Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Qua suối bằng túi thật khó tưởng tượng

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Dân ta khổ quá! Ở thời bình như vậy mà giáo viên, học sinh qua suối bằng túi nilông thật khó tưởng tượng được”, GS.TS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nói.

Hình ảnh cô giáo, học sinh bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đến trường bằng cách phải chui vào túi nilông, ngồi lọt thỏm trong đó để các thanh niên túm gọn miệng bao kéo bơi qua suối mùa nước lũ khiến dư luận không khỏi hốt hoảng, sợ hãi.

Trò chuyện với chúng tôi, GS.TS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường Ngoài công lập), Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: “Tôi thấy dân ta khổ quá! Đi học như vậy là quá nguy hiểm, bây giờ tôi mới thấy trường hợp đến trường học chữ mà khó khăn như vậy, tôi ngạc nhiên quá!

Ngày xưa, trong bộ phim “Cánh đồng hoang”, người mẹ để bảo vệ người con khỏi bom đạn đã cho con vào túi ni lông giấu xuống nước, nhưng giờ thời bình mà trẻ em đi học thường xuyên trong tình trạng như vậy thì không thể tưởng tượng nổi. Địa phương cần quan tâm hơn đến đời sống an sinh của người dân”.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự ngạc nhiên khi xem clip cô giáo chui vào túi ni lông qua suối.
GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự ngạc nhiên khi xem clip cô giáo chui vào túi ni lông qua suối.

Trả lời PV, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng đây không phải trường hợp cá biệt, hiếm có ở địa phương bởi trên địa bàn có nhiều nơi khó khăn như thế và không có kinh phí xây cầu qua sông, suối.

Về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng: “Nhiều cái mình đầu tư tốn kém, hàng trăm nghìn hoạt động hội hè, tiệc tùng lãng phí…vậy tại sao cây cầu cho học sinh mình lại không có kinh phí, không làm được?

Để làm chiếc cầu có thể bằng nhiều con đường, nhiều cách và nếu địa phương quá sức thì có thể đề xuất lên các cấp, ngành cao hơn để giải quyết chứ không thể để tình trạng tương tự kéo dài được. Tôi nghe các lãnh đạo địa phương nói mà thấy xót xa quá. Điều đó cho thấy mức độ khó khăn nhiều và mình càng phải chăm lo rộng rãi, sát sao hơn”.

Nhân câu chuyện này, ông nhớ đến thời kỳ làm Bộ trưởng, ông từng “vi hành” đến các vùng sâu, vùng xa khó khăn như An Giang, Nghệ An để tìm hiểu thực tế đời sống giáo viên, học sinh ra sao. Ông nhớ lần đi thực tế vì đường hiểm trở nên ông phải ngồi xe máy chạy đường dài trên đường bùn lầy; đến động viên giáo viên “bám trường bám lớp” thì cô giáo bật khóc òa lên…

“Nhân sự việc cô giáo, học sinh bản Sam Lang này, tôi mong muốn các cấp ban ngành các địa phương quan tâm sát sao tình hình thực tế hơn đến đời sống thực tế của giáo viên, học sinh chứ đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra”, GS.TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Bày tỏ sự cảm phục về tinh thần hiếu học của các em, vượt khó khăn yêu nghề của giáo viên ở Nà Hỳ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói: “Tôi nghĩ các giáo viên ở điểm trường này phải rất yêu nghề, mến trẻ và đặc biệt rất dũng cảm mới có thể vượt qua chặng đường nguy hiểm như vậy để đến lớp, trường dạy con chữ.

Khi xem clip tôi thực sự đau xót, ngỡ ngàng bởi không chỉ các cô giáo sang suối bằng cách chui và ngồi lọt thỏm trong túi ni lông buộc túm đầu mà còn có người dân, trẻ em cũng băng qua bằng cách đó trong mùa nước lũ”.

PGS Trần Xuân Nhĩ thực sự đau xót, ngỡ ngàng khi biết các cô giáo, học sinh Điện Biên phải đến trường bằng cách nguy hiểm như vậy.
PGS Trần Xuân Nhĩ thực sự đau xót, ngỡ ngàng khi biết các cô giáo, học sinh Điện Biên phải đến trường bằng cách nguy hiểm như vậy.

Về vấn đề giải pháp cho tình trạng đáng tiếc, xót xa như vậy, ông cho rằng đáng lẽ Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên nên có động thái phản ánh kịp thời, kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền từ trước để không tái diễn tình trạng này, đảm bảo các em đến trường an toàn.

“Đây không chỉ dừng lại ở một sự việc mà là đánh động vào các ban ngành cần có trách nhiệm hơn, xã hội nên suy nghĩ rằng tại sao lại để giáo viên, học sinh chúng ta phải đi dạy, học trong tình trạng nguy hiểm như vậy.

Thiết nghĩ, chỉ cần bớt những công trình vô bổ, chúng ta có thể giúp cho người dân Điện Biên có cây cầu kiên cố, an toàn để đi và bà con vùng cao, vùng sâu xa có được cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho vùng khó khăn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

Cũng trong ngày 18/3, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư xây dựng tại nơi học sinh chui túi nilông qua suối Nậm Pồ với mức vốn xây dựng 3,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 2 tháng nữa thôi giáo viên, học sinh bản Sam Lang không phải đi qua suối bằng túi ni lông trong mùa mưa lũ nữa!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại