“Người rừng” ở Hòa Bình từng bị bắn xuyên phổi

Thời gian qua, nhiều tờ báo đã đưa tin về một “người rừng” ở Hòa Bình gây xôn xao dư luận, đặc biệt có những câu chuyện cho rằng: “người rừng” từng giết hổ, đánh cướp cứu người...

Nhằm xác minh tính trung thực của thông tin trên, trung tuần tháng 7 vừa qua nhóm PV chúng tôi đã có dịp mục sở thị “người rừng” và tại đây nhiều sự thật đã dần được hé lộ...

40 năm tách biệt với cuộc sống con người

Giữa tháng 7, từ Hà Nội vượt qua hơn 90 km đường nhựa và 40 cây số đường đất chúng tôi có mặt tại bản Oi Nọi, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).

Qua những câu chuyện kể thu thập được từ bà con dân bản, hóa ra “người rừng” có tên thật là Bùi Văn Toán, hay còn gọi là Út Toán, sinh năm 1951, từng là bộ đội đặc công chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ năm 1969 đến năm 1975, ông Toán là con út trong gia đình có 5 anh chị em.

Một số người già trong bản nhớ lại: Thằng Út Toán cái bụng nó tốt, chăm chỉ như con ong, ai cũng yêu quí nó! Đất nước có chiến tranh, như bao chàng trai khác Út Toán từ biệt gia đình và người vợ trẻ để lên đường tòng quân.

Cuộc sống của ông Bùi Văn Toán trong rừng

Vượt qua mưa bom, bão đạn, 6 năm vào sinh ra tử nơi trận mạc có những lúc ông Toán đã cận kề với cái chết khi bị một mảnh đạn xuyên qua phổi hay lạc vào ổ phục kích của địch, rồi hòa bình lập lại ông Toán háo hức xuất ngũ trở về quê với bao nỗi nhớ nhung, nơi có người vợ trẻ cùng cha mẹ già đang ngày đêm mong đợi.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, ngày về quê cũng là ngày bao nỗi đau buồn ập xuống đầu ông, cha mẹ ông đã mất còn vợ thì đi theo một người đàn ông khác, căm hận hơn khi người tình của vợ lại chính là bạn thân của ông từ thủa nối khố. Quá đau khổ và thất vọng, Út Toán chán chường bỏ vào rừng sống, cho đến giờ đã ngót nghét 40 năm Bùi Văn Toán tách biệt với cuộc sống con người.

Được sự giúp đỡ của một số thanh niên trong bản, chúng tôi tiến hành mục kích “người rừng”. Oi Nọi mới trải qua một trận mưa giông nên đường rất trơn và lầy lội, cánh rừng trước mắt toát lên cảnh sắc âm u, tĩnh mịch gây cảm giác nao nao cho mọi người.

Để đến được nơi trú ẩn của “người rừng” chúng tôi phải vượt qua hơn 4km trèo đèo, lội suối, vượt qua những con dốc dựng đứng trơn trượt, có những lúc đoàn người phải bám chặt vào nhau nhích đi từng bước một. Sau 3 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng đến được vị trí được xác định là nơi “người rừng” sinh sống.

Ngỡ ngàng khi “căn nhà” của “người rừng” lộ diện, đó là một hốc đá nhỏ, nằm vắt ngang núi, sâu 3m, rộng độ 5m, phần đa các phiến đá đều đen đúa bởi bồ hóng. Bên trong hốc đá được kê hai tấm gỗ vừa khít lưng người nằm, phía trên được che tạm bợ bởi vài tấm lá chuối đã khô héo.

Nhìn quanh tài sản của “người rừng” không có gì là đáng giá ngoài vài thứ chai lọ, nồi niêu,... Bỗng chốc từ trên vách đá cao một người đàn ông thoăn thoắt bước xuống... đó chính là “người rừng” Bùi Văn Toán!

Không có chuyện “người rừng” giết hổ hay đánh cướp...

Trái với những gì chúng tôi tưởng tượng, người đàn ông rừng rú kia có khuôn mặt hiền lành, đôi mắt sâu u buồn, thân hình gầy guộc, đôi bàn tay thô ráp, sần sùi, nước da đen sạm vì nắng gió, ông khoác trên mình chiếc áo đã cũ kĩ, khét đặc mùi mồ hôi và bụi đất.

Sau những lời giới thiệu bằng tiếng Mường từ người đàn ông bản xứ, “người rừng” nhìn chúng tôi dò xét, phải mất một lúc lâu giữa chúng tôi với “người rừng” mới bắt đầu có cuộc chuyện xã giao: Bác ở đây lâu chưa? Lâu rồi! Mùa đông bác có bị lạnh không? Có lạnh nhưng quen rồi! Bác sống ở đây một mình có buồn không? Buồn, nhưng quen rồi! Sống ở đây bác ăn uống cái gì? Ăn rau rừng, ăn măng, ăn lá sắn,...

Câu chuyện cứ dần dà “người rừng” đã bắt đầu thân thiện hơn, hóa ra những câu chuyện về “người rừng” đã từng chiến đấu giết hổ hay đánh cướp là không có thật! Chia sẻ về những khó khăn vất vả khi sống nơi rừng hoang nước độc ông Toán cho biết cái đói, cái lạnh là hai yếu tố ông phải thường xuyên chống chọi.

Có những thời điểm ông nhịn đói cả tuần, bữa ăn qua ngày chỉ là măng luộc và rau rừng, ngày nào may mắn bẫy được con sóc, con nhím thì đem xuống bản để đổi muối hoặc gạo.

Bẫy thú rừng cũng là nguồn sống duy nhất của Út Toán, vì thế con dao quắm là tài sản quý giá nhất của ông, chúng tôi đã lạnh gáy, nổi da gà khi nghe ông kể về một lần bắt rắn hổ mang và bị cắn, do nọc độc phát tác quá nhanh nên toàn bộ cánh tay dưới bên trái của ông Toán bị hoại tử, không có thuốc men cứu chữa ông đã phải buộc miệng lấy dao gọt phần thịt thối đã chết trên cánh tay... rồi sau đó dùng các bài thuốc từ lá rừng bó lại, nhiều thời gian sau đó cánh tay bị rắn cắn đã lành, nhưng để lại những vùng sẹo nham nhở, xấu xí...

Rồi một lần khác, do mải mê đuổi theo sóc rừng, ông Toán đã ngã từ trên vách đá cao gãy 3 xương sườn, phải mất hơn một ngày ông mới lết được về tới hang, sau lần dùng dao gọt thịt cảm giác đau đớn như bị chai lì trong ông, Út Toán lại một mình tự dùng cành cây để nẹp, tự dùng lá rừng làm thuốc đắp vào chỗ xương sườn bị gẫy, và rồi vết thương đó cũng khỏi.

Bây giờ Út Toán đã không còn vất vả như xưa, từ ngày nuôi được mấy tổ ong ruồi lấy mật, hay đôi gà đẻ trứng ông cũng có chút “vốn liếng” để thi thoảng xuống bản đổi lấy những vật dụng cần thiết cho mình.

Cuộc gặp mặt sau 40 năm...

Ông Ngô Xuân Tự, một cựu chiến binh trú tại quận Long Biên, HN cũng từng là bộ đội đặc công chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1975, sau khi tình cờ nghe được những thông tin về “người rừng” trên báo chí, linh tính như mách bảo ông về một người đồng đội năm xưa đã cùng mình chiến đấu, không một phút do dự ông Tự lập tức lên đường, vượt đường sá xa xôi đến bản Oi Nọi tìm gặp “người rừng”.

Giây phút gặp mặt cũng là khoảnh khắc đầy cảm động giữa hai người lính, họ ôm chầm lấy nhau khóc, khóc cho sự gặp mặt không chờ đợi này và khóc cho hoàn cảnh mà người đồng chí đồng đội gặp lại nhau sau hàng chục năm đã qua chiến tranh, đã qua mất mát lại ở giữa nơi rừng núi hoang vu này.

Ông Ngô Xuân Tự và ông Bùi Văn Toán ngày gặp lại

Ông Tự cho biết, thời gian ở Quảng Trị ông là đại đội trưởng, đại đội đặc công và Toán là chiến sỹ của đại đội ông, “Tôi tưởng cậu ta đã chết vì lần bị đạn địch bắn xuyên qua phổi rồi, sau khi chuyển cậu ấy ra tuyến sau, chúng tôi không gặp lại nhau vì sau trận đánh đơn vị tiếp tục hành quân đi làm nhiệm vụ mới” - vừa nói ông Tự vừa lật lưng áo chỉ vào vết sẹo còn hằn rõ trên lưng “người rừng”.

Sau nhiều lần thuyết phục, “người rừng” Bùi Văn Toán đã đồng ý xuống núi với ông Tự, “chúng tôi đã hy sinh mất mát quá nhiều rồi, tôi không thể để đồng đội của tôi sống mãi như thế này được..” ông Tự cho biết sẽ đón “người rừng” Bùi Văn Toán về sống tại nhà mình một thời gian, sau khi quen dần với cuộc sống mới sẽ liên hệ các trung tâm bảo trợ xã hội, nhân đạo tìm việc làm cũng như bảo trợ cuộc sống mới cho ông Toán.

Ông trời như hiểu lòng người, cựu nhà giáo Trần Duyên Hải hiện là Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo & tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (thuộc T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) sau khi nghe một người bạn tâm giao kể lại câu chuyện xúc động về “người rừng”, trưa ngày 27/7 ông đã trực tiếp tìm đến ông Ngô Xuân Tự đề nghị được bảo trợ cho Út Toán.

Chia sẻ với phóng viên, nhà giáo Hải cho biết: Trung tâm chúng tôi là một địa chỉ dành cho những hoàn cảnh khó khăn, là mái nhà chung cho những cuộc đời bất hạnh. Chúng tôi muốn đón Út Toán về để bước đầu giúp đỡ người cựu chiến binh này ổn định cuộc sống bình thường, sau đó sẽ tiến hành dạy nghề để có việc làm tạo thu nhập cho bản thân. Đây là một trường hợp bảo trợ hi hữu của Trung tâm chúng tôi song cũng rất đặc biệt, đối tượng được bảo trợ là một cựu chiến binh và được đón về Trung tâm cũng đúng ngày 27/7.

Được biết, sau mấy tuần trở về hòa nhập với xã hội ông Tự bước đầu đã đưa “người rừng” Bùi Văn Toán đi khám sức khỏe toàn diện, một kết quả vô cùng bất ngờ là “người rừng” hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bất kỳ một bệnh lý gì. Sống tại trung tâm hiện tại ông Toán đã bắt đầu tự kiếm sống cho bản thân từ 60 - 80 nghìn đồng/ngày bằng công việc làm tăm tre.

Ông Bùi Văn Toán giờ đã quen với cuộc sống mới ở trung tâm

Gặp lại chúng tôi ông Toán tay bắt mặt mừng liên tục câu nói cảm ơn: Cái bụng tôi cảm ơn lắm! Cảm ơn thủ trưởng Tự, cảm ơn thầy giáo Hải, cảm ơn các anh đã cứu giúp... Ánh mắt “người rừng” sáng lên trong từng câu nói, sau khóe mắt một giọt nước lăn xuống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại