Vụ việc người dân đổ xô hôi bia trước sự gào khóc, van xin thảm thiết của tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê tỉnh Bình Định) khi xe gặp nạn tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 4/1 vừa qua khiến dư luận dậy sóng.
Còn nhớ, khi vụ nổ kho pháo hoa của Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng xảy ra ở 2 xã Khải Xuân và xã Võ Lao (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) hôm 12/10, nhiều căn nhà mở toang, đồ đạc rơi vỡ khắp nơi. Lợi dụng tình cảnh hỗn loạn, đau thương đó, một số người đã nhanh chân xông vào những căn nhà không khóa để vơ vét, “chôm chỉa”.
Hai trường hợp trên là một trong số nhiều vụ hôi của xảy ra.
Trao đổi với PV về hành vi hôi của của một bộ phận người dân, luật sư Phạm Công Út (giám đốc công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) cho biết: “Việc hôi của là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, với hành vi này, nếu chiếm đoạt từ 2 – dưới 50 triệu đồng thì bị phạt từ 6 tháng – 3 năm tù. Nhưng, có những tình tiết khác, chẳng hạn nếu họ cố tình chiếm đoạt bằng cách hành hung tài xế hoặc người chủ hàng (khi bị ngăn cản hôi của) rồi tẩu thoát, hoặc chiếm đoạt giá trị từ từ 20 – 50 triệu đồng…thì bị tù từ 2 – 7 năm.
Nếu hôi của của người khác với giá trị từ 200 – 500 triệu đồng thì bị tù từ 7 – 15 năm. Còn từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm hoặc chung thân”.
Vụ "hôi bia" tại Bến Thủy, Nghệ An đầu năm 2011. (Ảnh: Internet)
Như vậy, khung hình phạt thấp nhất của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là 6 tháng tù giam và cao nhất của tội danh này có thể là tù chung thân.
Cũng theo luật sư Út, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi nguy hiểm nhất ở đây là lợi dụng cơ hội đó để công nhiên chiếm đoạt tài sản trước mặt nhiều người. Trong những trường hợp này, việc chứng minh thiệt hại, chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, người bị nạn chỉ làm đơn tố giác.
Cùng nhìn nhận hiện tượng hôi của, TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, hiện tượng hôi của đã xuất hiện từ lâu song thời gian gần đây rộ lên. Người ta đã chai lì cảm xúc, đó không chỉ là sự vô cảm mà là sự tước đoạt, sự thay đổi của lối sống nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi. Điều này có căn nguyên từ thói vô trách nhiệm của một bộ phận người cầm cân nảy mực. Xét đến cùng, mỗi người phải tự lo cho mình.
Họ sẽ cắt nghĩa rằng, sự công bằng không được tôn trọng, họ thiết lập lại bằng cách tự chiếm đoạt của người khác, để giải thích cho hành vi vô cảm, chiếm đoạt đó. Đây còn là sự lệch lạc về giá trị sống. Họ không tin vào sự công bằng vì họ thấy có quá nhiều ví dụ trong cuộc sống. Họ dấn thân làm theo sự không công bằng đó theo hướng có lợi cho họ.
Ông Bình nhấn mạnh, trào lưu này được kích hoạt bởi một tâm lý đám đông. Không phải tự nhiên ai cũng xử sự như vậy. Trong một đám đông, thấy nhiều người làm họ cũng làm, họ bước qua lằn ranh của sự ích kỷ. Trong những bối cảnh, điều kiện bất thường mới nảy sinh mà ở đó, sự kiểm soát của luật pháp, của lương tâm đạo lý không với tới.