Nhà văn Trang Hạ: Đuổi HS vì mẹ chê cà vạt là tàn nhẫn

Phương Nhi (ghi) |

Nói về việc con bị đuổi học do mẹ lên Facebook chê cà vạt của trường xấu, nhà văn Trang Hạ dùng 2 từ “tàn nhẫn”.

LTS: Liên quan tới việc trường quốc tế Sao Việt (Vstar, quận 7, Tp.HCM) đuổi học sinh Lê Quang Minh H. vì mẹ Nguyễn Hiếu lên Facebook chê cà vạt của trường xấu, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Người phản đối quyết định này thì cho rằng: “Mẹ chê, con bị đuổi học. Pháp luật thời trung cổ cũng không xử kiểu "quýt làm cam chịu".

Còn ý kiến đồng tình thì nhấn mạnh: “Trường tư cũng giống như doanh nghiệp, họ có quyền chơi theo luật của họ. Học sinh đến học như sử dụng dịch vụ, không thích thì chấm dứt hợp đồng”.

Là người biết về gia đình của học sinh bị đuổi học, nhà văn Trang Hạ đã chia sẻ với chúng tôi những quan điểm rất riêng xung quanh câu chuyện này.

Chúng tôi xin lược ghi những ý kiến của nhà văn Trang Hạ trong bài viết dưới đây:

Trường Vstar bất lực trước một cái cà vạt

“Tôi biết gia đình mẹ Hiếu. Để cho con đi học ở trường sang, mẹ Hiếu đã phải nỗ lực rất nhiều, dành những cái tốt nhất cho con mình. Họ đã cố gắng để khoản chi lớn nhất trong gia đình là khoản chi cho giáo dục.

Trong khi đó, những người xài đồng tiền này như Vstar đã làm gì thực sự xứng đáng với khoản thu đó chưa? - Tôi không biết.

Nhưng việc nhà trường đuổi học bé Minh H. là một hành vi tàn nhẫn, dù có lý theo ý kiến của một số người. Riêng với gia đình này, nó đã chấm dứt chuỗi kỳ vọng vào giáo dục cao cấp của gia đình.

Nhà văn Trang Hạ cho biết: Việc đuổi học sinh của Vstar là hành vi bất lực trong giáo dục.
Nhà văn Trang Hạ cho biết: Việc đuổi học sinh của Vstar là hành vi bất lực trong giáo dục.

Trong chia sẻ của mẹ Hiếu trên Facebook, bạn ấy có nói: 1 tháng sau sự việc con bị đuổi học, bạn ấy mới công khai chuyện này, lúc đó khi cơn giận dữ đã qua đi. Điều này cho thấy mẹ Hiếu là người có hiểu biết, cân nhắc, luôn nghĩ trước tính sau.

Tôi nghĩ, đuổi học là một hành vi bất lực của giáo dục. Giống như hành vi bất lực của ngành y khi bệnh viện phải trả bệnh nhân về vậy.

Chỉ khác là bệnh viện trả bệnh nhân về khi chắc chắn người đó chết còn giáo dục thì khác, giáo dục buộc phải giữ học sinh cho đến hết năm học vì một điều đơn giản thôi: Không thể nào để một con người về để chờ chết trong giáo dục được.

Ở đây trường Vstar đã bất lực trước một cái cà vạt, mình thấy hơi buồn cười".

Vstar đuổi học sinh là tàn nhẫn

"Một tình tiết nữa cũng cần lưu ý: Bé Minh H. vẫn bị cho nghỉ học sau khi mẹ em đã lên trường và làm việc với ban giám hiệu, tức là mẹ em đã bất lực khi thương lượng với nhà trường. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người có hiệu lực với nhà trường?!

Tôi nghĩ người có hiệu lực nhất đó là chủ đầu tư nhưng mình không biết ai là chủ đầu tư. Người chi tiền vào đây là ai?

Có thể nói, Vstar một doanh nghiệp giáo dục. Với một doanh nghiệp giáo dục thì đồng tiền là chúa tể. Tôi khẳng định luôn: Đồng tiền là vị chỉ huy trong trận chiến này, chứ không phải là nguyên tắc ứng xử trong giáo dục.

Trước đó, Vstar quảng cáo rằng: Nhà trường lựa chọn nhân sự theo tiêu chuẩn nhân cách để rèn luyện học sinh, giáo viên phải có nhân cách tốt.

Tuy nhiên, hành vi đuổi học học sinh như vừa rồi lại không theo tiêu chí nào về nhân cách. Hành vi đuổi học của họ không thuyết phục được xã hội.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới quyết định trên. Có người phản đối việc đuổi học này dựa vào tình người, dựa vào số phận, dựa vào nghĩa vụ cao cả của giáo dục.

Còn những người đồng tình thì dựa vào hợp đồng kinh tế, dựa vào việc “tôi không thích anh thì thôi”.

Với những ai có lý lẽ đồng tình, tôi phải nhấn mạnh rằng: Đôi khi ta buộc phải chấp nhận “bún mắng cháo chửi” trong giáo dục".

Theo nhà văn Trang Hạ: Đôi khi ta phải chấp nhận bún mắng cháo chửi trong giáo dục. (Ảnh chụp lời chê cà vạt xấu  của chị Nguyễn Hiếu trên Facebook)
Theo nhà văn Trang Hạ: Đôi khi ta phải chấp nhận "bún mắng cháo chửi" trong giáo dục. (Ảnh chụp lời chê cà vạt xấu của chị Nguyễn Hiếu trên Facebook)

Qua sự việc lần này, chúng ta cần rút ra một bài học sâu sắc, không phải cho Vstar mà cho phụ huynh học sinh: Hãy chấm dứt việc để con mình bị tổn thương từ nhà trường.

Trong trường hợp này, mình thấy em bé đang bị tổn thương từ nhà trường chứ không phải nhà trường bị tổn thương từ em bé. Và việc chuyển trường cho Minh H. là đúng.

Xin nhắc lại rằng, để bình luận về việc đuổi học của trường Vstar, mình chỉ có 2 chữ duy nhất là tàn nhẫn. Các bạn muốn hiểu theo cách nào thì hiểu.

Bởi về bản chất, giá trị quan thì nó là sự bất lực trong giáo dục, còn trong kinh doanh, đối xử với khách hàng như vậy là một việc tàn nhẫn.

Điều này có đi ngược lại đạo đức của doanh nghiệp hay đi ngược lại tôn chỉ kiếm tiền của họ hay không thì mình không biết nhưng chắc tôn chỉ của Vstar không phải là “khách hàng là thượng đế”?!

* Tít phụ do tòa soạn đặt

Chánh Văn phòng Sở GD & ĐT Tp.HCM
Đỗ Minh Hoàng
Tôi nghĩ nhà trường làm thế đâu có được. Chuyện gì ra chuyện đó. Giữa phụ huynh và nhà trường có gì thì trao đổi với nhau. Vẫn phải để cho trẻ đi học bình thường và không được tạo tâm lý cho cháu. Đó là trách nhiệm của nhà trường. Tôi sẽ liên lạc với trường Sao Việt để kiểm tra trường hợp này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại