Vị của bài thuốc này luôn là một bí ẩn đối với người xung quanh nhưng tác dụng của nó cũng như tấm lòng giúp đời của người lưu truyền vẫn được bàn tán râm ran khắp làng trên, xóm dưới…
Phùng Phương Nhung, người thôn Tòng Lệnh (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội) một buổi đang ngồi ăn bánh cùng cả nhà vui vẻ thì bỗng nhiên nháy mắt.
Lạ một điều là khi nháy một mắt nhắm một mắt lại mở. Nghi nghi, ông bố liền bảo: “Cái Nhung, mày thử cười lên cho bố xem nào!”.
Đứa con gái đương tuổi trăng rằm hồn nhiên cười nhưng nụ cười rất khác khiến cho ông bố thừ người ra mà lo lắng: “Ô hay! Sao mồm của mày khi cười không tròn như mọi ngày mà lại meo méo nhỉ”.
Rất nhanh chóng, bệnh tiến triển đến nỗi khi uống nước Nhung phải ngửa mặt lên trời để không bị chảy ra, khi ăn phải có người bón bằng thìa để khỏi rơi vãi.
Hai môi của em giờ đây đã không hoàn thành được nhiệm vụ như hai cái đập giữ nước, giữ thức ăn mà mọi thứ bên trong miệng cứ chực trào ra.
Nhìn đứa con gái mười lăm tuổi đầu rồi mà quay lại giai đoạn há mồm như con chim non chờ mớm mồi, cả gia đình cứ gọi là lo sốt vó.
Lầy lật đem con đi khám thì được biết liệt dây thần kinh số bảy. Châm cứu ba ngày, kim đâm kín cả mặt, bệnh của Nhung không khỏi đã đành còn có nguy cơ nặng hơn, mồm miệng biến dạng.
Hết Đông y lại đến Tây y, uống cả vốc thuốc tây dạng viên, dạng nhộng rồi mà bệnh tình của em cũng không mấy tiến triển.
Tình cờ nghe một người rỉ tai mách về bài thuốc chữa méo miệng rất hiệu nghiệm của gia đình bà Nguyễn Thị Thiệp ở ngay thôn Tòng Thái cùng xã, bố của Nhung đã chở em đến.
Theo thủ tục trước khi bà lang lên núi hái thuốc, người nhà bệnh nhân phải dâng chút hoa quả, bánh kẹo thắp hương trước ban thờ gia tộc họ Đỗ.
Trong hương khói bảng lảng, mắt bà Thiệp nhắm nghiền, miệng lầm rầm cầu khấn:
“Hôm nay con hái lá thuốc để chữa bệnh cho cháu Phùng Phương Nhung, có chút lễ mọn, tâm thành mời các cụ, các mọ ở nơi nào lai lâm, hiến hưởng, phù hộ độ trì cho con chữa khỏi bệnh…”.
Bà Thiệp cho tôi hay bài thuốc chỉ lưu truyền trong gia tộc họ Đỗ, được truyền cho con trai, con dâu chứ không cho con gái vì sợ thất lạc bí quyết.
Làm dâu nơi đây đã trên 40 năm, bố chồng là ông Đỗ Văn Ký vẫn thường dẫn bà lên ngọn đồi Ba Mọi dưới chân dãy Cẩm Lĩnh để nhận biết các mặt lá.
Mãi tới khi gần khuất núi ông cụ mới truyền cho bà bài thuốc bí truyền với lời dặn làm phúc cứu đời, đừng vụ lợi.
Chính vì thế, sau khi khỏi bệnh, nạn nhân cảm ơn tùy tâm, vài trăm ngàn cũng được mà nghèo quá chỉ ít hoa quả, kẹo bánh làm quà cũng xong.
Bài thuốc gồm ba loại lá trong đó có lá gió - một loại cây hay mọc ven rìa núi. Thuốc lấy về được phối theo một tỷ lệ nhất định, giã nhỏ bằng cối đá, vo tròn lại như những cái bánh gai nhỏ.
Người bệnh đắp thuốc theo công thức méo mặt bên trái thì đắp bên phải còn méo mặt bên phải thì đắp bên trái. Đắp xong phải buộc khăn để giữ cố định suốt cả khi thức lẫn khi ngủ.
Miếng thuốc hút chất độc trong cơ thể người bệnh nóng lên khô dần thì lật ngược mặt lại đến khi kiệt hết nước bên trong mới bỏ để thay miếng mới.
Bà Thiệp giải thích méo miệng thường do cảm gió. Bệnh thường khởi phát vào mùa đông, oái oăm thay đó cũng là lúc các loại cây trên rừng khô, trụi lá, rất khó tìm được thuốc.
Lúc mới bị, nửa mặt nạn nhân bì bì như đá lạnh cứng còn nếu bệnh đã đi vào não thì có thể nửa cơ thể bị tê liệt.
Khi đắp các loại nam dược ngấm vào hệ thần kinh chỉ đạo mắt, mũi, mồm giúp mọi thứ dần cân bằng trở lại. Dù mũi méo, mắt lộn ngược nhìn thấy nửa lòng trắng, miệng uống nước chỉ chực trào ra ngoài đều có thể chữa khỏi bằng bài thuốc này.
Thần kinh khỏe thì đắp thuốc ba bốn ngày là khỏi còn thần kinh yếu phải đắp cả nửa tháng. Người mới bị đắp sẽ khỏi nhanh hơn người bị hàng tháng, hàng năm, châm cứu, uống thuốc tây, ta đủ loại.
Tỷ lệ chữa thành công theo bà Thiệp khoảng 90% còn những trường hợp để quá lâu, tai biến quá nặng, não đã nhũn ra rồi thì đắp thuốc thế, đắp thuốc nữa cũng không thể khỏi.
Khi dùng thuốc phải kiêng châm cứu, kiêng ăn chất tanh, chất nóng như thịt trâu, thịt chó, ba ba, bia rượu, kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng đi dự đám ma, kiêng ra gió và tắm nước lạnh.
Phùng Phương Nhung được bà đưa cho 12 nắm lá thuốc trong đó 11 nắm chữa bệnh còn 1 nắm cuối cùng để triệt nọc độc (nắm này thành phần lá có thêm vài thứ khác nữa) với lời dặn không được xem tivi, điện thoại để tránh nhức mỏi mắt.
Y lời bà, chỉ mấy ngày sau em lại có thể tung tăng đến trường, ríu ran nô đùa cùng các bạn như chưa từng mắc bệnh.
Một trường hợp điển hình khác, em Chu Thị Thu Hiền người ở thôn Phú Vĩnh B (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) khi đang học lớp 11 một buổi sáng ngủ dậy bỗng bị méo mặt.
Người nhà chở em đi khám bệnh viện, bác sĩ phán: “Méo giật, mặt bì!” cho uống thuốc rồi tiêm ba ngày ròng rã vẫn không khỏi.
Lúc đầu em chỉ khó ăn, khó uống về sau bệnh nặng đến mức uốn cong cả lời nói, kéo chảy cả nửa mặt xệ xuống rất khác thường.
Nghe tiếng về bà lang Thiệp, gia đình đến xin được cứu giúp. “Thuốc đắp ngưa ngứa lại man mát khoảng ba bốn ngày thì khỏi anh ạ!”, Hiền hồn nhiên kể lại.
Đời ông chồng rồi bố chồng chữa được bao nhiêu trường hợp bệnh méo miệng không thể thống kê nổi nhưng đến đời bà lượng bệnh nhân phải gấp ba bốn lần số ngón tay trên cả hai bàn tay.
Ông Đỗ Văn Quyết, Phó Chủ tịch xã Tòng Đậu, cũng xác nhận với tôi về chuyện bà cứu được nhiều người nhờ bài thuốc bí truyền này.
Thậm chí, có cô gái xã bên lúc được chở đến để chữa bệnh, ông bố còn hào hiệp giao kèo: “Nếu mà chữa khỏi bệnh tôi sẽ gả không cháu cho con trai bà”.
Về sau bệnh của cô gái đó khỏi thật nhưng sự gán ghép ấy lại không thành. Giờ đây cả hai đã yên bề gia thất nhưng vẫn qua lại nhà nhau, vẫn vồn vã chào hỏi nhau như những người thân trong chính gia đình.
Theo y học hiện đại, bệnh liệt nửa mặt có tỷ lệ mắc khoảng 1/60-70 người trong suốt cuộc đời với các triệu chứng điển hình như mắt nhắm không kín, mặt trơ cứng bị lệch về bên lành, mất vị giác một phần lưỡi, mất những phản xạ có sự tham gia của cơ vòng quanh mắt.
Bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, dễ mắc nhất là phụ nữ có thai, người bệnh đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, lứa tuổi trung niên và người già, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch…
Đặc biệt là những người uống nhiều bia rượu và đi về trong đêm khuya bị lạnh.