Trần Ngọc Thịnh: Có thể có cướp bóc tại VN nếu thảm họa xảy ra

Thiên Di (ghi) |

(Soha.vn) - Theo Th.S Trần Ngọc Thịnh, khi người Việt phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên, sẽ xảy ra hiện tượng cướp bóc, giành giật, hỗn loạn.

LTS: Nếu một ngày, Việt Nam hứng chịu sự nổi giận khủng khiếp của thiên nhiên là sóng thần, là siêu bão như ở Nhật Bản, Philippines, thật khó đoán biết thái độ ứng phó với thảm họa của người Việt sẽ là thế nào? Cách hành xử giữa người với người trong xã hội Việt Nam hiện đại sẽ ra sao?

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Thạc sỹ Trần Ngọc Thịnh là học giả theo chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ ngành Quản lý hành chính công và quản lý phi chính phủ. Anh từng là giảng viên đại học và hiện đang làm tư vấn độc lập cho các dự án phát triển của các tổ chức quốc tế học tại Việt Nam. Hiện nay, chàng trai 8X này đang làm tư vấn một dự án cho Ngân hàng Thế giới. Mới đây, anh nổi tiếng trong cộng đồng giới trẻ bởi bản “tố cáo” sự thật về cuốn sách “Xách ba lô và đi” của Huyền Chip.

Là một người đi rất nhiều nước và am hiểu về nền văn hóa các nước khu vực châu Á, Trần Ngọc Thịnh đã có buổi chia sẻ cởi mở với chúng tôi về vấn đề này.

Thạc sỹ Trần Ngọc Thịnh bàn về cách hành xử của người Việt khi xảy ra động đất, sóng thần.
Thạc sỹ Trần Ngọc Thịnh bàn về cách hành xử của người Việt khi xảy ra động đất, sóng thần.

Hành động bản năng

- Là một người đã từng trải nghiệm thực tế cuộc sống ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia…anh có đánh giá như thế nào về cách người Philippines hành xử hậu bão Haiyan vừa qua?

Trần Ngọc Thịnh: Hậu quả của cơn bão Haiyan ở Philippines mặc dù đã có sự cảnh báo, nhưng thế giới vẫn phải bàng hoàng vì mức độ tàn phá khủng khiếp của nó. Nạn cướp bóc, giành giật, trộm cắp…đã xảy ra ở Phillipines. Cách hành xử này hết sức bản năng khi con người phải đối mặt với sự sinh tồn. Trong hoàn cảnh đó, đạo đức, cách ứng xử văn minh không phải là thứ họ ưu tiên. Những gì xảy ra ở Phillippines cũng phản ánh phần nào văn hóa của người dân họ.

- Vậy anh có dự đoán liệu ở Việt Nam, cảnh tượng đó có xảy ra hay không khi tình trạng hôi của, thái độ vô cảm diễn ra hàng ngày, hàng giờ?

Trần Ngọc Thịnh: Hãy nhớ tới câu chuyện về cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005, hay lũ lụt ở Anh năm 2007, khi đó hiện tượng hôi của hay cướp bóc cũng đã xảy ra ở Mỹ và Anh. Ở những siêu cường giàu có và văn minh như vậy, mà còn xảy ra hiện tượng đó thì việc nó xảy ra ở các quốc gia nghèo và kém văn minh hơn là chuyện dễ hiểu.

Trong thực tế, nhiều tình huống xảy ra mà con người phải đối mặt khi đó ranh giới giữa đạo đức, văn minh với hành động bản năng bị xóa nhòa đi hoặc rất mong manh. Vì vậy, nếu một trận sóng thần khủng khiếp, siêu bão có đổ bộ vào Việt Nam thì việc cướp bóc, hôi của, giành giật có thể sẽ xảy ra nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng.

Ảnh trên: Người dân sống sót sau siêu bão Haiyan ở Tacloban mang vác đồ cướp được từ siêu thị, cửa hàng. Trong khi đó, ảnh dưới người Việt chen lấn giành suất sushi miễn phí.
Ảnh trên: Người dân sống sót sau siêu bão Haiyan ở Tacloban mang vác đồ cướp được từ siêu thị, cửa hàng. Trong khi đó, ảnh dưới người Việt chen lấn giành suất sushi miễn phí.

- PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói: "Văn hóa đạo đức của người Việt đang xuống cấp trầm trọng". Theo anh gốc gác vấn đề ở đây là gì, phải chăng đồng tiền chi phối, can thiệp vào cách hành xử của người với người?

Trần Ngọc Thịnh: Tôi nghĩ rằng đạo đức và kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ở những nước tiên tiến, kinh tế phát triển, người dân có thu nhập cao, trình độ dân trí cao, đạo đức là vấn đề rất được coi trọng.

Còn ở những nước đang phát triển, dân trí còn thấp, thu nhập của người dân còn chưa cao, đạo đức không phải là thứ được coi trọng và bị chi phối rất nhiều bởi chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Ở Việt Nam, mặc dù có giáo dục đạo đức trong trường Y, nhưng hiện tượng y đức xuống cấp một phần vì cơ chế không thể tạo điều kiện cho bác sỹ có thể sống đàng hoàng với đồng lương eo hẹp của họ. Khi đó vấn đề “cơm áo gạo tiền” buộc họ phải làm những điều có thể lương tâm và đạo đức họ không thực sự cho là đúng.

Tại sao người Việt không làm được như người Nhật?

- Nói về cách ứng phó với thảm họa thiên nhiên, cả thế giới ngưỡng mộ tinh thần bình tĩnh, kiên cường và đoàn kết, lạc quan của người Nhật trong trận động đất, sóng thần năm 2011 chứ đâu có như ở Philippines. Người Nhật làm được, vậy tại sao người Việt lại không làm được như thế?

Trần Ngọc Thịnh: Tôi nghĩ rằng, người Nhật Bản làm được chính vì văn hóa của họ. Người dân được giáo dục có ý thức và kỷ cương. Hơn nữa, nước Nhật không còn quá xa lạ với các thảm họa thiên nhiên, họ đã được rèn luyện trong những hoàn cảnh như vậy. Và quan trọng nhất là chính phủ của họ phản ứng rất kịp thời sau các thảm họa, nên người dân Nhật Bản không bị đẩy vào hoàn cảnh phải cướp bóc, tranh giành của nhau để sinh tồn.

Còn ở Việt Nam, tôi hoàn toàn đồng tình với nhận xét của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái về văn hóa ứng xử của Việt Nam đang xuống cấp ở mức báo động. Văn hóa của chúng ta bây giờ có thể được mô tả bằng cụm từ “chà đạp lên nhau mà sống”.

Có thể thấy ví dụ từ ngoài đường, khi tham gia giao thông, mạnh ai người nấy chạy, chen lấn, bóp còi inh ỏi, chửi bới, thậm chí đánh giết nhau chỉ vì va chạm giao thông. Hay văn hóa xếp hàng cũng không có, vừa rồi người ta tranh giành nhau để ăn sushi miễn phí, đấy là trong lúc yên bình, thử hỏi sau thảm họa thiên nhiên sự việc sẽ hỗn loạn thế nào.

Văn hóa xếp hàng của người Nhật song trận sóng thần 2011.

Văn hóa xếp hàng của người Nhật trong trận sóng thần 2011.

- Tôi lo lắng về thảm họa mà anh nhắc đến nếu đất nước chúng ta phải đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên trong tương lai. Vậy người dân Việt Nam học được điều gì từ các nước bạn?

Trần Ngọc Thịnh: Việt Nam có bờ biển dài và thường xuyên phải hứng chịu rủi ro do thiên tai như bão, lũ lụt. Vì vậy chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả không mong muốn và đó là cái giá phải trả nếu chúng ta tiếp tục chặt phá rừng, xâm phạm đến thiên nhiên, xây dựng hồ thủy điện quá nhiều…Hiện tượng bão lũ khủng khiếp, triều cường, động đất…không phải tự nhiên mà có. Bài phát biểu gây chấn động của đại diện Phillippines vừa rồi ở hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã thức tỉnh chúng ta.

Nếu con người không thay đổi, thì trong một tương lai không xa, cảnh cướp bóc, giành giật, thậm chí giết nhau để sinh tồn sẽ xảy ra không chỉ sau khi có thiên tai, thảm họa mà cả trong hoàn cảnh bình thường khi các nguồn lực ngày càng cạn kiệt mà dân số không ngừng phát triển. Khi đó, vấn đề sẽ không chỉ còn ở một quốc gia mà có thể lan ra phạm vi toàn cầu dẫn tới một cuộc chiến tranh.

Tôi nghĩ rằng, cái mà người dân Việt Nam học được đó là sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn. Quan trọng nhất và có yếu tố quyết định là khả năng ứng phó kịp thời sau thảm họa, tránh đẩy con người vào hoàn cảnh phải lựa chọn để sinh tồn, khi đó khó kiểm soát được các hành vi không có đạo đức.

Tính cách của con người phần nhiều do giáo dục mà nên. Anh có quan điểm như thế nào về cách giáo dục đạo đức cho một đứa trẻ của người Việt và người Nhật?

Trần Ngọc Thịnh: Giáo dục sẽ quyết định phẩm chất, tư cách của một con người. Giá trị văn hóa, đạo đức của con người có được cũng là từ giáo dục. Con người không có giáo dục không có định hướng đúng và không thể trở thành người văn minh, hành xử có văn hóa. Nước Nhật có cách giáo dục con người tuyệt vời, họ tạo ra công dân có ý chí và nghị lực, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Còn ở Việt Nam, giáo dục của chúng ta đang có vấn đề. Dễ hiểu khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo gian dối trong thi cử lại bị không ít người căm ghét. Hay vụ việc, bác sỹ tố cáo nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức được khen thưởng 320,000 cho thấy xã hội mình dửng dưng trước dối trá và vấn đề đạo đức thế nào.

Vừa rồi, Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu. Tôi thấy lo lắng hơn là mừng. Bởi nếu chúng ta không lo vấn đề giáo dục cho 90 triệu con người ấy thì với nguồn tài nguyên ngày càng hạn chế, sức ép dân số và các tình trạng xã hội như: thất học, thất nghiệp, tệ nạn xã hội xảy ra…

Trân trọng cảm ơn anh!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại