Săn tìm học bổng trên mạng, tình cờ bắt gặp thông báo tuyển giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên thực tập tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Mỹ của Tập đoàn HoneyWell, cô giáo Nguyễn Thị Phương Giang, giáo viên toán của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), nộp hồ sơ, dự phỏng vấn rồi được chấp nhận và trở thành cô giáo Việt đầu tiên đặt chân đến đó.
Nguyễn Thị Phương Giang (thứ hai từ phải qua) cùng nhóm thực tập và các chuyên gia tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Toát mồ hôi
Trong nhóm thực tập có 210 giáo viên giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên từ lớp 4 trở lên ở 27 nước và các bang của Mỹ. Theo cô Giang, tất cả mọi người đều choáng ngợp khi đặt chân vào trung tâm này. Năm ngày ở đây là khoảng thời gian trải nghiệm thú vị mà cô chưa từng trải qua.
Trong khóa học 45 giờ, các học viên trải qua 4 học phần: Mô phỏng máy bay phản lực hiệu suất cao, nhiệm vụ vũ trụ giả định, đào tạo sinh tồn trên mặt đất và trong môi trường nước, chương trình động lực học tương tác. Mỗi học phần đều có lý thuyết và thực hành nhưng chủ yếu là thực hành.
“Khi đề cập đến tên lửa, trên thiết bị mô phỏng sẵn có, chúng tôi phải lắp ráp tên lửa rồi tự mang ra bệ phóng, sau đó điều khiển để phóng lên bầu trời. Nhiều học viên đã lớn tuổi nhưng khi thấy thành quả học tập của mình là 1 quả tên lửa xé gió vút bay lên, đã reo hò như trẻ nhỏ” - cô giáo Giang kể.
Nhiều trường hợp giả định đã từng nghe nhưng không dễ thực thi trong điều kiện mô phỏng của vũ trụ. Cô giáo Giang nhớ khi học đến học phần nhiệm vụ vũ trụ giả định, nhiệm vụ của nhóm 8 người có cô là lắp ráp một trạm vũ trụ trên không gian trong điều kiện không có trọng lực. Chỉ mang 1 thanh kim loại từ bên này lắp vào bên kia cách vài bước chân nhưng cô cứ loay hoay, đầu lộn ngược. Dù đã cố hết sức nhoài người để với tới thanh kim loại nhưng phải mất một thời gian lâu mới lắp xong.
Nhưng điều cô giáo trẻ này “sợ” nhất là cách đào tạo sinh tồn ở đây. Tưởng như chỉ là trò chơi nhưng lại thử sức đến rợn người. “Chúng tôi được đưa vào thiết bị mô phỏng tên lửa, rồi giảng viên bấm nút, bay vút lên như không có điểm dừng. Rồi bất ngờ như rơi tự do. Phải 3 vòng như thế rồi lại được đưa vào một thiết bị xoay lộn ngược. Máy chạy, chúng tôi xoay như chong chóng. Khi bước ra, ai nấy mặt mày cắt không còn giọt máu” - cô giáo Giang chia sẻ.
Giúp học sinh thêm yêu khoa học
Theo cô giáo Giang, nhiều điều tưởng như không thể nhưng khi được hướng dẫn và trải nghiệm tại trung tâm này lại hóa ra giản đơn.
Một trong những tình huống giả định mà nhóm của cô thực hiện là việc bảo vệ mạng sống của phi hành gia trong điều kiện nhiệt độ cao. Một quả trứng được đưa ra tượng trưng cho phi hành gia, đặt cạnh nguồn nhiệt có nhiệt độ lên đến 8000C. Nhiệm vụ của nhóm là dựa trên những thiết bị đơn giản có sẵn để bảo vệ quả trứng. Với sự hướng dẫn của các chuyên gia, trong đó có cả chính các phi hành gia của Mỹ, nhóm của cô đã lắp giấy bạc, miếng nhôm mỏng cùng với gỗ, thạch cao thành tấm cách nhiệt để bảo vệ quả trứng an toàn.
Điều mà hiện nay cô giáo trẻ tốt nghiệp ĐH chuyên ngành giáo dục - phương pháp sư phạm toán này băn khoăn là niềm đam mê, sáng tạo của nhiều học sinh học môn toán gần như bị “tê liệt”. Làm thế nào để tạo được sức hấp dẫn cho học sinh khi học môn toán chính là điều trăn trở của cô. Và đây cũng là quan điểm của Tập đoàn HoneyWell - là giáo viên phải là người truyền cảm hứng cho học sinh trong nhóm các giải pháp cộng đồng mà tập đoàn này đưa ra, trong đó có chương trình thực tập cho giáo viên tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Mỹ.
Chương trình thực tập tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Mỹ được Tập đoàn HoneyWell triển khai từ năm 2004 đến nay, mỗi năm có khoảng 200 giáo viên giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên tham gia và được tập đoàn tài trợ toàn bộ chi phí. Để tham gia các khóa thực tập này, giáo viên cần có sức khỏe và vốn