Nha Trang kêu gọi không cho tiền người ăn xin: Không nên áp đặt cứng nhắc

Mai Khuê |

Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đang hoàn thành một đề án nhằm hạn chế tối đa lượng người lang thang ăn xin hoạt động tại thành phố du lịch xinh đẹp này.

Trong đó, thành phố Nha Trang đưa ra một giải pháp kêu gọi người dân không trao tiền, vật chất cho người lang thang ăn xin. Người dân tỏ ra bất ngờ và có nhiều ý kiến trái chiều về lời kêu gọi này…

Vì thành phố không còn người ăn xin

Ông Nguyễn Duy Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong cuộc họp lấy ý kiến hoàn chỉnh đề án đã giao TP.Nha Trang phải hoàn thiện đề án này và trình UBND tỉnh Khánh Hòa ký phê duyệt trong tháng 10 với mục tiêu đến năm 2020 không còn người lang thang ăn xin.


Hoạt động tặng quà cho người ăn xin, cơ nhỡ của nhóm từ thiện chị Ngô Tấn Thủy Tiên. Ảnh:  M.K

Hoạt động tặng quà cho người ăn xin, cơ nhỡ của nhóm từ thiện chị Ngô Tấn Thủy Tiên. Ảnh:  M.K

Theo đó, chính quyền tỉnh Khánh Hòa giao TP.Nha Trang thực hiện theo hướng đội thanh niên xung kính của thành phố là đơn vị chủ trì.

“Thời gian tới, sẽ phải bổ sung chức năng, nhiệm vụ của đội xung kích, đồng thời bổ sung kinh phí để có được một đơn vị đủ mạnh làm tốt nhiệm vụ này” – ông Bắc nói.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP.Nha Trang cho biết, sẽ thành lập và giao Đội thanh niên xung kích thường trực tuần tra suốt 24 giờ, tập trung người lang thang ăn xin.

Đề án còn nêu thêm biện pháp sẽ khuyến cáo người dân không trao tiền, vật chất cho người lang thang ăn xin.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa, mỗi năm TP.Nha Trang “thu gom” từ 200-250 người lang thang xin ăn. Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận 24/24 giờ mỗi ngày đối tượng lang thang ăn xin.

Sau đó giữ lại tối đa 90 ngày rồi cho về. Nếu đối tượng nào đã xử lý 2-3 lần và xét thấy không có nơi nương tựa sẽ giữ lại trung tâm.

Nên có tình, có lý

Về khuyến cáo không trao tiền, vật chất cho người lang thang ăn xin, chị Ngô Tấn Thủy Tiên, một trong những người khởi xướng hoạt động trao quà cho người lang thang cho biết:

“Việc hạn chế người ăn xin lang thang là quyền của chính quyền địa phương, nhưng việc kêu gọi người dân không nên cho người ăn xin tiền bạc và quần áo đó là một điều chưa thuyết phục.

Lòng từ tâm của một con người, xuất phát từ cái tâm nhân hậu, là sự thông cảm, thương yêu, giữa con người với nhau, sao lại khuyến cáo, kêu gọi như vậy, đó là một sự thiếu chia sẻ, thiếu tình người, chính quyền không nên kêu gọi như thế!”.

Theo chị Thủy Tiên,  một cụ già ngồi ở cổng bệnh viện xin tiền để mua thuốc chữa bệnh; người mù, người tật nguyền ngồi xin ăn qua ngày ở những khu vui chơi đông đúc... những hình ảnh ấy không đẹp trong bức tranh du lịch của thành phố xinh đẹp.

Nhưng chúng ta  cấm người ăn xin, nghe có vẻ tàn nhẫn và khó thực hiện vì cấm bằng hình thức gì thì vẫn khó thực hiện. Cần phải cho họ chiếc cần câu, phải tạo điều kiện để họ có thu nhập sinh sống, có nơi trở về sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi…

Còn anh Tomy Thắng, người thường tổ chức những chuyến từ thiện giúp đỡ người khó khăn, cơ nhỡ tỏ ra chưa hài lòng với khuyến cáo này.

“Họ không có áo, không có gì ăn thì mình cho thôi. Chẳng ai cấm được mình nếu chưa có một chỉ thị hành chính đúng pháp luật nào. Hiện họ chỉ mới khuyến cáo, nên tôi sẽ vẫn chia sẻ tiền, lương thực, vật chất… cho những ai đang thiếu”.

Còn chị Hồ Bạch Tuyết, thành viên nhóm Rice for hunger thì nêu quan điểm: “Để thành phố du lịch không còn cảnh chèo kéo bán hàng, xin tiền du khách, tôi ủng hộ việc làm của chính quyền.

Nhưng đã làm thì nên làm cho có tình có lý, một khi họ vẫn còn đói thì tôi sẽ vẫn thực hiện phương thức trao 10kg gạo/tháng đều đặn cho họ, không ai cấm được tôi”.

Thực ra việc cấm ăn xin lang thang là điều có thể chấp nhận được, nếu chính quyền có giải pháp hợp lý, trao được “cần câu” cho họ. Còn nếu lo chưa hết được thì cũng không nên cấm đoán một cách cứng nhắc.

Vì một trái tim không lạnh giá

Tôi đã nhiều lần bị bạn bè mắng là dại dột, già còn nông nổi nghe lời lừa đảo. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng trong cuộc sống thực sự có nhiều người cùng cực đáng được giúp đỡ.

Đối với những người ăn xin, cho dù họ thực sự đói khát hay chỉ giả bệnh, giả khó khăn để đi xin tiền thì họ cũng vừa đáng thương, vừa đáng trách.

Họ kém mình ở chỗ gặp hoạn nạn, hoặc ốm yếu hoặc không được giáo dục tốt nên không đủ lòng tự trọng, xin xỏ, lừa gạt mà không xấu hổ.

Cuộc sống này có nhiều người còn khó khăn, mỗi người khó khăn một kiểu, nếu sức mình giúp họ đến đâu được thì cứ giúp.

Nếu ai cũng nghĩ xã hội này là lừa đảo, lòng tốt sẽ bị lợi dụng, thì tình người sẽ bạc bẽo đến đâu. Do đó, tôi nghĩ trước khi cho người ăn xin, mọi người chỉ cần quan sát thận trọng rồi hãy giúp đỡ chứ đừng tùy tiện cho đi lòng tốt của mình.

Bà Lê Thị Túy (chuyên gia tư vấn Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc, Hà Nội) Đừng hất đổ lòng tốt

Ngay cả những nước tiên tiến giàu có vẫn có người ăn xin. Có người rách rưới, bẩn thỉu nhưng cũng có người còn xin tiền để đưa gia đình đi khách sạn 5 sao, đi phẫu thuật thẩm mỹ…

Dù kiểu gì cũng có người cho và khi cho họ cũng không đánh giá người đi xin là xấu. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng không ít người thực sự bị dồn đến đường cùng, phải bán lòng tự trọng để đi ăn xin.

Đáng giận nhất là những kẻ thuê trẻ em, người già để lợi dụng thương hại của mọi người, xin tiền về cho mình. Theo tôi, những đối tượng lừa đảo, bóc lột trẻ em nên có sự trừng trị thích đáng.

Như vậy mới hạn chế được tận gốc tình trạng ăn xin tràn lan, lừa đảo. Còn những người khó khăn thực sự nên để cho họ một cơ hội.

Ông Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội)

Diệu Linh (ghi)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại