Tháng ngày cơ cực trên dòng sông Đáy
Mỗi lần đi qua đoạn sông Đáy chảy qua thôn Hà Đoạn, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, chúng tôi lại được nghe câu chuyện về đôi vợ chồng đã ở cái tuổi thất tuần nhưng hễ có ai gọi đi vớt xác người trôi sông, họ lại tất tả “lên đường”. Công việc này đã gắn với họ già nửa cuộc đời, không kể trời nắng hay mưa. Có những trường hợp đội thợ lặn đã phải bỏ cuộc nhưng vợ chồng ông Bộ lại tìm thấy xác người chết đuối chỉ sau ít giờ đồng hồ.
“4 thế hệ, từ đời bố cho tới đời cháu của tôi đã sống ở đây bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Những con hến, con trai… đã quá quen mặt chúng tôi rồi. Cách đây 5 tháng, tôi đã vớt được xác chết trôi sông 3 ngày ở Đục Khê (xã Hương Sơn – PV). Người nhà thuê cả đội thợ lặn mà không tìm thấy, tôi là phương án lựa chọn sau cùng của họ. Cái duyên của tôi với những xác chết trôi sông một lần nữa lại được phát huy. Xác chết nằm lạnh lẽo dưới gầm đò đắm nên không nổi lên được và cũng không ai phát hiện ra… Và tôi đã đưa thi thể đó trở về với gia đình. Tôi cũng đã chứng kiến không biết bao cái chết thương tâm ở Đục Khê này” - ông Bộ trầm ngâm kể về những tháng ngày cơ cực trong đời, kể về cái “duyên” của mình với “nghề vớt xác bên sông Đáy”.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Sáu ngồi bên cạnh cũng thêm vào câu chuyện bằng những vất vả, lo toan trên con đường mưu sinh. Lấy nhau vì cùng cảnh nghèo khổ khi gắn đời mình với chiếc thuyền, đêm tân hôn hạnh phúc cũng phải nằm trên manh chiếc rách được lót thêm vài chiếc lá chuối. Bữa cơm, bữa sắn rồi 9 đứa con lần lượt ra đời, 3 trai, 6 gái khiến cảnh nhà càng thêm túng thiếu.
“Chỉ bữa cơm thì đôi chân chúng tôi mới được khô ráo. Ăn xong lại chèo thuyền, quăng chài đánh cá để đi đổi gạo cho các con ăn” - bà Sáu nhìn ông rồi cũng cười vang khi nhắc lại câu chuyện của nhiều năm trước.
Cái duyên của ông Bộ với những “mảnh đời trôi sông” bắt đầu từ những lần đi theo ông nội là cụ Đào Văn Cung đi vớt xác người chết.
“Một lần trong làng có người bị đắm thuyền chết đuối, ông nội tôi đã lặn xuống sông tìm vớt xác. Phải 2 ngày sau ông mới tìm thấy và đưa người xấu số lên bờ. Cũng từ đó, hễ ở đâu có người chết đuối mọi người lại tìm tới gọi ông Cung. Tôi cũng nhiều lần đi theo ông trong những lần đi vớt xác. Vốn tính gan lì, dạn dĩ nhưng tôi cũng không tránh khỏi sự sợ hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy xác chết tím tái, trương phình khi vừa được trục vớt lên, nhưng nhìn nhiều rồi cũng quen. Sau này tôi còn trực tiếp tiếp xúc với những xác chết như thế” - ông Bộ nhớ lại.
Công việc vớt xác sau đó được ông Cung truyền lại cho bố của ông Bộ là ông Đào Văn Chế. Rồi ông Bộ và hiện nay con trai ông là anh Đào Văn Đức cũng nối nghiệp bố. Bốn thế hệ tìm kiếm thi thể người chết với cái tâm, họ không có ý định giải nghệ nhưng lại mong thất nghiệp để những dòng sông vẫn chảy hiền hòa mà không phải ôm vào lòng những xác chết. Ông Bộ không nhớ hết mình đã phải thay bao nhiêu con thuyền. Nhưng mỗi con thuyền là mỗi kỉ niệm trong từng chặng đường đời của ông và là kỉ niệm với từng xác người trôi sông được ông cứu vớt.
“Thế nhưng, chẳng còn ai sống…” - ông ngậm ngùi khi nói câu ấy và bỏ mặc tiếng thở dài giữa thinh không.
Những lần “cãi lại lời nguyền Hà Bá” của đôi vợ chồng già
Năm 14 tuổi, cậu bé Đào Văn Bộ chính thức được bố cho tập tành với công việc đi vớt xác. Khoảng năm 25 tuổi, lần đầu tiên ông Bộ trực tiếp vớt xác người tử nạn trên sông, đó là một thanh niên ngoài 30 tuổi đi tắm và bị chết đuối. Người dân thấy thế vội chạy tới tìm gia đình ông Bộ. Nghe tiếng gọi thất thanh, ông Bộ biết có chuyện chẳng lành và ông tức tốc lên đường.
“Tôi lặn xuống một hơi là tìm thấy nhưng vì người đàn ông đó to cao nên tôi không kéo vào bờ được mà phải nhờ mọi người quẳng dây ra để kéo cái xác vào. Đã quá dạn dĩ với các xác chết trôi sông nên tôi không còn cảm giác sợ hãi khi trong tay mình là một thân hình không còn sự sống lại trương phình. Năm đó, tuy chỉ nặng khoảng 50kg nhưng tôi khỏe lắm nên có thể lặn sâu được” - ông Bộ kể lại.
“Cứu một người phúc đẳng hà sa”, vợ chồng ông Bộ luôn tâm niệm điều ấy. Vốn quen với sông nước nên bà Sáu cũng “xắn tay áo” xông pha cùng chồng trong nhiều vụ vớt xác người trôi sông.
Tiếng khóc xé lòng, tiếng gọi người thân thảm thiết… nhiều khi đã chạm vào tâm khảm của những người làm nghề sông nước như vợ chồng ông Bộ.
“Người chết nhìn đã sợ nhưng người chết đuối trông còn sợ hơn nhiều. Nhưng mình không vớt, mình không làm thì ai làm đây? Cứ để họ nằm dưới đáy sông lạnh lẽo thì tội lắm. Đưa được họ về với gia đình, mình vui một nhưng gia đình họ vui 10, thậm chí người chết cũng được “ngậm cười nơi chín suối” khi được trở về nhà” - bà Sáu tâm sự.
Thế nhưng cái nghề “cãi lại lời Hà Bá” ấy cũng phải có duyên, có năng khiếu mới làm được. Vớt được vài trăm xác chết nhưng chưa gia đình nào bị vợ chồng ông “hét giá”. Thậm chí, ông Bộ còn bỏ tiền ra mua đồ cúng hoặc trả lại tiền cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vớt xác là một chuyện nhưng mỗi khi trong làng có ai bị đau ốm cần giúp đỡ, vợ chồng ông Bộ lại sẵn sàng lên đường. “Không bao giờ để chân tay ngừng nghỉ, đó dường như là cái nghiệp của chúng tôi rồi. Nhìn thấy những người được vớt lên do tự tử, tôi không oán hận các bạn ấy mà chỉ thương, thương cả cho những người thân trong gia đình đang phải gạt nước mắt để đưa thi hài về mai táng. Bản thân tôi cũng đã không ít lần rơi nước mắt trước những hoàn cảnh "đầu bạc tiễn đầu xanh" đi” - bà Sáu kể.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xin chụp lại hình ảnh của những chiếc móc câu – phương tiện hỗ trợ “đắc lực” cho quá trình vớt xác, ông Bộ cười: “Giữ những cái đó lại làm gì. Mỗi lần vớt xong một xác người chúng tôi lại bỏ đi cùng những linh hồn ấy. Những người sau lại mua cái mới để cho họ được nhẹ nhàng ra đi mà lòng chúng tôi cũng thấy thanh thản”.
Những con thuyền vẫn dập dềnh nơi dòng sông Đáy, bóng hai con người đã ở cái tuổi thất tuần ấy đổ dài trên sông. Họ đang yên phận với tuổi già bên con cháu nhưng hễ có ai gọi đi vớt xác người, họ lại lên đường làm công việc dường như sinh ra là gắn liền với sinh mệnh của họ. Thỉnh thoảng “nhớ nghề” họ lại “nhổ neo” để bắt những con cua, con ốc, con hến… công việc mà bao năm qua họ đã làm.