Người thổi bay nọc rắn độc

Linh Nhi |

Bài “mằn” chữa rắn độc cắn đã được lưu truyền qua nhiều năm ở xứ Mường.

Anh Quách Tấn Vở, Trưởng bản Yên Tân, xã Lạc Lương, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) là đệ tử chân truyền của bài mẹo độc đáo này. Không chỉ chữa cho người, anh còn chữa rắn cắn cho gia súc rất hiệu quả.

Ân nhân của nhiều người

Vợ chồng anh Mùi Văn Huế ở bản Yên Tân, xã Lạc Lương vừa mổ lợn mời cả bản đến ăn mừng anh chị chuyển về nhà mới.

Bà con lối xóm đến chia vui như nhân thêm niềm hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Anh Huế - một thanh niên chịu thương, chịu khó đã tích lũy được tiền xây được cơ ngơi riêng cho mình.

“Không có ơn cứu mạng của anh Vở, tôi không có được ngày hôm nay”, anh Huế bùi ngùi nói.

Anh Huế vốn là thợ bắt rắn có hạng. Một lần vì chủ quan mà anh bị rắn độc cắn, người tím tái, gia đình tưởng anh đã theo về với tổ tiên. Nhưng, chỉ qua bài “mằn” của anh Vở mà anh Huế sống mạnh khỏe đến hôm nay.

Không riêng gì trường hợp của anh Huế, nhiều người khác trong xã Lạc Lương cũng được anh Vở cứu sống một cách thần kì. Ông Bùi Thanh Đón, nguyên Chủ tịch UBND xã Lạc Lương, cũng coi anh Vở là ân nhân cứu mạng.

Anh Huế thoát chết một cách thần kì
Anh Huế thoát chết một cách thần kì

“Bài thổi này lạ lắm. Vốn là cán bộ xã, tôi luôn vận động bà con, nếu bị bệnh nên ra trạm y tế xã hoặc đến bệnh viện khám chữa, bệnh.

Nếu không trải qua kiếp nạn này, chắc chẳng bao giờ tôi tin ở xứ Mường có những bài chữa mẹo hiệu quả đến thế”, ông Đón cho biết.

“Bà đỡ” mát tay cho  gia súc

Không chỉ thổi bay nọc rắn độc, anh Quách Tấn Vở còn là “bà đỡ” mát tay cho đàn gia súc. Cứ trâu, bò, dê của gia đình nào trong bản khó đẻ là họ lại tìm đến ông trưởng bản cầu cứu.

Bà con ở Lạc Lương luôn coi anh Vở là "bác sĩ thú y” cho đàn gia súc của gia đình. Với bà con người Mường, con trâu là đầu cơ nghiệp.

Nó giúp bà con cày bừa ruộng nương và cũng là khoản tiết kiệm bỏ ống. Nhà nào cũng có vài con trâu, con bò thả trong rừng. Lúc nào cần công to việc lớn, bán đi một con là có tiền tiêu rủng rỉnh. Tuy nhiên, trong rừng có nhiều mối hiểm nguy.

Trâu, bò thường xuyên bị rắn cắn. Từ nhiều đời nay, gia đình anh Vở truyền nhau làm bác sĩ thú y chữa trị cho đàn gia súc trong bản.

Gia đình bà Bùi Thị Hồng nuôi trâu, bò có tiếng ở Lạc Lương. Bà có đàn trâu béo tốt nhất bản. Trong đàn có một con trâu cái rất mắn đẻ.

Nó đã sống được hơn chục năm. Bà Hồng kể, con trâu này đã bị rắn cắn 2 lần. Nó sống được đến ngày hôm nay cũng nhờ tài năng của anh Vở.

Bà Hồng kể, cách đây mấy hôm bà đi tìm đàn trâu bên bìa rừng. Khi đến nơi, bà  sững sờ khi phát hiện con trâu cái của gia đình đang nằm thoi thóp bên đám cây bụi.

Cái bụng nó trương phềnh như cái trống. Mắt nó trợn ngược. Nó đứng không được mà nằm cũng không xong. Bà vội chạy về bản đón anh Vở vào rừng cứu trâu.

Bỏ dở việc nhà, anh Vở vội theo bà Hồng đi cứu trâu. Giữa rừng thẳm, anh chặt cái ống nứa dài khoảng 30cm. Sau đó anh lẩm nhẩm đọc bài thần chú rồi dùng chiếc ống nứa thổi vào mồm con trâu.

Bà Hồng đứng bên cạnh mắt đỏ hoe, bà lo rằng, con trâu này mà chết là mất cả đống tiền.

Tựa như có một phép màu, chỉ lát sau, con trâu của bà Hồng cử động.

“Thế nó đã khỏi chưa hả trưởng bản?”, bà Hồng còn hỏi lại anh Vở cho chắc ăn. Anh Vở nở nụ cười hiền hậu: “Bà yên tâm. Nó đã đứng dậy được là nọc độc đã được hóa giải”.

Con trâu cái này của nhà bà Hồng đã 2 lần được anh Vở cứu sống. Chẳng thế mà ngày lễ, ngày Tết bà Hồng thường mang rượu, mang gà lên cám ơn anh Vở.

Đến giờ anh Vở cũng không nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu con trâu cho bà con trong xã nữa.

Anh Vở còn là người đỡ đẻ mát tay cho gia súc của bản. Chuyện này được chính quyền xã xác nhận. Cách làm cho trâu, bò dễ đẻ có khác đôi chút so với bài thổi chữa rắn cắn.

Cứ gia đình nào có trâu, bò khó đẻ là họ lại gọi anh Vở đến. Giống như một người phục vụ tận tụy, chẳng bao giờ anh Vở từ chối giúp bà con.

Phương pháp đỡ đẻ cho gia súc đối với anh Vở đơn giản. Anh “mằn” vào một bát nước, sau đó cho trâu, bò uống. Tiếp đó, anh dùng cái chổi quét lên lưng trâu, bò vài lần.

Tựa như được tiếp sức, đám gia súc đẻ được ngay. “Những con trâu, con bò sau khi đẻ bị sót nhau, tôi cũng phải đến để giúp bà con”, anh Vở cho biết. Tiếng lành đồn xa, những xã xung quanh hễ phát hiện đám gia súc khó đẻ là họ tìm đến anh Vở.

Bí ẩn việc truyền nghề

Cách chữa rắn độc cắn cho người và gia súc vô cùng độc đáo của anh Vở đã được dòng họ Quách nơi đây lưu truyền từ nhiều đời nay. Bản thân anh Vở cũng không hiểu sao mình chỉ làm đơn giản như thế mà nọc độc rắn tan biến.

Anh Vở đã cứu sống nhiều người bị rắn độc cắn
Anh Vở đã cứu sống nhiều người bị rắn độc cắn

Anh Vở kể, bố anh là cụ Quách Tấn Bin (mất cách đây 4 năm) được các cụ ngày trước truyền lại. Theo lệ, anh Vở là người có đủ đức, tài để kế nghiệp bài “mằn” độc đáo của dòng họ Quách.

“Nếu anh không lấy vợ thì lấy ai kế nghiệp bài “mằn”?, nghe tôi hỏi vậy, anh Vở không lấy làm sốt sắng. Anh bảo: Bài “mằn” này độc đáo lắm, nó tự tìm người kế nghiệp, chứ tôi cũng không tìm được. Nó tìm ai, đến khi nào đủ duyên khắc người đó sẽ xuất hiện. Ngay bản thân tôi, cũng không quyết định được việc đó.

Theo anh Vở, chỉ những người có đức độ, tâm tính thương người và các loài vật mới được truyền lại bài “mằn” độc đáo này.

Bài “mằn” này có khoảng 20 bài thần chú, người học khoảng 1 tuần là thuộc nằm lòng. Tùy theo các loại bệnh mà đọc các bài “mằn” tương ứng.

Riêng anh Vở là trường hợp cá biệt, chỉ mất 3 đêm để học trọn bộ “bí kíp” của bài “mằn” này.

Nắm trong tay bí quyết của dòng tộc nhưng chưa bao giờ anh Vở coi công việc này để kiếm tiền. Anh Vở kể, năm anh lên 28 tuổi là đủ điều kiện để truyền bí kíp. Vào một đêm trăng sáng, khi cả xứ Mường đã yên vào giấc ngủ, bố anh đã gọi anh dậy để truyền nghề.

Bố của anh Vở kể rằng, như phúc phận của đời trước để lại, dòng họ Quách nhà ta được trời ban cho bài “mằn”.

Giờ bố đã già, trong số 6 người con của gia đình, bố coi con là người có đức độ nhất để truyền lại bài “mằn” này. Bố mong con hãy vì lợi ích chung của dân bản mà hành nghề, chứ không nên coi cái mẹo này là cách kiếm sống.

Đến giờ anh Vở cũng không hiểu làm cách gì mà mình có thể học được mấy chục bài “mằn” nhanh một cách đáng kinh ngạc.

Bố anh đọc ra bài nào là anh lĩnh hội được bài đó. Sau 3 đêm "dùi mài kinh sử", anh Vở đã “tốt nghiệp” khóa học một cách xuất sắc.

Từ ngày bố khuất núi, anh Vở thay ông làm bác sĩ thú y cho cả bản. Năm nay đã bước sang tuổi 40, nhưng anh Vở chưa lấy vợ. Hiện anh đang ở cùng người em trai kém mình 6 tuổi cũng chưa lập gia đình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại