Nguyên Bộ trưởng GD: Tuyển sinh tự chủ sẽ có nhiều đột phá, sáng tạo

Thiên Di |

(Soha.vn) - GS Trần Hồng Quân cho biết đề xuất của hiệp hội không phải vớt vát để các trường tuyển đủ mà mục đích chính là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, linh hoạt, trên cơ sở đa tiêu chí.

Vấn đề tuyển sinh tiếp tục “nóng” khi rất nhiều đại diện các trường ngoài công lập, trong đó có 5 trường ĐH đã trình đề án tuyển sinh riêng lên Bộ để xem xét cho phép tự chủ các trường tuyển sinh.

Tại buổi tổng kết công tác hoạt động từ sau Đại hội nhiệm kỳ II của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) mới đây, nhiều lãnh đạo các trường NCL phản ứng với sự “im lặng” của Bộ GD về 5 đề án tuyển sinh và có nhiều kiến nghị nên bỏ “ba chung”, “điểm sàn”.

Ông Phan Quang Trung (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) nói: “Nếu tình hình không được cải thiện, thì trong vài năm nữa sẽ có một số trường phải tính đến chuyện đóng cửa”.

Lý giải vấn đề này, ông Trung cho biết, điểm sàn xác định không đúng, dẫn đến cạn kiệt nguồn tuyển. Không công khai phổ điểm môn thi thì xác định điểm sàn cũng khó minh bạch.

Tuy nhiên, nhiều người nghi hoặc rằng, nếu bỏ ba chung, điểm sàn (bỏ kỳ thi đại học) cũng như việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thì sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng ồ ạt và các trường ngoài công lập sẽ “thả” tuyển sinh.

GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL cho biết đề án tuyển sinh mới là cách tuyển sinh khoa học.

GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL nói sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ GD, Chính phủ về phương án tuyển sinh mới.

Trả lời về vấn đề này, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL cho biết, vấn đề tuyển sinh đủ cho các trường chỉ là một phần, vấn đề cấp bách, nhưng mục đích chính là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, trên cơ sở đa tiêu chí.

“Mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ riêng, không thể cào bằng theo cách tuyển sinh “ba chung” như hiện nay. Cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí (có thể là 2, 5 hoặc bao nhiêu sao cho phù hợp với môn, ngành học.

Đề xuất của hiệp hội không phải vớt vát để các trường tuyển đủ, dù rằng đây là vấn đề sinh tử của các trường. Hiệp hội đã có đề nghị từ năm 2010 nhưng Bộ GD-ĐT im lặng không nói gì”, GS Quân thẳng thắn bày tỏ.

Gần đây, báo chí sôi lên khi một vài trường NCL đã gửi đề án lên Bộ xem xét tuyển sinh riêng. Phương án cụ thể là, xét tuyển không chỉ dựa vào điểm thi đại học (có đề xuất chiếm 20 -40% tổng điểm xét tuyển), kết quả 3 năm phổ thông và thi tốt nghiệp.

Và theo ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội NCL thì Bộ GD “im lặng” và chưa hề có hướng dẫn cụ thể cho các trường mặc dù Luật GD đã có hiệu lực từ 1/2013.

“Điều 34, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở đào tạo đại học được tự chủ các phương thức tuyển sinh thi tuyển, xét tuyển… Nhưng đến nay đã là tháng 5/2013 nhưng Luật chưa có hiệu quả. Nếu một số trường ngoài công lập được tự chủ sẽ có đột phá với nhiều sáng tạo”, GS Quân khẳng định.

Người đứng đầu Hiệp hội cũng nhấn mạnh rằng, hiện Bộ GD vẫn chưa có câu trả lời gì về vấn đề này. Mặc dù, trước đó Bộ GD-ĐT có hứa sẽ xét duyệt nếu trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng thì Bộ sẽ xét duyệt.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ GD. Luật đã ban hành và có hiệu lực thì cần được triển khai thực hiện. Đề nghị của Hiệp hội không chỉ cho riêng các trường NCL mà cho toàn bộ nền đại học. Con đường tất yếu là phát triển giáo dục ngoài công lập.

Có thể thấy ở Hàn Quốc, Malaysia có hơn 50 – 60% sinh viên học ngoài công lập. Những trường lớn ở Mỹ phần lớn đều ngoài công lập. Chúng ta cần vượt qua suy nghĩ thiển cận này để nhanh chóng phát triển giáo dục đại học.

Muốn tạo được sức mạnh thì không còn cách nào khác là phát triển cả trường công lập và trường ngoài công lập. Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý vào một số trường công lập đặc thù …”, GS khẳng định thêm.

Bên cạnh vấn đề tuyển sinh, mấy năm nay, nhiều lãnh đạo các trường NCL bức xúc cho rằng, tồn tại sự thiếu công bằng giữa các trường NCL với công lập, thiếu bình đẳng sinh viên công lập với sinh viên ngoài công lập. Bởi vì có chính sách về thuế, về quy định thành lập trường, mở ngành… chưa được hợp lý.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định sửa đổi về vấn đề ưu đãi thuế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, GS Quân cho rằng, chưa thỏa đáng vì một số ràng buộc chưa hợp lý.

Ông đưa ra ví dụ về quy định từ diện tích đất sang mặt sàn là có ưu tiên nhưng lại yêu cầu phải là sở hữu của trường! Hay quy định số lượng sinh viên tuyển sinh mỗi năm chỉ được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm đầu mới được phép tiếp tục đào tạo là hết sức vô lý. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên như quy định thì chắc chắn trường này sẽ bị xóa sổ.

Có thể nói, vấn đề khó khăn cho các trường ngoài công lập vẫn chồng chất. Thay cho lời kết, GS. Trần Hồng Quân khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với Bộ GD và Chính phủ về việc thực hiện điều 34 Luật GD ĐH về tự chủ tuyển sinh và sẽ cố gắng thực hiện ngay trong năm 2013.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại