"Người dân không cần chúng ta đứng đây xin lỗi..."

HẢI CHÂU |

“Người dân giải tỏa, di dời không cần chúng ta đứng đây xin lỗi dân đâu, mà cần chúng ta hành động thực sự vì “ích nước, lợi dân”, chứ hiện nay giữa nói và làm vẫn còn xa lắm, nhiêu khê lắm” – Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Phạm Quý nói.

Thay mặt những người làm công tác đền bù giải tỏa xin lỗi dân ở nhiều dự án

Sáng 11/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng và tái định cư với sự tham dự của lãnh đạo các Ban chức năng của Thành ủy, HĐND TP, Ủy ban MTTQVN TP cùng các sở, ngành hữu quan và các quận, huyện trên địa bàn.


Hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng và tái định cư do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 11/3 (Ảnh: HC)

Hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng và tái định cư do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 11/3 (Ảnh: HC)

Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, từ khi tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành TP trực thuộc TƯ tháng 1/1997 đến nay, Đà Nẵng đã đẩy mạnh đô thị hóa trên từng xã, phường của 7 quận, huyện.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn được chú trọng, nhiều năm liền TP Đà Nẵng xác định là năm giải tỏa đền bù (GTĐB) và tái định cư.

“Với công tác này, bên cạnh sự đồng thuận của nhân dân thì lãnh đạo TP cũng luôn chỉ đạo sáng tạo với nhiều cách làm hay, mạnh dạn đột phá tạo cơ chế chính sách phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng được tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, được TƯ đánh giá cao, nhiều địa phương bạn đến trao đổi kinh nghiệm” – ông Trần Phước Sơn nói.

Tuy nhiên ông cũng nêu rõ, bên cạnh những thành công thì trong quá trình thực hiện đô thị hóa mạnh mẽ của Đà Nẵng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, công tác phối hợp... tại các cơ quan công quyền thực hiện chức năng thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, chưa đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển bền vững của TP.

Là người phát biểu tham luận đầu tiên tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng (nguyên Trưởng Ban GTĐB số 1) cho hay, ông từng có 18 năm tham gia công tác GTĐB và 13 năm làm Trưởng ban, giúp việc cho 6 đời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng qua các thời kỳ.

Với “thâm niên” đó, ông Nguyễn Văn Tiến xin cám ơn sự đóng góp, đồng thuận và phối hợp, tạo điều kiện của nhân dân, kịp thời bàn giao mặt bằng để thi công các dự án đúng tiến độ.

Tuy nhiên công cũng thừa nhận, thời gian qua có không ít cán bộ của các đơn vị GTĐB đã làm phiền lòng nhn dân như sách nhiễu, nhiêu khê, thái độ phục vụ thiếu lễ phép, có những biểu hiện tiêu cực...


Ông Nguyễn Văn Tiến thay mặt những người làm công tác giải tỏa đền bù xin lỗi người dân ở nhiều dự án giải tỏa (Ảnh: HC)

Ông Nguyễn Văn Tiến thay mặt những người làm công tác giải tỏa đền bù xin lỗi người dân ở nhiều dự án giải tỏa (Ảnh: HC)

“Chính vì vậy, hôm nay, thay mặt cho những người làm công tác GTĐB, tôi xin thành thật xin lỗi toàn thế nhân dân trong nhiều dự án giải tỏa!” – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Tiến nói.

Người dân cần các hành động thực sự vì “ích nước, lợi dân”!

Những tưởng với thái độ này, ông Nguyễn Văn Tiến sẽ nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu tham dự hội nghị. Song ngược lại, qua phát biểu của nhiều vị lãnh đạo các sở, ngành, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng lại không cho thấy có sự tán thành cao.

“Anh Tiến có nêu lên những vấn đề tiêu cực trong công tác GTĐB. Vấn đề này xuất hiện ở rất nhiều lúc, nhiều nơi. Anh Tiến thay mặt những người làm công tác GTĐB xin lỗi nhân dân nhưng ở đây có nhân dân đâu mà xin lỗi.

Cho nên sau hội nghị này anh Tiến nên lên báo xin lỗi mới được!” – ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nói thẳng.

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận thành công lớn nhất trong công tác giải tỏa mặt bằng, đền bù, bố trí tái định cư... cho người bị thu hồi đất phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị của TP Đà Nẵng trong nhiều năm qua chính là sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ông Quý nêu rõ, công tác ĐBGT gắn rất chặt với công tác dân vận, vận động quần chúng nên cũng gắn bó với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền mà cụ thể là xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này, có chuyên môn, có đạo đức, không gây khó khăn, nhiễu nhũng đối với dân để trục lợi.

Sau khi nghe phát biểu của các sở, ngành hữu quan, ông Phạm Quý nói: “Tôi thấy có nhiều ý kiến mà nếu các đồng chí nói và làm được thì với tư cách người làm tham mưu công tác dân vận, tôi rất hoan nghênh!”.

Ông nêu ví dụ, Sở Tài chính nói cái gì cũng giải quyết sớm cho dân. Thông báo sớm chế độ đền bù cho dân, phương án tái định cư cũng sớm, thủ tục đơn giản hơn, đề nghị TP ban hành các quy trình để công khai cho dân rất rõ, hay ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị chi tiền đền bù cho dân tại nơi giải tỏa.

“Cái này quá hay đi, rất có lợi cho dân, chứ không để người dân lên tới trên này mà đúng bữa kế toán đi vắng, giám đốc đi họp, tiền chưa về kịp.

Chi trả tại chỗ, thậm chí quy định có ngày cứng để người dân tới là được nhận tiền liền thì hay quá, có lợi cho dân quá đi chứ!” – ông Phạm Quý nhận xét.

Từ đó, ông mong các sở, ngành hữu quan “hết sức làm” những điều vừa nói, bởi thực tế vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác ĐBGT như bốc thăm đất tái định cư chưa phù hợp, chi trả tiền đền bù chưa thuận lợi, quy định ĐBGT mồ mả, đất rừng, chuyển đổi ngành nghề... còn nhiều điểm chưa hợp lý; cơ sở hạ tầng nhiều khu tái định cư chưa đồng bộ, chưa thật có lợi cho dân; chính sách thu nợ tiền đất tái định cư chưa thật “ích nước” là nhà nước thu được nợ và “lợi dân” là người dân có thể thực hiện được...

“Tôi mong các đồng chí nói đi đôi với làm. Có lẽ người dân phải giải tỏa, di dời không cần chúng ta đứng đây xin lỗi dân đâu, mà người dân cần chúng ta hành động thực sự vì “ích nước, lợi dân”, chứ hiện nay khoảng cách giữa nói và làm vẫn còn xa lắm, nhiêu khê lắm!” – ông Phạm Quý nói.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh: “Tôi thống nhất với ý kiến của anh Phạm Quý là phải hành động.

Người dân nhìn vào công việc cụ thể của chúng ta để đánh giá. Việc quan trọng nhất là chúng ta giải quyết các tồn tại, vướng mắc như thế nào!”.

Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng về công tác ĐBGT và bố trí tái định cư, tính từ thời điểm áp dụng Luật Đất đai 2003 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 536 dự án đã và đang triển khai thực hiện với tổng diện tích khoảng 74.526ha.

Tổng số hộ giải tỏa là 119.669 hộ; trong đó có 47.081 hộ giải tỏa thu hồi đất ở, 72.875 hộ giải tỏa thu hồi đất nông nghiệp. Số hộ không tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng, phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất là 201 hộ.

Đã giải quyết bố trí tái định cư 30.759 lô đất và căn hộ chung cư. Trong đó bố trí đất ở 30.044 lô, bố trí chung cư 755 căn hộ. Tổng giá trị đền bù được phê duyệt khoảng 13.740 tỉ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại