Những cuộc hành quân đường biển cùng tàu không số
Sắp bước sang tuổi 70, là thương binh hạng 4/4 nhưng ông Tân vẫn tham gia nhiệt tình các phong trào của tổ dân phố 18, phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội). Trong từng bước đi, từng phong trào mà người Tổ phó tổ 18 ấy tham gia đều có sự đồng hành của những đồng đội năm xưa, những người đã hóa thân mình vào dòng nước lạnh để giữ quân mật.
Lật giở những bức ảnh chụp cùng đồng đội trong dịp kỉ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Tân như sống lại những phút giây vui có, buồn có, gian khổ có nhưng cũng nhiều vinh quang trong những năm tháng ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1968, ông tốt nghiệp trường Trung cấp sửa chữa ô tô và vận hành máy nổ. Trong thời gian chờ phân công công việc, ông Tân được chuyển về phục vụ quân đội theo tiếng gọi cứu nước. Sau thời gian huấn luyện tại Hạ Long (Quảng Ninh) với các kĩ thuật bơi, chạy… ông Tân trở thành thành viên của trung đoàn 125.
Với tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”, ông đón nhận nhiệm vụ mới với niềm hăng say của tuổi trẻ mà không biết rằng mình đã trở thành “tân binh” của đoàn tàu không số.
Khi được học những kỉ luật khắt khe, được nghe giới thiệu về cách giữ an toàn, bí mật cho đoàn tàu không số tại K35 (Đồ Sơn, Hải Phòng), được khoác trên mình chiếc áo lính, anh chàng “tân binh” ấy càng phấn khởi và hăng hái đón nhận nhiệm vụ mới.
Sau lễ “truy điệu sống” tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gửi lại mọi tư trang, chỉ khoác trên mình chiếc áo của ngư dân, các chiến sĩ “cảm tử” cùng với vũ khí, thuốc nổ, lương thực dự trữ lên đường với tinh thần “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.
Đi tới hải phận của từng nước, các chiến sĩ tàu không số lại kéo cờ của nước đó lên để “ngụy trang”. Và giữa trùng khơi, nếu tàu gặp sự cố, các chiến sĩ như ông Tân cũng chỉ biết thả trôi con tàu đợi sửa chữa cùng với niềm hi vọng tàu không va chạm với tàu địch.
“Trong trường hợp xấu nhất, trong lúc “tiến thoái lưỡng nan” đó mà bị địch phát hiện, nếu gần bờ thì sẽ chỉ cắm chốt lại đồng chí thuyền trưởng và thuyền phó, còn nếu xa bờ thì anh em chúng tôi quyết “cảm tử” cùng quân thù”, ông Tân chia sẻ.
Là thợ máy, vị trí của ông Tân luôn ở dưới mực nước biển. Đây là bộ phận được coi là “cột sống” của mỗi con tàu nhưng cũng dễ bị say sóng nhất. Vì không chỉ có sóng biển họ còn phải đối diện với mùi xăng dầu.
“Không say gì bằng say sóng. Có những lúc say quá úp vội mặt xuống giường rồi bao nhiêu thứ trong bụng cho ra hết. Khó khăn, gian khổ thì nhiều lắm nhưng mỗi người chúng tôi đều chôn chặt trong lòng vì tiếng gọi cứu nước luôn đặt lên hàng đầu”, ông Tân chia sẻ.
Đồ ăn mang theo chỉ có rau xanh, lương khô, mì bột đủ cho một tuần mà họ phải lênh đênh trên biển hơn 20 ngày. Miếng cơm cũng “chín sáu ba không” vì cứ đang nấu sóng biển lại “gào” lên làm tắt bếp, nước ngọt thì chia nhau từng ngụm...
Kỉ niệm về hai lần thoát chết được tái hiện sau gần 40 năm
Trong giây phút nghẹn ngào, ông Tân kể tôi nghe về những kỉ niệm đi cùng ông suốt những năm tháng của cuộc đời. Kỉ niệm về hai lần thoát chết trong những lần ông vận hành máy mà phải mãi gần 40 năm sau, ông mới biết tường tận sự việc.
Tháng 9/1970, tàu Nhật Lệ 69 trọng tải 200 tấn do đồng chí Phan Văn Sả làm thuyền trưởng cùng 17 thủy thủ, trong đó có người thanh niên Nguyễn Duy Tân, rời bến. Khi tàu vào gần tới bến ở tỉnh Cà Mau thì bị địch phát hiện. Nhiệm vụ chưa hoàn thành, tàu phải quay ra Bắc, neo tại Hạ Long để mọi người nghỉ ngơi và tu sửa tàu.
Sau một tuần ở lại bến Hạ Long, ông Tân nhận nhiệm vụ mới với vai trò máy trưởng tàu Nhật Lệ 43 và sang Trung Quốc bốc hàng. Người bạn thân của ông Tân là Nguyễn Như Hùng (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) xuống tàu Nhật Lệ 69 thay vị trí thợ máy của ông Tân. Ngày 11/4/1971, Nhật Lệ 69 tiếp tục cuộc hành trình vào Cà Mau dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Sả.
Nhưng con tàu ấy đã bị địch phát hiện trên đường hành quân. Đồng đội của ông đã hi sinh vì màu cờ của Tổ quốc. Gạt những giọt nước mắt khóc thương đồng đội để tiếp tục nhiệm vụ của mình, ông Tân không hề hay biết, đó chính là con tàu mà lẽ ra mình phải cùng mọi người rời bến.
“Tàu không số là thế. Chỉ biết có tàu bị tấn công, có đồng đội mình hi sinh nhưng lại không biết cụ thể đó là con tàu nào. Vì bí mật chính là yếu tố quyết định thắng lợi của đoàn tàu không số”, đôi mắt đỏ hoe, ông Tân cứ để dòng kí ức của mình chảy về cùng năm tháng đã qua.
Sự thật đó mãi tới năm 2007, khi ông được xem cuốn sổ vàng ghi lại danh sách những chiến sĩ tàu không số đã hi sinh, ông mới tường tận trước sự cảm tử của những chiến sĩ trên con tàu Nhật Lệ 69 trong đó có người bạn tên Hùng đã xuống tàu thay mình năm xưa. Chính bản thân ông cũng ngỡ ngàng trước sự thật của gần 40 năm trước.
Đó là lần thoát chết thứ nhất. Ông dừng lại đôi ba phút, tiếng thở dài buông vào khoảng không tĩnh lặng. Bất chợt ông khóc...
Sau khi rời tàu Nhật Lệ 69, ông Tân được điều sang làm máy trưởng trên những chuyến tàu đường ngắn có nhiệm vụ rà phá thủy lôi từ Cửa Việt ra tới phao số 0. Trong một chuyến đi từ Vĩnh Linh ra Hải Phòng, tàu ông vướng thủy lôi bị nổ, tàu gãy, bản thân ông bị thương, nằm bất động dưới boong tàu.
Trên tàu phát tín hiệu pháo hoa cấp cứu, ông cùng đồng đội của mình được kéo ra khỏi khoang máy, đưa lên bờ và cấp cứu tại viện 15/8 của Quân chủng phòng không, người cụt chân, cụt tay, có người bị thương ở đầu. Còn con tàu được trục vớt lên bờ và trở thành một trong những chứng tích về chiến công hào hùng của những người lính “cảm tử”.
Khi được đài truyền hình mời đi quay phim tại Hạ Long (cuối năm 2010), ông mới có dịp được gặp lại người thuyền trưởng Lê Hùng Chuyên và nghe kể tường tận về sự việc sau khi tàu ông gặp sức ép thủy lôi. Những chi tiết ấy, ông đã tưởng sẽ mãi chôn sâu cùng biển cả, nhưng hôm nay sau gần 40 năm ông đã được nghe đồng đội mình kể lại. Xúc động, ông ôm đồng đội mình mà không ngăn được những giọt nước mắt.
Trong ngôi nhà trên đường Nguyễn Khuyến, ông Tân luôn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội vì có một gia đình viên mãn cùng những người con thành đạt và những đứa cháu ngoan. 172 đồng đội của đoàn 125 đã hi sinh, có người mãi mãi ở lại cùng biển khơi và sóng nước, có người sống nhưng suốt đời mang trên mình những “vết sẹo” mà di chứng chiến tranh để lại… Họ trở thành những biểu tượng bất tử trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại và viết nên những nốt nhạc vang mãi cùng thời gian.
Trong giấc mơ của người thương binh Nguyễn Duy Tân là những ấp ủ một ngày nào đó trở lại chiến trường xưa để tìm lại những di vật của đồng đội. Và cùng ban liên lạc đoàn tàu không số lập quỹ tiết kiệm giúp đỡ gia đình đồng đội còn khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.