“Nhạy cảm” khi kê tên bố mẹ lên chứng minh thư

lananh |

Công bố tên cha mẹ CMND có thể khiến con ngoài giá thú, con của người phạm tội hình sự... bị mặc cảm.

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn xôn xao bàn luận xung quanh vấn đề “nhạy cảm”- công bố tên cha, mẹ trong chứng minh thư mới theo quy định của Bộ Công an từ ngày 1/7/2012.

Phần lớn những chia sẻ trên mạng nhắc đến nhóm đối tượng trẻ em mồ côi, con ngoài giá thú hoặc con của những người vi phạm pháp luật sẽ trở nên tự ti khó hòa nhập với cộng đồng.

nhay-cam-khi-ke-ten-bo-me-len-chung-minh-thu

Việc kê tên cha mẹ trong CMND mới, khiến không ít lo lắng

Người có hoàn cảnh “nhạy cảm” trải lòng

Trên diễn đàn lamchame.com, nickname [email protected] đã không ngần ngại trải lòng: “Bố mẹ em đã chia tay nhau hơn 10 năm nay, cứ mỗi lần nghĩ đến mẹ, em lại cảm thấy uất hận trong lòng. Mẹ đi theo người đàn ông khác ra nước ngoài từ khi em mới lọt lòng. Những ngày sống êm đềm của hai bố con có khi lại “dậy sóng” vì thỉnh thoảng có người này người kia nhắc đến mẹ hoặc hỏi han mẹ có thông tin gì về gia đình không.

Em không muốn nhắc đến tên mẹ để gợi nhớ đến quá khứ đau buồn. Chỉ cần nghĩ lúc nào cũng phải nhìn thấy dòng chữ ghi tên mẹ trên CMTND, em sẽ không chịu đựng nổi”.

Ở trên một diễn đàn khác, cô gái tự xưng lenguyen ở TP.HCM tâm sự: “Chị gái tôi đã lấy chồng hơn 20 năm rồi, nhưng thật trớ trêu người chồng ấy đã có một đời vợ và họ vẫn chưa có phán quyết ly hôn của tòa. Trên danh nghĩa chị gái tôi vẫn chỉ là “vợ hờ”. Ngày sinh cậu con trai đầu lòng, chị tôi nén nỗi đau vào lòng, đi làm giấy khai sinh cho con theo thủ tục con ngoài giá thú. Mọi người trong gia đình tôi rất phẫn nộ. Nhưng chị tôi vì quá yêu, dám chấp nhận tất cả, dù ai có căn can, miệt thị.

Khi biết, theo quy định mới của Bộ Công an, từ ngày 1/7/2012, giấy CMND mới phải có thêm một số thông tin như: họ và tên cha, họ và tên mẹ, tôi thấy thương chị gái tôi vô cùng. Chị gái tôi biết phải làm sao, khai tên cha như thế nào, mà để trống thì dễ gây cho con sự mặc cảm. Tôi nhớ, khi làm thủ tục khai sinh cho đứa con trai, chị tôi đã phải suy nghĩ, day dứt rất nhiều. Bây giờ lại thêm một lần nén tiếng thở dài vì những quy định như…trêu ngươi số phận!”.

Nhiều ý kiến nhắc đến phận đời của những đứa trẻ mồ côi hay những người có cha mẹ phạm tội hình sự. Mà ngay cả con cái của những tội phạm khét tiếng như Năm Cam, Vũ Xuân Trường… cũng cảm thấy bị kỳ thị khi phải gánh chịu những “tì vết” của cha họ, trong khi ai làm người nấy chịu. Những người phạm tội đã phải trả giá cho sai trái của mình, nhưng vết đau của người ở lại bao giờ mới ngủ yên.

E ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ

Theo đại diện của Bộ Công an thì việc công khai danh tính cha, mẹ trên CMND của người được cấp - theo ngành công an là cần thiết, bởi nó giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại. Dự án này kỳ vọng sẽ khắc phục được việc một người sở hữu nhiều CMND khác nhau.

Theo đó, mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và đi theo công dân đó đến suốt đời. 12 chữ số tự nhiên trên CMND do Bộ Công an cấp, quản lý thống nhất trên toàn quốc; trường hợp đổi, cấp lại thì vẫn giữ nguyên số ghi trên CMND đã cấp lần đầu.

Một người khi di chuyển từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác sẽ vẫn giữ một số CMND, không có chuyện đổi số như hiện nay. Khi một người thay đổi địa chỉ thường trú thì chỉ cần cập nhật trong dữ liệu. Cũng theo ngành công an thì mã số này đồng thời là số của thẻ công dân điện tử về sau. Nhưng, cũng có nhiều người tỏ ý băn khoăn về quy định này.

Trái ngược với những ý kiến băn khoăn, lo lắng trên các diễn đàn, sau khi có thông tin sẽ cấp thí điểm CMND theo mẫu mới, nhiều người đến hạn phải đổi CMND tỏ ra phấn khởi khi được sở hữu ngay tấm “căn cước thông minh” này. Chị Nguyễn Kim Duyên (891, Đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghe nói mẫu CMND mới được cấp cho những đối tượng lần đầu được cấp nên đến đây hỏi để làm cho con gái”.

Bác Nguyễn Thị Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rất hồ hởi sẽ được đổi chứng minh theo mẫu mới. Tuy nhiên, bác Thanh thắc mắc: “Việc cấp CMND mới song hành với CMND cũ ( có nhiều người phải 10 năm nữa mới hết hạn-PV), thử hỏi công an sẽ quản lý như thế nào, trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến việc áp dụng mã số công dân?”

Bà Nguyễn Thị Thi (Cán bộ hưu trí- Hai Bà Trưng, Hà Nội) dẫn ra một bất tiện từ việc sử dụng CMND mới: “Tên bố mẹ vẫn có thể bị thay đổi. Có người sống với bố mẹ nuôi, sau này tìm thấy bố mẹ đẻ, lại phải sửa CMND. Hay những người già làm lại CMND, bố mẹ đã mất từ lâu thì giờ kê khai cũng chẳng để làm gì?."

Khác với những ý kiến trên, chị Nguyễn Thu Huyền (nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội) lại tỏ ra e ngại về việc thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng. “CMND trùng tên có thể bị người sử dụng lôi ra khoe là con ông này, bà kia… Rồi nhiều người có cha, mẹ phạm tội hình sự có tiếng sẽ bị người ta lôi ra bàn tán.

Những trường hợp con không cha, con ngoài giá thú cũng bị lôi ra cho mọi người biết. Đó là chưa kể đến một số người nổi tiếng, còn không muốn lộ danh tính vì ngại con cái sẽ bị làm phiền, bị quấy rối”, chị Huyền nói.

Cũng theo chị Huyền thì những văn bản luật cũng cần cân nhắc, hướng đến sự nhân văn với con người. Đặc biệt, quyền riêng tư cần được tôn trọng.Thực tế là thời gian qua, chỉ riêng việc nhập thông tin họ tên, ngày sinh của người được cấp CMND đã nảy sinh nhiều sai sót.

Nhiều trường hợp CMND bị nhập sai thông tin, người dân vẫn giữ để sử dụng mà không chịu đi điều chỉnh, vì ngại mất thời gian. Vì vậy, các cơ quan cũng nên tính toán đến việc giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà để thuận tiện cho người dân.

Theo Nguoiduatin.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại