể làm kim chỉ nam cho ngành y hoặc bất kể một ngành nào khác được cả. Vấn đề ở đây là đạo đức chung của toàn xã hội. Một xã hội ổn định, tốt đẹp thì đức của mọi ngành đều sẽ tốt đẹp và ngược lại.
Chúng ta không thể giáo dục sinh viên, các bác sĩ trẻ để họ trở thành những người bác sĩ tài đức vẹn toàn nếu thiếu đi những người là thầy, là đàn anh, là những người lãnh đạo làm gương cho họ trong cuộc sống cũng như trong công tác hàng ngày để những sinh viên và các bác sĩ trẻ nhìn thấy từ ngay những bậc tiền bối của mình một chuẩn mực về đạo đức cho họ noi theo. Nếu không như vậy thì mọi bài giảng về đạo đức, các lớp tập huấn về đạo đức, các cuộc thi về vấn đề đạo đức cũng như những phát động có to lớn đến đâu về đạo đức cũng sẽ khó có thể giáo dục được ai khi mà tồn tại ở nhiều nơi, một khi người ta muốn có cái gì từ: công việc, chỗ làm chuyên môn, đào tạo nâng cao trình độ thì đều phải mua bằng quan hệ, tiền bạc và cả sự nịnh hót .
- Ông có thể đóng góp những kế sách gì để phát triển nền y học nước nhà, cả về chuyên môn và y đức?
Tôi chỉ biết rằng để làm được việc gì tốt cũng phải đặt những thước đo, chuẩn mực về trình độ chuyên môn và hiệu quả lên hàng đầu, song song với đó là vấn đề đạo đức. Nếu chúng ta cứ làm tất cả mọi việc tốt nhất về chuyên môn, luôn luôn tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn của mình thì vấn đề y đức sẽ có lẽ là vấn đề thứ cấp bởi vì ít khi có người nào tập trung hết sức, hết lực, hết tâm trí của mình vào vấn đề chuyên môn lại có một lòng tham vô mức độ hoặc đạo đức suy đồi. Chỉ những người đặt quyền lợi, lợi nhuận và ham muốn vơ tất cả về mình mới nảy ra những ý đồ và việc làm việc vô đạo đức.
Nếu đại bộ phận các nhà quản lý và nhân viên y tế làm theo phương châm: Chúng ta luôn có thể làm những việc tốt cho nhiều người hơn và hoàn toàn có thể không làm việc xấu dù chỉ đối với một người thì ngành y sẽ trở nên tốt đẹp hơn và rất có thể trở thành chuẩn mực để cả xã hội noi theo về đạo đức.
Ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ, các bác sĩ với mức lương và điều kiện vật chất kém xa so với các bệnh viện lớn ở Việt Nam bây giờ, thế nhưng họ đã được coi như những tấm gương về sự hy sinh và cống hiến cũng như được cả xã hội tôn trọng.
- Làm việc tại quốc gia có nền y học phát triển và tiên tiến hàng đầu thế giới, ông có suy nghĩ gì về nền y học nước nhà? Những gì làm được và những gì cần phải nghiêm khắc sửa đổi?
- Người Việt Nam chúng ta có năng khiếu học hỏi nhanh, tiếp thu kiến thức nhanh, khéo tay và chịu khó quan sát nên chúng ta có thể làm được bất kể việc gì mà ở những nơi khác trên thế giới con người có thể làm được. Phải thừa nhận rằng, khả năng phát hiện và làm được việc gì hoàn toàn mới của chúng ta không thể bằng các cường quốc về khoa học ở khu vực và thế giới. Những thành tựu của nền y tế cũng như giáo dục ở Việt Nam trong thời kỳ bao cấp khi chúng ta còn rất nghèo và lại còn bị chiến tranh tàn phá là hoàn toàn dựa vào yếu tố con người với những nhân tố phải kể đến như: cần cù, siêng năng, cống hiến, tiết kiệm chứ không bằng những "việc làm to tát", những nghiên cứu tốn kém, những hội thảo khoa học rầm rộ với những chi phí rất lớn.
Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy vấn đề của ngành y hiện nay nằm ở việc ít kinh phí thì sẽ không giải quyết được gì. Từ thực tế về y tế ở nước Mỹ - nơi chi phí cho y tế cao hơn nhiều so với cả những nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng những vi phạm về y đức, trong đó không ít trường hợp còn nghiêm trọng hơn cả vụ bác sĩ Tường vẫn xảy ra.
Ví dụ như, khi cần phải thực hiện một ca ghép tạng để có việc làm và thu nhập cao, một số bác sĩ đã bức tử bệnh nhân ngay trong phòng hồi sức cấp cứu để đạt được mục đích của mình là lấy tạng của bệnh nhân. Có cả những người cấu kết với nhau thành một nhóm để chẩn đoán sai cho hàng nghìn người trở thành người bệnh bị ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và đưa họ vào điều trị để lấy tiền. Những hãng dược đa quốc gia và giàu có trên thế giới vẫn dùng tiềm lực về kinh tế - tài chính để đưa vào thị trường những thuốc men không có tác dụng gì, thậm chí còn gây tổn thương và tử vong cho hàng nghìn người trước khi người ta phát hiện ra nó.
Tóm lại, ngành y là nơi không có chỗ cho bệnh “ăn tham” và bệnh thành tích.
- Theo ông, trong thời điểm hiện tại, các y bác sĩ trong nước cần phải học hỏi những điều gì của nền y học các nước nhằm cải thiện tình trạng vô cảm của một bộ phận y bác sĩ?
Về vấn đề này, tôi thấy số người vô cảm trong các bác sĩ Việt Nam chắc cũng chỉ bằng những người vô cảm trong các ngành khác. Chỉ có điều nơi người ta hay bộc lộ tình cảm nhất lại là ở những chỗ liên quan đến bệnh tật, đến đau khổ thì sự vô cảm đó cũng trở nên phản cảm nhất.
Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này là vấn đề của toàn xã hội chứ không chỉ của ngành y nên giải quyết nó cũng ở phạm vi rộng hơn trên toàn xã hội. Tôi đã nhìn thấy có những bác sĩ và nhân viên y tế rất vô cảm, nhưng ngược laị tôi cũng nhìn thấy chính bản thân người bệnh, gia đình của họ và trong cộng đồng những người không liên quan đến ngành y còn vô cảm hơn.
(còn nữa)