Nhập hơn 9 tấn chất cấm, chỉ sử dụng đúng... 10kg!

Thuận Hải |

Đã có hơn 9 tấn Salbutamol được nhập về Việt Nam trong năm 2015, nhưng chỉ có một lượng nhỏ được sử dụng đúng quy định. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trái phép trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu Salbutamol.

Cơ quan chức năng đã khẳng định, từ sau ngày 1.7, khi quy định về việc xử phạt hình sự (gồm phạt tiền và phạt tù) đối với hành vi mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được áp dụng, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể sẽ giảm.

Mạnh tay với chất cấm

Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, cho biết theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg Salbutamol về Việt Nam.

Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định.

Theo tính toán, với mỗi ký chất cấm nguyên chất thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho heo có chứa chất cấm.

Lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con heo, chiếm trên 20% tổng đàn heo của Việt Nam hiện nay.

Cũng theo ông Việt, để ngăn chặn triệt để việc sử dụng sai mục đích các chất cấm trong chăn nuôi, vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản ngừng cấp phép nhập khẩu Salbutamol và Clenbuterol, đồng thời, niêm phong số nguyên liệu chưa ra thị trường, đồng thời, đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác, ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp, vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi: Thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 23.3 tại TP.HCM, ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng dù tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan nhưng việc xử lý vi phạm thì như “bắt cóc bỏ đĩa”, do mức phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe.

Hiện tại, theo quy định, những trường hợp vi phạm về việc sử dụng chất cấm chỉ bị phạt tối đa 7,5 triệu đồng đối với nông hộ và 15 triệu đồng đối với trang trại.

Ngay cả doanh nghiệp cũng chỉ bị phạt 70-100 triệu đồng nếu bị phát hiện, không nhằm nhò gì so với mức lợi nhuận mang lại từ việc sử dụng các chất kích thích tạo nạc.

Mức xử phạt đủ sức răn đe

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, với những quy định đã được sửa đổi, thời gian tới sẽ có đủ cơ sở để xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ xử phạt hành chính lên mức truy tố hình sự.

Cụ thể, từ ngày 1.7, Luật Hình sự sửa đổi quy định, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, từ ngày 25.2.2016, khi phát hiện sản phẩm động vật có tồn dư chất cấm, chất tạo nạc, cơ quan chức năng đã có đủ cơ sở pháp lý để tiêu hủy.

Ông Việt phân tích, trước đây, theo Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT, khi phát hiện heo có tồn dư chất cấm, chủ lô hàng có hai lựa chọn là cách ly, chờ loại thải hết các chất cấm rồi tiếp tục đưa vào giết mổ hoặc là tiêu hủy sản phẩm.

Hầu hết các cơ sở đều chọn biện pháp cách ly sản phẩm chờ loại thải.

Tuy nhiên, theo Thông tư 01/2016 của Bộ NNPTNT, khi phát hiện sản phẩm có tồn dư chất cấm tại các cơ sở giết mổ, cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy ngay.

Trong khi đó, đối với cơ sở chăn nuôi, trang trại cũng sẽ bị buộc tiêu hủy sản phẩm nếu tái phạm tình trạng tồn dư chất chất trong chăn nuôi.

“Tôi tin chắc rằng, sau ngày 1.7, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ giảm đáng kể.

Bà con chăn nuôi cũng phải cân nhắc nếu muốn sử dụng các chất cấm, chất kích thích tạo nạc, vì bà con có thể sẽ mất trắng, lại còn bị phạt tù”-ông Việt nhấn mạnh.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì cho rằng, cùng với các biện pháp xử phạt tăng nặng, Bộ NNPTNT cũng đang tiến hành xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn cho nông hộ với số vốn vay đầu tư cho dự án này khoản 79,3 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT đang xem xét đề xuất cho sử dụng chất Ractopamine thay thế Salbutamol và Clenbuterol. Hiện tại, Mỹ và 29 nước khác đã cho phép sử dụng Ractopamine trong chăn nuôi.

Các nước châu Âu cũng đang nghiên cứu việc cho phép sử dụng Ractopamine trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, tại Việt Nam, đề xuất này vẫn đang gây tranh cãi dữ dội, do đó sẽ chưa có kết quả trong thời gian gần tới đây.

Không để nông dân “tự bơi”

Mới đây, ngành thú y một số tỉnh cho rằng, các thương lái, cơ sở giết mổ nên tự kiểm tra mức tồn dư chất cấm trong chăn nuôi trước khi đưa vào giết mổ, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, việc tự kiểm tra là “bất khả thi”.

Nguyên nhân là do nông dân, thương lái cũng như các chủ cơ sở giết mổ hiện không đủ kiến thức về lấy mẫu, test nhanh mẫu để có thể có kết quả chính xác, trong khi đó, việc đầu tư mua các bộ kit kiểm tra nhanh tốn kém nhiều, từ 60.000 – 100.000 đồng cho mỗi lần sử dụng.

Theo ông Việt, việc kiểm tra, kiểm soát dư lượng chất cấm trong chăn nuôi là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, không thể để người dân “tự bơi” được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại