Ông Tuấn bán nhà trả nợ cho vợ
Như chúng tôi đã đưa tin, ông Trương Ngọc Tuấn (67 tuổi) là 1 trong 3 trường hợp dựng lều chênh vênh ở dốc Bưởi (đoạn từ đường Lạc Long Quân đến Cầu Giấy, Hà Nội) làm nơi cư ngụ và lang thang nhặt chai lọ, bới rác để mưu sinh.
Ông Tuấn tên thật là Trương Văn Tuất, sinh năm 1946.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn kể, ngày xưa ông bán nhà ở gần chợ Khu 7,2ha (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) để chia cho con trai, con gái nên không có nhà để về.
Chúng tôi đã tìm đến gặp bác Phùng Công Quảng (Trưởng Ban bảo vệ phường Vĩnh Phúc) – người quản lý tình hình an ninh trật tự trong cụm dân cư của phường để tìm hiểu thêm về gia cảnh của ông Tuấn.
Bác Quảng kể về gia đình của ông Tuất.
Sau khi nhìn ảnh chúng tôi cung cấp, bác Quảng khẳng định đây là ông Trương Văn Tuất (giờ cải tên thành Trương Ngọc Tuấn), sinh năm 1946, là cư dân từng sống tại số nhà 57 ngõ 639/39 đường Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc).
Theo như lời kể của bác Quảng, trước gia đình ông Tuất nhà cửa đàng hoàng, nhưng sau đó khoảng chục năm nay, ông Tuất bán nhà để trả nợ cho vợ chơi cờ bạc, lô đề bị vỡ nợ.
“Sau khi bán nhà mặt tiền 2,5 mét, vợ chồng con cái ông Tuất phải đi thuê trọ. Từ đó, ông ấy chán và giận vợ nên bỏ đi lang thang. Tính ông ấy hiền lành, trung thực, chưa bao giờ gây gổ với ai, không có tai tiếng gì cả.
Hai năm nay, ông Tuất không gặp vợ hay con cái nữa. Con gái đi lấy chồng, con trai làm nghề tự do, không quan tâm đến bố”, bác Quảng nói.
Bác Quảng kể lại: “Có lần tôi nhắc nhở con trai ông Tuất đón ông ấy về, đừng để ông lang thang như thế. Thằng Dũng (con trai ông Tuất – PV) nói đã kêu mà ông không về nhà. Tôi cũng chỉ biết khuyên bảo thế, chuyện nội bộ hay con cái có chu cấp cho ông Tuất không thì tôi không biết”.
Gần chục năm nay đi lang thang, ông Tuất ở gầm cầu, dựng lều lán ở bãi đất dưới gốc cây ngoài sông Tô Lịch. Dù vậy, ông không trộm cắp, ăn quỵt của ai, ông chỉ nhặt giấy bìa, chai lọ… ai cho gì thì lấy.
“Trước tôi có bảo ông Tuất làm giấy tờ để hưởng chế độ 142 quân dân làm nghĩa vụ chống Mỹ nhưng ông ấy không có giấy xác nhận của đơn vị đóng quân ở đâu nên giờ không có lương hưu.
Thương ông Tuất, tôi chỉ ngại ông ấy ốm đau ngoài đó không ai trông nom, chết không ai biết. Họp giao ban ở UBND phường, tôi cũng có ý kiến về trường hợp này nhưng cũng chưa có biện pháp gì”, bác Quảng cho biết.
Con cái không nuôi nổi bố?
Khi chúng tôi tìm đến số 57, ngõ 639/39 Hoàng Hoa Thám thì căn nhà đóng cửa im lìm. Bà Sâm (70 tuổi) là hàng xóm, sống đối diện nhà cũ của ông Tuất cho biết: “Không phải do con cái hắt hủi, bất hiếu đẩy ông ra ngoài đường mà là không nuôi nổi”.
Lý giải điều này, bà cho biết ngày xưa ông Tuất đi thanh niên xung phong trở về đi làm công nhân cơ khí, sau đó về nhà khâu giầy. Còn vợ ông thì bán xôi chè, sau đó lâm vào con đường cờ bạc, lô đề nên ông phải bán nhà để trả nợ.
“Con cái nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, phải đi thuê nhà, chúng cũng lấy vợ chồng hết, không nuôi nổi bố nên ông mới đi lang thang như thế mấy năm rồi. Con gái lấy chồng cũng khổ lắm!”, bà Sâm nói.
Về ông Tuất, bà Sâm nhận xét ông là người rất minh mẫn, khỏe mạnh, sạch sẽ, gọn gàng. Nghe nói, con cái cũng gọi ông về nhưng ông không về vì cho rằng vợ đi với trai nên bất mãn.
Trao đổi với chúng tôi, bác Oanh (tổ trưởng dân phố cụm 22) là hàng xóm của ông Tuất cho biết, đã lâu lắm rồi không thấy bà Lý (vợ ông Tuất – PV) và con cái.
Ngày xưa, gia đình ông Tuất thuộc loại giàu có ở trong khu nhưng do bà vợ chơi lô đề nên bán nhà nên chẳng có nhà cửa gì, giờ mỗi người một phương.
Hỏi về lý do ông bỏ nhà đi lang thang, bác Oanh chia sẻ: “Do bất đồng quan điểm với vợ, con nên ông Tuất lang thang kiếm sống chứ không phải con cái đuổi đi. Giờ chỉ còn cách cho ông vào trại dưỡng lão vì không ai nuôi. Nhà cũng không có điều kiện gọi ông về”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thông tin đến độc giả!