Như mọi ngày, đúng 6h sáng, ông Lê Minh Hải (sinh năm 1966, nhân viên Phòng Quản lý và khai thác du lịch biển thuộc Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) lại cất tiếng còi gọi đàn chim câu từ các chuồng nuôi ở Công viên Biển Đông về quảng trường công viên để “ăn điểm tâm”.
Ông Hải vừa thổi còi, vừa bước đi để dẫn dắt đàn chim câu đến bãi cho ăn. Nghe tiếng còi, cả ngàn con chim câu cất cánh rời khỏi tổ bám theo sau lưng ông, tạo thành một cảnh tượng hết sức hùng vĩ. Đến quảng trường giữa Công viên Biển Đông, chúng lần lượt đậu xuống, chờ đợi.
Quan sát thấy đàn chim đã tề tựu tương đối đông đủ, ông Hải bắt đầu cho ăn. Vừa tiếp tục thổi còi gọi chim đến, ông vừa chậm rãi múc từng tô thức ăn rải ra cho bọn chim tha hồ nhặt. Các chú chim quấn lấy người đàn ông sắp bước vào tuổi ngũ tuần ấy đầy thân thiết.
Đây đã làm năm thứ 4 ông gắn bó với đàn chim câu ở Công viên Biển Đông, từ lúc ban đầu chỉ có khoảng 400 con, nay đã lên gần 1.300 con. Cũng bởi những cánh chim câu rợp trời trên Công viên Biển Đông trong mỗi sớm bình minh và mỗi chiều hoàng hôn mà nhiều người dân và du khách còn gọi công viên này bằng một cái tên khác cũng hết sức ấn tượng là “Công viên Hòa bình”.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ông Hải là người gắn bó lâu nhất với đàn chim này. Trước đó cũng có vài người được giao phụ trách đàn chim chỉ được thời gian ngắn rồi họ xin nghỉ. Bởi công việc như ông Hải đang làm nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra rất phức tạp, nếu không yêu chim như con thì không thể làm được!
“Không chỉ cho chim ăn ngày hai bữa mà còn phải dọn vệ sinh chuồng trại, lấy nước cho chim uống, kiểm đếm chim xem có biến động gì không, kiểm tra phân chim có dấu hiệu gì bất thường, phun thuốc khử trùng...
Vào mùa dịch bệnh thì càng phải theo dõi thường xuyên hơn. Chịm bị bệnh nhẹ thì tự xử lý, còn bị bệnh nặng thì báo cho Chi cục Thú y TP xuống kiểm tra để điều trị kịp thời!” – ông Nguyễn Đức Vũ cho hay trong khi ông Hải rất kiệm lời nói về mình.
Theo ông Vũ, hiện quy mô đàn chim đã vượt quá khả năng đáp ứng của 7 khu chuồng ở Công viên Biển Đông, không thể dựng thêm chuồng mới vì không còn chỗ. Hơn nữa, chi phí thức ăn, thuốc men cho chim và nhiều thứ liên quan khác cũng có giới hạn.
Do vậy, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phải chỉ đạo ông Hải hạn chế chim sinh sản bằng cách lấy bớt trứng không cho ấp; và nếu có cơ quan, đơn vị, trường học... nào có nhu cầu xin chim giống về nuôi thì cũng sẵn sàng đáp ứng.
Sau khi được cho ăn no, đàn chim câu lại tung cánh hướng về phía mặt trời đón ánh bình minh đang lên trên biển Đông. Một ngày mới lại bắt đầu. Và những đôi uyên ương lại trao cho nhau nụ hôn trên “Công viên Hòa bình” giữa những cánh chim câu rợp bóng. Chứng kiến những giây phút hạnh phúc đó không phải là điều mà bất cứ ai cũng có được như người đàn ông cho chim ăn trên Công viên Biển Đông.
Ngày 3/12/2010, khu công viên đầy quyến rũ trên bãi biển Phạm Văn Đồng chính thức được kỳ họp thứ 17 HĐND TP Đà Nẵng khoá VII (nhiệm kỳ 2004 – 2011) ra Nghị quyết đặt tên “Công viên Biển Đông”, hợp cùng tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc ven một trong sáu bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh góp thêm một dấu ấn mạnh mẽ trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện Đà Nẵng có lẽ là nơi duy nhất trong cả nước có một công viên được HĐND TP ra Nghị quyết đặt tên là “Công viên Biển Đông”. Không chỉ nằm ở ven biển, hướng thẳng tầm nhìn ra quần đảo Hoàng Sa như một sự khẳng định chủ quyền lãnh hải, “Công viên Biển Đông” còn là “Công viên Hoà Bình” rợp bóng chim câu, là “Công viên Tình Yêu” của những đôi trai gái và là điểm đến của đông đảo du khách gần xa…