Anh Nguyễn Danh Ngọc (trú tại thôm Chằm Mới, xã Tiến Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh năm 2006. Ngay sau khi ra trường, anh ký hợp đồng giảng dạy tại trường THPT dân lập Đồi Ngô). Trong 2 năm giảng dạy, anh từng nhiều lần tố cáo những việc làm sai trái của hiệu trưởng và cũng như những sai phạm xảy ra tại ngôi trường này.
Đầu năm 2009, nhóm học sinh nghèo người dân tộc thiểu số có hỏi thầy Ngọc vì sao các em không được hưởng khoản tiền hỗ trợ từ Chương trình 135 của nhà nước, trong khi các trường bạn gần đó đều được. Thầy Ngọc biết chuyện đã thông tin cặn kẽ tới học sinh về các khoản trợ cấp được hưởng. Ít ngày sau, nhiều học sinh cùng cha mẹ kéo lên phòng của thầy Nguyễn Ngọc Lưu (khi đó là quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đồi Ngô) để hỏi cho ra nhẽ... Từ đây, Ngọc bị một số đồng nghiệp trong trường nhìn bằng ánh mắt lạ.
Tháng 8/2009, tại cuộc họp của trường THPT Đồi Ngô, anh Ngọc trực tiếp tố cáo lãnh đạo nhà trường biển thủ tiền giải thưởng của các học sinh đạt thành tích thể thao cấp huyện.
Đến tháng 1/2011, anh Ngọc buộc phải nhận quyết định chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc trong khi khoản tiền thưởng của đội thể thao vẫn chưa được giải trình rõ ràng.
Năm 2011, Ngọc phát hiện thấy dấu hiệu gian lận thi cử ở trường, nhưng chưa tìm được học sinh nào đồng ý quay clip tố cáo tiêu cực nên anh tạm dừng lại. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, trước đó khoảng 2 tháng, Ngọc đã nhờ Đỗ Ngọc Sơn, một học sinh lớp 12A học tại trường quay clip và đứng ra phanh phui những tiêu cực trong thi cử tại ngôi trường này.
Sau khi vụ clip gian lận thi cử được đưa lên mạng, anh bị bố mẹ, người thân, đồng nghiệp trách móc nhiều. Thậm chí, một số đồng nghiệp cũ dạy cùng trường còn sỉ vả, xa lánh anh.
Sau tất cả những biến cố đã gặp phải, anh Ngọc cầm hồ sơ đi khắp các trường trong huyện Lục Nam xin việc nhưng không một cánh cửa nào mở ra với người thầy giáo dũng cảm ấy. Đã có lúc Ngọc vào Nam làm công nhân ở một xưởng cơ khí hay cùng bố mẹ làm nghề xay xát gạo nhưng chưa lúc nào anh ngừng mơ ước được trở lại bục giảng với bảng đen, phấn trắng.
Sắp tới, anh Ngọc sẽ sang Nhật làm việc. Ở tuổi 30, người đàn ông từng đấu tranh không mệt mỏi với những tiêu cực trong ngành giáo dục lại phải bắt đầu với những nét chữ cơ bản của một ngôn ngữ mới.
Đến một đất nước xa xôi không có nghĩa là buông xuôi tất cả, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, anh khẳng định: "Mình biết nhiều người đang nghĩ việc mình sang Nhật sinh sống và làm việc tới đây là do sợ quá nên phải chạy trốn. Nhưng thực tế là do mình bị o ép nên mới tạm thời đi xa để lo cho cuộc sống tốt hơn thôi. Còn khi về nước, nếu phát hiện tiêu cực thì mình sẽ tiếp tục đứng lên đấu tranh, tố cáo tới cùng".