Anh Trí kể, ngay từ nhỏ, anh đã có ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy. Trong số 10 anh chị em, anh là người có "máu" sáng tạo nhất. Anh đã tạo ra những đồ chơi yêu thích từ các thiết bị điện tử cũ. Nhưng cũng vì nhà đông con nên cha mẹ đã không thể giúp cho anh thực thiện được ước mơ của mình.
“Cố gắng lắm bố mẹ mới cho tôi học hết cấp ba. Nghỉ học rồi tôi ra ngoài bươn chải, và tôi đã chọn nghề đi lùng mua xe máy cũ, hư đem về sửa lại rồi bán kiếm lời. Mà thời kỳ đó, chiếc nào chiếc nấy chạy cứ tì tạch do bị mòn cam, cò nhưng không có phụ tùng thay thế. Để sửa "bệnh" này, các thợ sửa xe chỉ có thể mài bằng tay, độ và chế lại để dùng tạm một thời gian.
Tức mình, tôi đã quyết định phải sửa dứt điểm căn bệnh này, mà mình có biết tý gì về chế tạo cơ khí đâu. Nên tôi đã đi mua sách về nghiên cứu. Sau vài tháng miệt mài chế tạo, thử nghiệm, tôi đã chế tạo thành công máy mài cam, cò có độ chính xác cao. Cũng nhờ đó, gia đình tôi phất lên và nhà cửa cũng khang trang hơn”, anh Trí cười kể lại.
Anh Trí cũng đã từng bị bạn bè gọi là "khùng" vì ý định chế tạo thiết bị đóng mở cửa bằng sóng vô tuyến, vì thời điểm ấy (khoảng những năm 80), chuyện này chỉ có trên phim ảnh viễn tưởng của Mỹ. Nhưng nói là làm, sau thời gian tự nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công cánh cửa đóng mở bằng bộ điều khiển từ xa. Thiết bị này anh chỉ để sử dụng trong gia đình chứ không bán ra ngoài.
Ô tô biết... "bơi"
Sản phẩm tiếp đó của anh là máy đo thị lực "made in Nguyễn Ngọc Trí", đã ra đời vào năm 1993. Anh Trí kể, vào năm 1992, một người bạn kinh doanh mắt kính rủ anh đi TP.HCM mua máy đo thị lực. Đến nơi, hai người mới tá hỏa khi biết chiếc máy có giá đến 8.000 USD, do Nhật sản xuất. "Thấy đắt quá nên tôi đã hứa với bạn là sẽ làm một cái tương tự, mặc dù chưa biết gì về cơ chế hoạt động của nó", anh Trí kể.
Một năm sau, nó đã được hoàn thành và rất phù hợp với vóc dáng người Việt. Ngoài việc đẹp, tinh xảo, chiếc máy còn hoạt động hiệu quả hơn với nút bấm nâng mặt bàn lên xuống bằng bộ vi mạch tự động ngắt điều khiển, trong khi máy của Nhật thì điều khiển nút bấm bằng tay. Quan trọng hơn là nó có giá rẻ hơn 10 lần máy của Nhật.
Khi có vốn trong tay, anh Trí mua đất mở quán cà phê và xây một nhà xưởng để tiếp tục thực hiện ước mơ chế tạo của mình. Từ đây, xe ô tô vừa có thể đi trên bờ, lại vừa bơi được dưới nước đã ra đời. Chiếc xe có độ dài 4,52 m, ngang 1,62 m, cao 1,55 m. Tốc độ tối đa trên đường bộ 120 km/giờ, tốc độ tối đa dưới đường thủy 34 km/giờ. Mức tiêu hao nhiên liệu đường bộ 6 lít/100km, đường thủy 12 lít/100km.
Suốt 11 năm, từ khi việc kinh doanh quán đi vào ổn định, anh Trí để cho vợ quản lý việc buôn bán, còn mình tập trung vào việc chế tạo ô tô lội nước. Tiền lãi từ quán cà phê anh đều dồn hết vào việc mua thiết bị, chế tạo.
Tiền đầu tư vào chiếc xe này đã mất khoảng 700 triệu đồng, nên quán cafe của anh chị đã không thể cáng đáng nổi, do họ còn phải đầu tư tiền bạc cho con trai duy nhất của anh bước vào trung học phổ thông. Thế là anh đành trùm mền chiếc xe lội nước để chờ kinh phí tiếp tục hoàn thiện phần “chiếc áo” cho xe bắt mắt hơn.
Anh rất tâm đắc với chiếc xe ô tô lội nước này và mong muốn có một nhà tài trợ để sớm hoàn thiện phần cuối cùng. Đầu năm 2012, chiếc xe đã được anh chạy thử nghiệm trong một doanh trại quân đội và rất thành công.
Anh Trí cho biết: “Tôi không sáng chế vì mục đích kinh doanh. Tôi sáng chế vì niềm đam mê của mình. Nên có người đã trả giá mua chỉ riêng cái ống xả đặc biệt (được thiết kế duỗi cao về phía sau đuôi xe, có thể phụt lửa, khói và tiếng gầm rú) đã hơn 100 triệu đồng nhưng tôi dứt khoát không bán".
Hiện, anh Trí rất mong muốn có một nhà tài trợ để sớm hoàn thiện phần cuối cùng của chiếc xe lạ đời này. Rút kinh nghiệm từ sản phẩm máy đo thị lực trước, anh Trí cho biết, sắp tới anh sẽ tới văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM để tìm hiểu và tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo về mặt lợi ích của mình sau này.