Theo thông tin trên Vietnamplus, Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết, hiện tượng thiên văn kỳ thú nguyệt thực toàn phần đầu tiên và duy nhất trong năm 2015 sẽ xảy ra vào tối 4/4/2015.
Cụ thể, vào lúc 16h01 phút, mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối; Pha một phần bắt đầu lúc 17h15 phút; Pha toàn phần bắt đầu lúc 18h57 phút; Đạt cực đại lúc 19h00 phút.
Pha toàn phần kết thúc lúc 19h2 phút; Pha một phần kết thúc lúc 20h44 phút; Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21h59 phút và kết thúc hoàn toàn sự kiện này.
Anh Đặng Tuấn Duy (chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư T.p HCM) thông tin với báo giới trong nước, hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này sẽ diễn ra ở thời điểm thời tiết thuận lợi. Theo thống kê, đây có lẽ là lần nguyệt thực toàn phần ngắn nhất của thế kỷ 21.
Nguyệt thực toàn phần. (Ảnh: Thienvanhanoi)
Tờ Công Lý dẫn lời anh Trần Văn Long (Phó Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội) cho biết:
"Trong năm 2014, ở Việt Nam có một lần quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần (ngày 8/10). Lần nguyệt thực một phần tiếp theo ở Việt Nam quan sát được sẽ vào ngày 8/8/2017, riêng nguyệt thực toàn phần thì phải đợi đến 31/1/2018".
Nguyệt thực toàn phần chỉ có thể diễn ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng hoàn toàn thẳng hàng - chỉ lệch một ít cũng khiến nó thành nguyệt thực một phần, hoặc không có nguyệt thực.
Bởi vì, quỹ đạo mặt trăng quanh trái đất nằm lệch 1 chút so với quỹ đạo trái đất với mặt trời, sự thẳng hàng hoàn hảo để tạo ra nguyệt thực không phải lúc nào cũng có thể diễn ra khi trăng tròn.
Nguyệt thực toàn phần mất vài giờ trong suốt sự kiện. (Theo Thienvanhanoi)
(Tổng hợp)