Khách ngại đến chơi vì... sợ ma
Hàng chục năm nay, tổ dân cư 46 và cả phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đều rất ái ngại khi muốn qua lại tổ dân cư này. Ban ngày còn có người, hễ đêm xuống là tổ dân cư này trở nên im ắng, họa hoằn lắm mới có tiếng bước chân hoặc tiếng xe máy đi qua. Tạo ra sự vắng vẻ đó bởi địa bàn này có sự hiện diện của một khu nghĩa địa rộng khoảng 300m2. Nghĩa địa này chứa đến vài trăm ngôi mộ lớn, nhỏ đủ các kiểu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây khoảng 10 năm, bao quanh nghĩa địa là đồng ruộng, khi đó khu dân cư này còn thưa thớt. Cơn lốc đô thị hóa ập đến, làng đã trở thành phố thị và người dân ở sát dần nghĩa trang. Có đoạn, khoảng cách từ nhà dân đến mộ chỉ nửa bước chân. Tất cả nhà trong khu dân cư đều quay mặt ra nghĩa trang và không có tường ngăn cách, không cổng ra vào.
Hàng trăm ngôi mộ ở nghĩa trang này gần như đều là của người làng Quan Hoa trước đây. Đa số được xây dựng kiên cố để hương khói dài lâu. Những ngày mưa, nước dềnh lên từ nghĩa trang chảy ngược ra đường khiến chẳng ai dám đi ngang qua. Những ngày nắng ráo, một số hộ dân còn mang cả chiếu, chăn đem phơi ở những ngôi mộ được xây cao, có mái vòm... Cứ đến bữa cơm hay giờ nấu ăn, người ta còn mang rau, thịt, cá… ra trước cửa nhà để chế biến và cảnh bếp than vẫn đỏ lửa bên cạnh những ngôi mộ ấy khiến nhiều người phát hoảng. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, dân cư của "xóm nghĩa trang" ấy vẫn sống vô tư cùng những người đã khuất.
Bác Nguyễn Thị H (phường Quan Hoa) cho biết: "Ban đầu sợ chết khiếp, nghĩ lúc nào đủ tiền sẽ chuyển nhà, nhưng dần dần chúng tôi thấy cũng quen, chẳng sợ gì nữa. Chỉ ái ngại một điều là nhiều khi người quen và khách ngại đến nhà chơi vì sợ… ma".
Bà H kể, tổ dân phố này có chuyện “bi hài”, khi chàng trai đưa bạn gái về ra mắt, nhìn thấy khu nghĩa trang ngay cạnh nhà, cô gái hoảng sợ ra "yêu sách" sau khi cưới thì anh chàng kia phải ở rể... Những tưởng chỉ nói đùa nhưng sau cô gái đó nhất định không về làm dâu vì sợ… ma!
Nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính) nằm cạnh khu chung cư. Ảnh: H.Phương
Chung cư cao cấp cũng nhìn ra nghĩa trang
Tại Hà Nội, tình cảnh “sống cùng với... người chết” không chỉ ở những khu thổ cư lâu năm mà còn ở các khu đô thị mới xây.
“Khi mới mua nhà, chúng tôi được thông báo rằng nghĩa trang sẽ được di dời trong năm tới. Nhưng gần 4 năm rồi, nghĩa trang vẫn ở đó. Mỗi lần mở cửa sổ ra là đập vào mắt toàn bộ những nấm mồ. Phiền toái trực tiếp đến sinh hoạt thì không, nhưng nhiều lúc giật mình và ức chế thì có. Bỏ tiền tỷ ra mua nhà cuối cùng vướng phải vấn đề này. Chúng tôi chẳng biết kêu ai. Kêu nhà đầu tư ư? Khó lắm, bởi chẳng ai dám động vào mồ mả", anh Quân - một người sống ở khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) nói.
Bác An, một người dân sống tại nhà No 22, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp nói: "Mỗi lần thấy đoàn người khăn trắng, áo tang mà lạnh cả người. Mình có tuổi vấn đề chết chóc không ảnh hưởng lắm, nhưng đối với bọn trẻ thì quả là ái ngại. Nhiều đêm chúng nó đâu dám mở cửa sổ, thậm chí chẳng dám ngồi học bài một mình”.
Nghĩa trang mà anh Quân nói nằm giữa trung tâm khu đô thị Văn Quán. Nghĩa trang này có tên Yên Phúc, rộng gần 1.000 m2. "Ở nhiều năm, người nhà hay khách đến chơi đều phàn nàn tại sao bỏ tiền tỷ ra lại chọn cái nhà dở thế, ban công nhìn ra nghĩa địa", anh Quân bày tỏ. Anh Quân còn cho biết: “Nhiều lần thông báo bán nhà, khách đến xem xong có người đi thẳng, có người ép giá vì ““view” kinh khủng quá”. Cuối cùng, hơn một năm thông báo, anh vẫn chưa bán được nhà.
Ái ngại hơn, nhiều hộ dân sinh sống tại khu Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì) còn ngao ngán khi vẫn thường xuyên chứng kiến những đám đưa ma, tiếng thóc than tiễn đưa người thân về nơi yên nghỉ ngay tại khu dân cư mình đang sinh sống.
Đến khu Dương Nội (Hà Đông) tình cảnh cũng chẳng có gì khá hơn. Nhiều lần chị Hoa (cư dân khu Dương Nội) phải nhờ chồng đón khi đi làm về muộn. Chị Hoa lo lắng: " Đường vào nhà thì xa, tối, vắng vẻ, nghĩa trang thì rộng, hôm nào đi làm về muộn cứ phải gọi chồng ra đầu ngã tư cách nhà cả cây số để đón. Lúc mua nhà, vì có ít sự lựa chọn và cũng không nghĩ nó đáng sợ nhưng khi về ở rồi mới nản”.
Không riêng gì những khu đô thị mới Văn Quán, Pháp Vân, Dương Nội, một số khu đô thị mới của Hà Nội như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm,... cũng mọc lên bên cạnh nghĩa trang. Ngay Ciputra, một trong những khu đô thị hạng sang của Hà Nội, phía bên ngoài cũng là một nghĩa trang lớn. Để hạn chế tầm nhìn, chủ đầu tư đã cho xây dựng tường cao ngang với tầng hai của những ngôi biệt thự. Nhưng điều đó vẫn không xóa được tâm lý sống cùng với người chết của một số cư dân nơi đây.
Đồng hành với việc xây dựng, nhiều chủ đầu tư lấy đất làm dự án đã tính tới việc di chuyển nghĩa trang nhưng khi thực hiện thì gặp khó vì lý do tâm linh hay thiếu mặt bằng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, định hướng của thành phố là sẽ di chuyển dần tất cả nghĩa trang, khu mộ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, đưa vào những nghĩa trang lớn theo quy hoạch. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự đồng tình của những gia đình có mộ phần. Khi mà chạm đến vấn đề tâm linh của người dân, e rằng cảnh sống chung với nghĩa địa còn tiếp diễn dài lâu.