Đã mấy năm gần đây, tình trạng khó tuyển sinh của các trường ĐH ngoài công lập (NCL) đã lên tới đỉnh điểm. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 3 năm nữa, hệ thống các trường ĐH NCL sẽ đối diện với nguy cơ phải đóng cửa trường do không thể tuyển sinh.
Đó là ý kiến của hầu hết lãnh đạo các trường ĐH, CĐ NCL trong cuộc “Hội thảo bàn về đổi mới tuyển sinh 2013” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL tổ chức ngày 19-12-2012.
Nếu thực trạng này kéo dài thêm 3 năm nữa, nhiều trường NCL sẽ đối diện với nguy cơ đóng cửa trường vì không tuyển sinh được
Để xảy ra tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng lỗi chủ yếu là do chính sách của Bộ GD-ĐT không phù hợp cũng như không công bằng với các trường NCL.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng ĐH Dân lập Lương Thế Vinh cho hay: “Với cơ chế tuyển sinh hiện hành cộng với quan niệm khá nặng nề của xã hội về việc học trường NCL như hiện nay, việc các trường NCL khó tuyển là tất yếu. Khi các trường ĐH NCL không được coi trọng, áp lực học phí lớn thì họa chăng có phụ huynh nào “điên” mới cho con học trường NCL…”
Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân Lập Hải Phòng cũng chỉ ra rằng: “Bộ GD-ĐT đã có những cải tiến trong công tác tuyển sinh nhưng thực chất đó không phải là cải tiến mà là cải lùi…”
Xuất phát từ thực trạng trên, lãnh đạo các trường ĐH NCL cho rằng, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013 tới đây, Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường NCL tự đưa ra mức điểm sàn của mình. Điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định chỉ nên áp dụng cho những trường công lập.
Năm 2012, một số trường công lập đã lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn dẫn đến cơ hội của các trường NCL hầu như không còn. Do vậy nếu cứ để điểm sàn chung như hiện tại là bất công với các trường NCL, buộc các trường NCL đứng trước thực tế phải đóng cửa trường.
Ông Lương Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đề nghị, nên có mức điểm sàn khác nhau với từng loại trường khác nhau. Những trường có chất lượng cao, điểm sàn cao, chất lượng trung bình điểm sàn vừa phải, chất lượng thấp, điểm sàn thấp.
Cũng tại Hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng thời gian đào tạo đại học hiện nay là quá dài. Thời gian 4 hoặc 5 năm chỉ phù hợp với những trường đại học đào tạo tinh hoa, đào tạo theo hướng chuyên sâu nghiên cứu, những trường đào tạo sinh viên ra trường để làm nghề chỉ cần thời gian nhiều nhất là 3 năm.