Ngay sau khi có những ý kiến của ông Nguyễn Trí Liêm – GĐ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (TP. Hà Nội) cho rằng bà Hoàng Thị Nguyệt và bà Phan Thị Oanh có tham gia vào việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến của bà Vương Thị Kim Thành – Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Theo bà Thành, bà cũng đã trình bày những ý kiến này với nhiều cơ quan chức năng. Hiện, bà Thành đang là bị can bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" cùng 7 bị can khác.
Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức sau vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm bị vỡ lở
Bà Thanh chia sẻ: “Từ tháng 1/2009, khoa cận lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được thành lập gồm bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh do tôi làm trưởng khoa. Từ tháng 1/2012, tôi làm việc trực tiếp tại phòng siêu âm, bộ phận xét nghiệm giao cho cử nhân Hoàng Thị Nguyệt phụ trách theo quyết định phân công nhiệm vụ của cán bộ và viên chức do GĐ Bệnh viện ký.
Ngày 1/7/2012, khoa cận lâm sàng tách thành hai khoa là xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Cũng trong thời gian này, đảng uỷ Ban Giám đốc lấy hai phòng của khoa xét nghiệm để làm phòng mổ sản nên đã chuyển buồng lấy mẫu bệnh phẩm và một số máy xét nghiệm xuống tầng 1 để thuận tiện cho người bệnh. Thời gian tôi trực tiếp làm ở bộ phận xét nghiệm chiếm khoảng 1/3 ngày làm việc nên công việc ở khu vực này giao cho kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh quản lý và điều hành”.
Bà Thành nói tiếp: “Thực tế ở bệnh viện tuyến huyện chúng tôi, đối tượng đến khám bệnh thường là các bệnh thông thường và họ thường xuyên đến khám bệnh nhiều lần trong một năm nên một số người bệnh là người nhà, người quen của nhân viên y tế không muốn xét nghiệm lấy máu nhiều lần, nên đã đến xin kết quả xét nghiệm huyết học của tôi. Vì nể nang nên tôi đã cho họ kết quả để hoàn thiện thủ tục hành chính.
Tôi cứ nghĩ rằng họ xin tôi vì tôi là trưởng khoa nhưng không ngờ khi có đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt, tôi đã tổ chức họp khoa và biết rằng, các nhân viên y tế trong khoa của bệnh viện còn xin kết quả của các nhân viên trong khoa tôi, cũng vì nể nang nên họ đã cho. Việc làm này là do từng cá nhân tự phát, không có sự chỉ đạo của ai và cũng không có mục đích nào khác ngoài sự nể nang đồng nghiệp.
Qua sự phản ánh của một số nhân viên, tôi được biết chị Oanh với trách nhiệm là kỹ thuật viên trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, kiểm tra đôn đốc các kỹ thuât viên trong khoa thực hiện đúng quy chế bệnh viện và quy định của chuyên môn đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà còn trực tiếp in sẵn những kết quả trùng nhau để các nhân viên trong khoa cho người quen và nhân viên y tế.
Sau đó, chị Oanh lại thu thập những cặp kết quả trùng nhau do chính mình in ra đưa cho chị Nguyệt để làm chứng cứ tố cáo. Nếu với tinh thần và ý thức xây dựng khoa phòng thì khi phát hiện những sai phạm trên, chị Nguyệt và chị Oanh phải phản ánh với lãnh đạo khoa và lãnh đạo bệnh viện để kịp thời sửa chữa nhưng hai người này đã không làm như vậy. Trong suốt thời gian dài, có nhiều đợt kiểm tra thường kỳ và đột xuất của bệnh viện đều không nhận được sự phản ánh nào của chị Nguyệt và chị Oanh”.
“Ngoài sự việc trên, chị Oanh còn có nhiệm vụ quản lý sổ sách của khoa, nhưng trong tháng 5/2013, khoa phát hiện bị mất sổ sách một cách có chọn lọc gồm: sổ ghi kết quả xét nghiệm huyết học, sổ chức trách nhiệm vụ, bảng phân công công việc hàng ngày. Và một số nội dung trong sổ kết quả huyết học đã bị sửa đổi. Chính chị Oanh đã thừa nhận chính mình sửa”, bà Thành cho biết thêm.
Bà Thành tâm sự: “Tuy là trưởng khoa xét nghiệm, nhưng tôi phải kiêm nhiệm công việc ở phòng siêu âm nên thời gian dành cho việc quản lý của khoa còn hạn chế. Vì vậy, tôi đã không còn kịp thời phát hiện ra những sai sót trên, tôi nhận thấy mình có lỗi trong công tác quản lý, điều hành khoa”.