Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Miễn thi môn Văn sẽ gây ra hệ lụy khó lường

Khả Danh |

(Soha.vn) - Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng miễn thi môn Văn sẽ là một sai lầm, việc này có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Đã gần 2 tháng kể từ thời điểm 10 trường đại học, cao đẳng văn hóa nghệ thuật trình phương án tuyển sinh cho các khối H, N, S mà không cần phải bận tâm tới môn Văn, Nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn khẳng định "miễn thi môn Văn vào các trường văn hóa nghệ thuật là một sai lầm và nó có thể gây ra những hệ lụy khó lường".


	Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng việc bỏ thi môn văn sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng việc bỏ thi môn Văn sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Tại sao cứ phải bỏ thi?

Bàn về chuyện các trường Văn hóa nghệ thuật được phép bỏ thi Văn đầu vào, Nhà thơ Trần Đăng Khoa một lần nữa bày tỏ sự lo lắng với tư cách của một người làm báo, đồng thời cũng là bố của hai cô con gái.

Ông đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không ngừng cải tiến để đạt đến cái tốt nhất, thể hiện ở hai điểm:

Thứ nhất, miễn thi môn Văn đầu vào là một ý để giảm tải cho các thí sinh. Đồng thời cũng xét đặc cách với những trường hợp đạt giải thi Văn quốc gia và quốc tế (kể cả những em có giải nhưng chưa tới kỳ thi đại học thì cũng được bảo lưu kết quả ấy tới khi thi). Đây là một quyết định đúng, vì các em ấy là những tài năng, mà tài năng thì vô cùng hiếm.

Thứ hai là để cho các trường tự chủ là rất đúng, vì mỗi trường có đặc thù riêng, do đó nếu cứ áp chung một kiểu tuyển sinh giống nhau thì lợi cho trường này, nhưng thiệt cho trường khác, còn thí sinh thì đứng giữa chẳng biết lối nào mà lần.

Tuy nhiên, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng kịch liệt phản đối chuyện bỏ thi môn Văn. Ông nói: “Rất không ổn khi bỏ thi Văn, nếu không nói là nguy hiểm. Không phải tôi là người viết văn thì bắt ép các em phải học Văn đâu, nhưng Văn là bộ môn gốc, nó tạo nên tính cách của con người, nó phản ánh rõ nét tất cả những ứng xử trong đời thường của mỗi chúng ta để thấy rằng có văn hóa hay vô văn hóa, có học hay vô học.

Tôi mong tới một ngày không còn các kỳ thi kéo dài như hiện nay nữa, vì mỗi kỳ thi chúng ta lại chứng kiến biết bao nỗi khổ hạnh của các gia đình nghèo. Nhưng có lẽ ngày ấy còn rất xa, vì hệ thống giáo dục của ta còn đầy rẫy chuyện gian dối.

Chỉ mới đây thôi, một học sinh lớp 7 tại TP Quy Nhơn bị phát hiện không biết đọc, không biết viết. Ở cái nơi từng rất nổi tiếng với những tên tuổi như Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử… và rõ là ở thành phố mà còn vậy, thì ở những vùng nông thôn sẽ thế nào đây?

Rồi hàng nghìn điểm 0 môn Sử, một sự thật đau xót, ấy là vì môn Sử không được coi trọng. Không thi thì không học, ở ta xưa nay vẫn vậy”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thẳng thắn nêu một câu hỏi rất đáng suy ngẫm: Tại sao không tiếp tục duy trì thi môn Văn với cách thi nhẹ nhàng hơn, đề thi cởi mở hơn, để đánh giá đúng thực chất kiến thức của người học mà lại cứ phải bỏ thi?

Ông kiến nghị: “Môn Văn thì được dạy nhiều, được thi nhiều, nhưng khi chúng ta loại nó ra khỏi một kỳ thi quan trọng thì hẳn là rất nhiều em sẽ chỉ học một cách đối phó.

Trước sau, tôi vẫn cho rằng bỏ thi Văn là một sai lầm, chúng ta không thể lường hết hậu quả đâu. Tôi đề nghị là hãy duy trì việc thi môn Văn bằng một lối tư duy hoàn toàn mới, đó là để cho học sinh phát huy khả năng đánh giá, nhìn nhận một sự việc, một vấn đề dưới các góc độ khác nhau, vậy thì sẽ có những kết quả rất thú vị và ta thấy ngay được cái chất của từng em.

Hoặc cũng có thể không thi đầu vào môn Văn, nhưng thay vào đó là phỏng vấn trực tiếp, với cách này thì chỉ cần hỏi một câu thôi sẽ biết ngay em nào lười học, không chịu khó trau dồi kiến thức và cũng sẽ khẳng định được em nào kiến thức văn hóa quá kém cần phải loại ra, dù năng khiếu có tốt đến mấy đi chăng nữa thì cũng phải tạm biệt và hẹn gặp em ở kỳ thi sau”.

Nhạc sĩ An Thuyên ủng hộ việc bỏ thi môn Văn

Trái ngược với quan điểm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhạc sĩ An Thuyên – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ủng hộ việc miễn thi môn Văn đầu vào các trường văn hóa nghệ thuật.

“Thứ nhất, gần 20 năm làm công tác tại trường, tôi cho rằng việc Bộ để các trường tự chủ là đúng, bởi các trường đào tạo ngành nghệ thuật có đặc thù riêng và trong mỗi ngành nghệ thuật lại có đặc thù riêng nữa.

Thứ hai là không thi Văn sẽ giảm tải cho thí sinh. Tôi cho rằng xu thế như vậy là tốt. Một học sinh thi thanh nhạc phải mất 4-5 ngày trải qua nhiều phần thi như: Năng khiếu, sướng âm, hát hai bài khác nhau, tiết tấu, nhạc lý…

Thi Văn vào đại học khác với học Văn, giá trị văn chương. Tôi cũng có đọc phản biện của Nhà văn Nguyên Ngọc nhưng tôi cho rằng bỏ thi không có nghĩa là không học”, nhạc sĩ An Thuyên nói.

Nhạc sĩ An Thuyên cũng cho rằng, để hạn chế tiêu cực thì các trường phải công khai danh sách trúng tuyển. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, không có cái gì quyết định mà chắc chắn 100%. Văn là người, là kiến thức, là phần tạo nên nhân cách nhưng cũng chỉ là một phần thôi, vì còn rất nhiều yếu tố khác hội tụ để tạo nên một nghệ sĩ chân chính.

Nhạc sĩ An Thuyên nêu quan điểm: “Không nên quan tâm đầu vào nhiều mà nên quan tâm tới đầu ra thế nào? Hát hay, múa đẹp, nhân cách tốt… điều đó mới quan trọng.

Giáo dục trong trường có thể tạo ra những nghệ sĩ nhân cách tốt không, văn hóa tử tế không… tôi đề nghị Bộ Giáo dục phải duyệt thật kỹ chương trình đào tạo của các trường này.

Việc kiểm soát chặt chương trình dạy và thi đầu ra của các trường sẽ đánh giá thực chất nhất, từ đó có sự phân loại và điều chỉnh phù hợp”.

Các trường phải công khai toàn bộ quy trình xét tuyển

Theo ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đồng ý để 10 trường thử nghiệm không thi môn Văn đầu vào nhằm giúp các thí sinh có nhiều thời gian tập trung vào các môn thi năng khiếu.

Bộ cũng đã tính tới việc sử dụng kết quả học tập ở bậc phổ thông tiềm ẩn rủi ro, vì thế nên mới chỉ thử nghiệm ở một nhóm nhỏ thi vào những ngành năng khiếu, sau đợt thi này sẽ đánh giá xem có tiếp tục áp dụng cách này nữa hay không.

Để hạn chế tối đa tiêu cực, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thuộc nhóm được xét tuyển theo hình thức này phải công khai toàn bộ quy trình xét tuyển, tên tuổi, địa chỉ, kết quả của từng thí sinh, để dư luận xã hội giám sát.

Nếu phát hiện có gian dối, nhà trường phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh, còn nếu trường cố ý làm trái thì Bộ Giáo dục sẽ có các biện pháp xử lý theo các quy định đã ban hành.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại