Nhà báo Việt Nam sợ nhất điều gì?

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Áp lực công việc, bài vở, thiếu kiến thức, mức thu nhập thấp và kể cả sự nguy hiểm của nghề.... chính là những điều khiến nhà báo Việt Nam sợ nhất...

Ngót 10 năm làm việc ở Báo Thanh Niên, điều tâm đắc nhất của nhà báo Trần Quế Hà (phóng viên thường trú tại Bình Thuận) là khi giúp đỡ, bênh vực được điều gì đó cho những người dân nghèo. Bởi họ là tầng lớp thiệt thòi nhất trong xã hội.

Nhà báo Trần Quế Hà (bên phải) trong một lần chụp ảnh lưu niệm với cố nhạc sỹ Phạm Duy. (Ảnh: Quế Hà).
Nhà báo Trần Quế Hà (bên phải) trong một lần chụp ảnh lưu niệm với cố nhạc sỹ Phạm Duy. (Ảnh: Quế Hà).

"Tôi từng giúp đỡ được những em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó có những em là con nhà nghèo của đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong (Bình Thuận). Lớn hơn nữa, là người làm báo, mình có thể cảnh báo điều gì đó, nếu biết chắc nó có thể gây thiệt hại đến cuộc sống, kinh tế của những người nông dân.

Làm báo vui nhất khi tác phẩm của mình được độc giả đón nhận. Tuy nhiên, trong đời làm báo của mình, tôi cũng từng thất bại. Đó là những bức xúc của độc giả, dù mình biết đó nhưng không thể nào phản ánh trên báo với những lý do rất khác nhau", nhà báo Quế Hà chia sẻ.

Cũng theo nhà báo Quế Hà, bên cạnh niềm vui, niềm tâm đắc, trong quá trình làm báo, cũng đã có nhiều điều khiến anh phải "sợ".

"Với người làm báo, áp lực công việc là một sự thật. Nếu không có tính đam mê sẽ khó có thể vượt qua. Làm báo là luôn khát vọng được đi, được đến và phản ánh chân thực dòng chảy của cuộc sống.

Nhưng nghề bào hiện nay rất rủi ro. Tôi từng bị chủ nhà hàng Cát Vàng ở Mũi Né đe dọa khi đến đây tác tác nghiệp. Khó khăn với người làm báo là rất nhiều. Chỉ có tấm lòng yêu nghề, say nghề và nắm vững bản chất của từng sự việc mới có thể thành công", nhà báo Quế Hà nhấn mạnh.

Còn với nhà báo Bùi Lan Phương (Phóng viên mảng kinh tế, Báo Giáo dục Việt Nam) chính tuổi trẻ và chút "máu nghề" đã giúp chị quyết dấn thân vào con đường mà vinh quang cũng có nhưng chông gai cũng lắm này.

Nhà báo Bùi Lan Phương
Nhà báo Bùi Lan Phương

"Sau khi tốt nghiệp Đại học, các vị “tiền bối” đều can ngăn không nên bước chân vào cái nghiệp này, vì vất vả, vì nguy hiểm, vì dễ bị sa ngã, vì con gái nên kiếm một chỗ an nhàn, vì “em sẽ già đi rất nhanh”, “không có thời gian lo toan cho gia đình”, vì “nó bạc lắm”, gian truân lắm, nghiệt ngã lắm… nhưng với sự sôi nổi của tuổi trẻ và chút “máu nghề”, mình đã quyết theo con đường mà nhiều người bảo là lắm chông gai ấy", nhà báo Lan Phương tâm sự.

Vinh quang, niềm vui cũng lắm nhưng cái "bạc" của nghề thì như chính nhà báo Bùi Lan Phương đã từng tâm sự thì nó luôn song hành.

"Niềm vui, vinh quang của nghề cũng có nhưng đúng là nó bạc thật! Mình rất ít khi được ngồi xem trọn một bộ phim tối với chồng, hầu như lúc nào hàng xóm cũng nhìn thấy mình loay hoay với cái máy tính hoặc khuôn mặt luôn ở tư thế trầm tư theo kiểu rất… hình sự. Thậm chí, có những cuộc gọi của độc giả phản ánh vào lúc 12h đêm khiến ông xã không khỏi “mắt tròn, mắt dẹt”, đặt dấu chấm hỏi đầy vẻ nghi ngờ…", nhà báo Lan Phương kể.

Khi được hỏi về điều khiến chị sợ nhất là gì? nhà báo Bùi Lan Phương đã thẳng thắn cho rằng, đó chính là kiến thức.

"Sự vất vả, nguy hiểm của nghề thì ai cũng sợ nhưng với tôi thì lại sợ có những lĩnh vực mới mẻ, mình không hiểu nhưng vì áp lực bài vở mà sếp giao vẫn cứ phải làm. Sợ“nghèo” kiến thức, bơi quá nhiều mảng theo kiểu “cái gì cũng biết nhưng thực ra là không biết gì”, nhà báo Bùi Lan Phương nói.

Tương tự vậy, với nhà báo Trần Duy Hưng, phóng viên thường trú báo Đại Đoàn Kết tại Nam Định, nỗi sợ lớn nhất cũng chính là sự thiếu kiến thức nền.

Nhà báo Trần Duy Hưng.
Nhà báo Trần Duy Hưng.

"Sự nguy hiểm, bị đe doạ, cản trở khi làm nghề này, đó là điều ai cũng nghi ngại. Nhưng thực tế làm báo, cái tôi sợ nhất chính là sự thiếu kiến thức nền về các lĩnh vực mình làm, viết. Chẳng hạn, trong thời gian qua, tôi đang theo dõi nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề đất đai nhưng sợ rằng mình không có đủ hết các kiến thức về nó, chính vì vậy, mỗi lần viết mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu.

Thêm nữa, tôi cũng sợ sự né tránh của các cơ quan chức năng trước các vụ việc. Hơn thế là liệu rằng, mình có đủ độ lì, kiên trì để đeo bám cũng như có đủ tỉnh táo để khi gặp được các quan chức để có những thông tin hữu ích, phục vụ tốt nhất cho bài viết của mình không.

Và một điều có lẽ nhiều người sẽ có cùng suy nghĩ đó là sợ thu nhập của mình không được đảm bảo để trang trải cho cuộc sống, gia đình", nhà báo Duy Hưng bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại