GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nói: “Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia gần đây, chiều cao trung bình của nam thanh niên 22-26 tuổi ở Việt Nam là 1,642m (điều tra của Bộ Y tế là 1,644m), nữ giới là 1,534m. Nhìn ra những nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc,... chiều cao của người Việt Nam thấp nhất.
Tuy nhiên, phải nói là người Việt Nam chưa phát triển hết được tiềm năng về chiều cao, vì theo dõi trẻ có cha mẹ đều là người Việt sống ở Paris (Pháp) từ sơ sinh đến 18 tuổi thì thấy rằng chiều cao của các bạn tương đương với người Pháp. Điều đó chứng tỏ người Việt hoàn toàn có thể phát triển được chiều cao".
Theo các chuyên gia, ngoài học, trẻ còn phải được chơi để kích thích tăng trưởng chiều cao.
- Thưa ông, vì sao những thập kỷ gần đây kinh tế phát triển hơn hẳn giai đoạn trước nhưng chiều cao người Việt cải thiện không đáng kể?
- Vấn đề ở chỗ trước đây trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thời gian dài, muốn cải thiện đòi hỏi một thời gian khá lâu. Người ta vẫn nói muốn cải thiện phải chờ hai thế hệ. Muốn cải thiện chiều cao nhanh chóng, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ từng giai đoạn. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là can thiệp ở giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi.
“Sữa học đường”
Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết đang xây dựng chương trình sữa học đường để trình Chính phủ vào năm sau. Theo đó, sẽ có 400.000 trẻ nghèo, đang sống ở 62 huyện nghèo nhất nước được tham gia chương trình, trong đó các trẻ học sinh mầm non được uống 2 lần/ngày (mỗi lần 110ml sữa nước), học sinh tiểu học được uống 180ml sữa nước/ngày.
Theo dự kiến của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trước mắt chương trình kéo dài đến năm 2020 với kinh phí khoảng 210.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi các bệnh nhiễm khuẩn còn nhiều cũng ảnh hưởng đến thể lực của trẻ em. Nên song song với cải thiện chiều cao, tăng cường thể lực cho trẻ, còn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
- Muốn cải thiện chiều cao, theo ông, giải pháp nào là hợp lý với điều kiện Việt Nam hiện nay?
- Kinh nghiệm của nhiều nước là phải chú trọng dinh dưỡng từ thời kỳ bào thai. Kế đó giai đoạn 2-3 năm đầu đời là rất quan trọng đến phát triển chiều cao. Quan trọng phải cho trẻ bú sữa mẹ, sau đó thì cho ăn đa dạng, đủ chất, phòng chống thiếu sắt, thiếu vitamin và các vi chất. Về thực phẩm, vừa phải đảm bảo sạch và đa dạng. Đây là những điều kiện cần thiết để cải thiện chiều cao.
Ngoài giai đoạn trẻ 2-3 tuổi, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy có thể can thiệp ở lứa tuổi học đường và Nhật cũng xem đây là giai đoạn mấu chốt. Ở giai đoạn này, nên đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn.
Có một chương trình Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam là thiết kế thực đơn bữa ăn trường học. Ngoài ra, một chương trình cần cân nhắc là sữa học đường. Nhật Bản sau chiến tranh rất khó khăn nhưng họ cũng xây dựng chương trình sữa học đường để phát triển chiều cao trẻ em.
- Hormone tăng trưởng (GH) thường có tác dụng ở thời điểm 10g đêm trở đi, khi trẻ đã ngủ ngon. Nhưng lúc đó hầu hết học sinh Việt Nam thường vẫn đang phải học bài, chưa kể điều kiện tập luyện thể thao ở Việt Nam cũng rất hạn chế?
- Chưa có nghiên cứu nào cho rằng học sinh học nhiều sẽ ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng. Nhưng khi nói đến hormone này là nói về sự hài hòa trong chơi và học, nghỉ ngơi để đạt mục tiêu phát triển. Ngoài giờ học, trẻ phải được chơi, chơi cũng là thứ kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, thể thao có tác dụng tốt với tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là các môn như bơi lội...
Chiều cao nam, nữ thanh niên trong khu vực.
- Gần đây có những nghiên cứu cho rằng chiều cao thanh thiếu niên Việt Nam đã có cải thiện đáng kể ở thành thị. Nhưng khi khảo sát rộng thì lại cho kết quả thấp nhất khu vực. Theo ông, có phải các nghiên cứu trước đây chưa chính xác?
- Trong 2-3 thập kỷ vừa rồi, tôi có nói gia tốc phát triển chiều cao người Việt đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chiều cao có tăng nhưng không đồng đều. Ở các khu vực thành thị, thanh thiếu niên đã cao hơn thế hệ trước nhiều, nhưng các khu vực vùng núi, vùng sâu thì cải thiện không đáng kể. Chiều cao trung bình xét ở diện rộng vì thế còn hạn chế cũng thể hiện sự chưa liên tục ở chương trình dinh dưỡng và can thiệp hợp lý. Theo tôi, nếu can thiệp liên tục 20 năm nữa chiều cao trung bình của người Việt sẽ đạt mức của Hàn Quốc hiện tại.