Người đàn ông mù tự tay đóng gạch xây nhà

Dù bị mù cả hai mắt nhưng anh Cảnh vẫn chăm lo đầy đủ cho cuộc sống của vợ con nhờ công việc… đóng gạch.

Lần đầu gặp mặt, ít ai ngờ rằng anh Lê Văn Cảnh (SN 1970) ở thôn Dốc Châu thuộc thị trấn Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) lại có thể tự mình đóng được những viên gạch vuông vắn đến thế. Mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng anh Cảnh vẫn chăm lo đầy đủ cho cuộc sống của vợ con nhờ công việc… đóng gạch.

Đối với người đàn ông mù này, lao động không chỉ để sinh tồn mà còn là trách nhiệm của một người chồng, người cha, một người trụ cột trong gia đình.

Lời thề “cùng cực nhất cũng phải nuôi sống gia đình”

Hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi tới thăm nhà anh Cảnh vào một buổi sáng mùa đông rét mướt là một người đàn ông mù với dáng người gầy gò, nước da ngăm đen và giọng nói nhỏ nhẹ đang ngồi thẫn thờ trước hiên nhà. Chia sẻ với chúng tôi, anh Cảnh tâm sự: “Vì thời tiết buổi sáng lạnh quá, lại có lúc mưa nên tôi phải nghỉ ở nhà, chiều mới ra bờ suối làm việc được. Bình thường thời tiết thuận lợi thì vào giờ này, tôi đã miệt mài làm việc ở ngoài con suối cách nhà hơn một cây số rồi”.

Nhắc lại nguyên nhân khiến cuộc đời mình bỗng chìm trong bóng tối những năm qua, anh Cảnh thở dài: “Tôi sinh ra cơ thể hoàn toàn lành lặn. Năm 17 tuổi, tôi kết hôn với một cô gái cùng thôn. Mặc dù cuộc sống vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn trước mắt. Ngày đó, ngoài công việc đồng áng, tôi vẫn thường đi làm thuê ở ngoài để kiếm thêm thu nhập trang trải kinh tế cho gia đình. Sau 4 năm, chúng tôi có 2 đứa con, một trai, một gái. Mong vợ con có cuộc sống đầy đủ hơn, năm 1992 tôi đi đào vàng cho một người chủ ở dưới Phú Lương. Thế rồi tai họa đã ập đến với tôi sau mấy tháng làm việc ở mỏ vàng.

Hôm đó, khi anh em đang mải mê đãi vàng ở trong hầm thì bỗng dưng có một tiếng nổ vang lên đất đá ào ào làm rung chuyển cả căn hầm, mọi người đều hô hoán nhau chạy, còn tôi lúc đó chỉ nhớ bầu trời đen lại, tay phải tê buốt, toàn thân đau nhức và thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì đôi mắt tôi đã được băng bó kín và chỉ nghe mọi người bảo là đang ở bệnh viện. Trong vụ nổ đó, nhiều người bị vùi dưới lòng đất. Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc nhưng đôi mắt thì mãi mãi không nhìn thấy nữa. Mang thân tật nguyền trở về, tôi vừa tròn 22 tuổi”.

2

Sau hơn 3 tháng nằm viện trở về, việc không còn đôi mắt khiến cuộc sống của anh Cảnh trở thành những chuỗi ngày cùng cực tưởng như không thể vượt qua. Tất cả mọi sinh hoạt của anh đều một tay người vợ chăm nom, lo lắng. Trong khoảng thời gian từ năm 1992 – 2008, chị Mông Thị Vang (vợ anh Cảnh – PV) ngoài chăm sóc hai đứa con nhỏ còn phải lo thêm cho chồng nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Anh Cảnh cũng đã nhiều lần suy nghĩ về việc kiếm một công việc phù hợp để đỡ đần vợ nhưng đều rơi vào bế tắc. Nhiều khi buồn chán, anh lại tìm đến rượu để mong quên hết thực tại.

“Càng say tôi lại càng hận bản thân mình vô dụng. Trong khi đó vợ tôi thì làm quần quật cả ngày thế mà khi về đến nhà vẫn phải chăm con và chăm luôn cho cả người chồng mù như tôi”, anh Cảnh bùi ngùi nhớ lại. Rồi những khó khăn lại thêm chồng chất, càng ngày cuộc sống càng bí bách hơn. Nhiều bữa, trong nhà không còn gạo để nấu cơm, con nhỏ suốt ngày kêu khóc vì đói… Trước tình hình đó, anh Cảnh lại càng tự trách bản thân mình hơn. Trong một phút tuyệt vọng, anh đã đưa ra lời thề rằng: “Dù có mù, dù có rơi vào hoàn cảnh cùng cực nhất cũng phải nuôi được gia đình”.

Tự tay đóng từng viên gạch xây nhà

Từ lời thề đó, anh Cảnh quyết định đi làm thuê cho một người làm gạch cách nhà mình hơn một cây số. Công việc của anh là gánh sỏi và cát từ dưới suối lên bờ để đóng ra những viên gạch. Mặc dù được những người cùng làm thương tình, hướng dẫn từng đường đi, nước bước nhưng việc đóng gạch đối với một người mù không hề đơn giản. Anh Cảnh đã phải mất cả tháng trời để làm ra được viên gạch đầu tiên. Thế rồi, làm mãi cũng quen, anh Cảnh đã thuộc từng bước chân, từng viên đá sỏi chắn ngang đường; những viên gạch anh đóng cũng ngày càng vuông vắn, đẹp mắt hơn. Càng ngày anh càng làm việc hiệu quả, những đồng tiền do anh làm ra tuy không nhiều nhưng cũng góp thêm một phần để nuôi sống gia đình.

3

Ngôi nhà anh cảnh đã tự đóng ra những viên gạch để xây dựng nên. Ảnh TG

Dần dần, khi đã quen với công việc, anh Cảnh bàn với vợ mở cơ sở để anh tự đóng gạch bán. Vì nhà cũng gần suối nên có thể tận dụng cát và sỏi ở suối để đỡ đi phần nào tiền nguyên vật liệu. Nhớ lại những khó khăn thời mới bắt đầu làm, anh Cảnh cho biết: “Lúc đầu mọi đường đi lối lại từ suối lên bãi đều do đứa con trai thứ hai của tôi chỉ dẫn, nhưng đi dần rồi cũng quen. Mấy hôm đầu, vợ tôi hướng dẫn tôi trộn xi măng vào cát sỏi và chỉ địa điểm sẽ để những viên gạch sau khi làm ra theo hàng làm sao cho không làm hỏng viên khác… Do chưa quen nên lúc đầu vẫn bị hỏng, có khi những viên gạch vừa nặn xong chưa kịp khô đã bị tự mình giẫm lên hỏng hết vì không nhớ vị trí đặt. Rút kinh nghiệm từ những vấp váp của mình, tôi vừa làm vừa điều chỉnh, dần dần cũng thành thạo”.

Anh Cảnh có thể biết được con đường từ bãi gạch đến nơi lấy đá, sỏi dưới bờ suối vào khoảng bao nhiêu bước chân, nhưng số lượng gạch mà anh đã làm ra cho đến bây giờ anh không thể nhớ nổi bao nhiêu viên. Một ngày bình thường anh đóng được hơn 60 viên gạch. Công việc chính của anh chỉ diễn ra ở hai địa điểm. Một là bờ suối, hai là bãi đóng gạch. Ngày nào cũng như ngày nào, anh dậy từ tờ mờ sáng để xuống bờ suối chọn lấy bãi đá sỏi rồi gánh lên xưởng. Khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, anh tự mình đóng từng viên gạch. Thương hiệu “gạch anh mù” của anh Cảnh đã được rất nhiều gia đình trong và ngoài khu vực thị trấn Chợ Chu tin dùng. Những viên gạch do của anh Cảnh rất tỷ mỉ, kỳ công, viên nào cũng chắc chắn. Nhiều người đến mua gạch đã hết sức ngạc nhiên khi biết những viên gạch đẹp đẽ đó lại do chính tay một người mù làm ra.

Chị Mông Thị Vang - vợ anh Cảnh cho biết, nhờ công việc đóng gạch của anh Cảnh mà gia đình đã dần thoát khỏi đói nghèo, nuôi dạy con cái trưởng thành. Không những vậy, sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng anh đã dùng chính số gạch anh Cảnh làm được để xây một ngôi nhà hơn 70 mét vuông. “Chồng tôi không may xảy ra tai nạn mù cả hai mắt, đây hẳn là số phận nên chúng tôi đành phải chấp nhận thôi. Mặc dù cuộc sống đang vất vả bộn bề nhưng vợ chồng tôi vẫn an ủi nhau rằng nếu tiếp tục cố gắng, cuộc sống trong tương lai của gia đình mình có thể sung túc hơn. Tôi rất tự hào vì có một người chồng có ý chí, nghị lực và trách nhiệm như anh Cảnh”.

Chị Nguyễn Thị Thêm, hàng xóm sát nhà anh Cảnh chia sẻ: “Anh Cảnh là một người đầy ý chí và nghị lực, có thể nói rằng đây là trường hợp rất đặc biệt, mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng anh vẫn lao động như những người bình thường. Bình thường đối với người mù, để sống được mà không trở thành gánh nặng cho mọi người là điều rất khó khăn, vậy mà anh Cảnh còn nuôi được cả gia đình, giúp ích cho xã hội. Mọi người sống ở đây đều xem anh là một tấm gương sáng về nghị lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại