Đúng như cái tên “Ánh Ngọc”, cô gái vừa trở thành quán quân của cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013 này lúc nào cũng xinh tươi, rạng ngời. Câu chuyện cuộc đời cô - đang ở những năm đầu của tuổi 20 cũng đầy xúc động và rạng ngời như thế.
Từ đáy vực leo lên
Trong căn nhà trọ nhỏ ở phố Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội), Nguyễn Thị Ánh Ngọc đang ngồi bên máy tính. Người bạn cùng phòng vắng nhà, còn Ngọc vừa ăn cơm xong và đang thảnh thơi ngồi lướt mạng. Xem phim, online, đọc sách… là những sở thích của cô nữ sinh năm thứ ba ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Tài khoản facebook của cô có hơn 700 người bạn, còn ngoài đời thật, cô gái này cũng là người cởi mở, hòa đồng với bạn bè. Đôi chân bị liệt không cản trở Ngọc bước ra thế giới. Ngược lại, dường như nó còn là nguyên nhân khiến cô vươn xa hơn với những nỗ lực phi thường.
Xinh xắn, trắng trẻo và rất hay cười, Ngọc nhẹ nhõm kể về tai nạn trong quá khứ khiến mình phải làm bạn với chiếc xe lăn như thể chưa có những ngày tháng cô triền miên chịu đau đớn, dằn vặt về cả thể xác và tinh thần.
“Tôi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh. Năm lớp 8, tôi và gia đình đồng ý tham gia phẫu thuật nắn chỉnh cột sống, nhưng rất tiếc ca phẫu thuật thất bại. Lúc tỉnh dậy, tôi được bác sĩ thông báo mình không thể đi lại được nữa…
Nhìn bố mẹ nước mắt lưng tròng, tôi đã chẳng kịp nghĩ gì nhiều, chỉ có thể nói: “Con không sao, bố mẹ yên tâm” để an ủi bố mẹ” – Ngọc chậm rãi nhớ lại.
14 tuổi, Ánh Ngọc đã biết nghĩ: Mình không có thời gian ngồi than trách số phận hay nhõng nhẽo với ai. Mình phải mạnh mẽ để kéo cả nhà lên.
Cô chưa hình dung được có biết bao đau đớn đang đón đợi mình: “Tôi đã từng bị những cây kim dài hơn 20cm xuyên dọc sống lưng, bị bỏng do việc châm cứu sử dụng lửa, uống những chén thuốc bắc đắng ngắt, chịu đựng những đau đớn về thể xác chỉ với hi vọng mong manh tìm lại cảm giác cho đôi chân.
Tôi cũng đã từng có ý nghĩ tự tử để chạy trốn tất cả nhưng có dũng khí để sống đã khó, để chết đi còn cần một dũng khí lớn hơn rất nhiều…” – Ngọc tâm sự.
Sau tất cả những điều đó, Ngọc đã nghiệm ra rằng, “rơi xuống vực thẳm chưa là gì cả, mà làm như thế nào để có thể leo lên khỏi vực sâu đó mới thực sự là gian nan”.
Từ chối “có bệnh thì vái tứ phương”, Ngọc quyết định trở về trường, tiếp tục học tập, lên kế hoạch mới cho tương lai của mình.
Giấc mơ tuổi 20
Ngọc chia sẻ rằng, dù quyết định phải vững vàng nhưng trước tương lai mù mịt sau tai nạn ấy, cô thật sự vẫn chưa có một kế hoạch nào cụ thể. Cô chỉ biết học và học, và có duy nhất mong muốn phải được sống độc lập, không phụ thuộc vào ai.
Cô muốn vượt ra ngoài 4 bức tường ở ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà cô đã đi qua những ngày buồn đau nhất sau cuộc phẫu thuật bất thành.
“Tôi phát hiện ra niềm đam mê của mình với Tâm lý học. Tôi muốn trở thành một nhà tâm lý vì cho rằng chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình!” – Ngọc hồn nhiên lý giải về niềm đam mê với ngành Tâm lý.
“Từ năm lớp 10 tôi đã bắt đầu tìm hiểu, vạch kế hoạch ôn luyện. Tôi đã đoán trước được, gia đình không ai ủng hộ mình theo học ngành này. Thậm chí bố tôi còn không ủng hộ cả việc tôi học lên đại học.
Tôi tưởng như mình sẽ phát điên trước những áp lực từ phía gia đình cùng kì thi cuối cấp, lần đầu tiên tôi mở lời cầu xin người khác, và người đó là bố tôi. Tôi đã cầu xin để được đi thi đại học…” – Ngọc ưu tư kể.
Kết quả, Ngọc thi đỗ đại học, song lại một lần nữa cô bị phản đối mạnh mẽ từ gia đình. Sợ khoảng cách xa xôi, sợ kinh tế khó khăn, không người chăm sóc con gái giữa chốn đô thành, bố mẹ em nhất quyết không cho em đi học.
Để đấu tranh, Ngọc chọn cách im lặng và hành động. Cô từng bước liên hệ với nhà trường tìm nơi trọ học, nhận sự giúp đỡ của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội và có người hỗ trợ, mượn sự tác động từ bên ngoài để thuyết phục gia đình… Trước những nỗ lực ấy, bố mẹ cô đành xuôi theo.
Giờ đây, khi đã là SV năm thứ 3 ĐH, Ngọc tự tin, hài lòng với lựa chọn của mình. Đơn giản vì cô nghĩ: “Tôi không lựa chọn vì ai cả mà vì chính mình. Có thể con đường tôi đang đi sẽ không hề bằng phẳng, có thể tôi sẽ phải trả những cái giá lớn hơn, cũng có thể con đường này là một sai lầm, nhưng tôi không hề hối hận.
Tôi muốn nắm lấy vận mệnh của chính mình, vượt qua mọi tự ti, mặc cảm của một người khuyết tật, bởi tôi chỉ có một cuộc đời để đi, để sống, để trải nghiệm và để đối mặt với nhịp sống tập nập bên ngoài mà không phải là trốn tránh trong vỏ ốc của chính mình, quan trọng hơn là để đối mặt với chính bản thân tôi!”.