Cuộc đời giông bão
Nhiều năm qua, hình ảnh một người phụ nữ nhỏ thó, đôi bàn tay gầy guộc, run run bới từng đồng rác để kiếm kế mưu sinh đã quá đỗi quen thuộc với những người bán hàng tại khu chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.
Người phụ nữ đó là bà Kim Thị Thành (65 tuổi, trú tại xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Cuộc đời bà là chuỗi ngày dài của những biến cố, đau thương.
Bà lấy chồng sớm, nhưng cái đói cái nghèo luôn thường trực, bủa vây lấy tổ ấm nhỏ của gia đình bà. Vợ chồng bà phải rất vất vả để có thể nuôi các con khôn lớn.
Nhưng trời không chiều lòng người, người con trai đầu của bà khi sinh ra đã bị tật ở chân. Điều đau đớn hơn nữa là một buổi khi đi làm về, bà không thấy con đâu nữa. Đứa con đầu đã mất tích từ thuở ấy.
Thế nhưng, trò đùa của số phận còn chưa dừng ở đó. Năm 1980, khi bà đang mang thai người con gái út thì chồng qua đời trong một tai nạn. Từ những tháng ngày ấy, bà Thành phải lăn lộn đủ thứ nghề để mưu sinh.
Hễ nghe ở đâu có việc là bà không ngại đi đến để xin làm. Những công việc thông thường nhất là xách nước, rửa bát cho các quán cơm hoặc là đi nhặt rác để lo cho các con nên người.
Sau khi hai người con trai trưởng thành, lập gia đình và ở riêng, bà cùng cô con gái út là Nguyễn Thị Hiền nương tựa vào nhau.
Vậy nhưng, nỗi bất hạnh lại thêm lần nữa ập lên đầu bà. Ngày 5/10/1999, như thường lệ, bà đi làm, còn Hiền ở nhà dọn dẹp nhà cửa, lo mấy mảnh vườn trước nhà. Tối cùng ngày, bà Thành về nhà thì không thấy con gái đâu.
Nghĩ con mải chơi với các bạn trong xóm nên bà Thành cặm cụi cơm nước, chờ con về cùng ăn. Đến 21h vẫn không thấy con về, bà Thành như ngồi trên lửa vội đi tìm vài nhà người quen trong xóm nhưng họ đều cho biết không thấy Hiền đến chơi.
Bà Thành vội xuống nhà con dâu lớn ở khu phố Bê Tông (xã Đạo Tú, huyện Tam Dương) tìm nhưng các con bà đều nói không có tin tức gì của Hiền.
Không cam chịu nỗi đau mất con thêm lần nữa, bà Thành quyết tâm đi tìm Hiền. Ban đầu, bà xuống Hà Nội, giữa chốn đô thành, bà làm bất cứ công việc gì miễn là có tiền để duy trì sự sống.
Hàng ngày, bà Thành cầm bao tải đi nhặt rác ở ven đường, khu chợ, bãi rác. Hôm nào nhặt được nhiều thì mua cơm ăn, hôm nào không nhặt được thì vào nhà dân xin.
Để chống lại cái rét, bà đã nhặt những bao tải, bì nilon đem giặt sạch để nằm thay chiếu và lượm những cái chăn rách ngoài bãi rác, rũ sạch để đắp lên người trong những đêm ngủ đường.
“Khổ nhất là không có nước để tắm gội, tóc tôi bết lại như gỉ sắt, da thì nổi mẩn ngứa trông như ghẻ. Đến khi được một nhà dân nấu nước cho tắm, tôi gội đầu mà nước chảy xuống đen ngòm”, bà Thành tâm sự.
Mẹ con gặp nhau trong nước mắt
Sau khi có chút tiền, đầu năm 2000, bà lên đến khu vực cửa khẩu Cổng Trắng (Lạng Sơn). Theo lời chỉ dẫn của cánh lái buôn, bà đã sang Trung Quốc theo đường rừng.
Sang đến địa phận Quảng Tây (Trung Quốc), bà tiếp tục làm nghề nhặt rác kiếm sống và để dò hỏi tung tích con gái. “Bất đồng ngôn ngữ, lại không thông thuộc địa bàn nên cuộc sống của tôi vô cùng cực khổ.
Để duy trì sự sống, tôi phải ra các bãi rác nhặt bất cứ cái gì có thể ăn được. Khổ trăm bề, nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng mới có hy vọng tìm được con gái”, bà Thành chia sẻ.
Những ngày sống bên Trung Quốc, bà may mắn gặp được một người đàn ông đồng hương. Cảm thương số phận của bà mẹ nghèo, người đàn ông này đã nhận lời giúp bà Thành tìm lại con gái.
Dựa vào tấm ảnh của Hiền chụp hồi còn ở nhà, người đàn ông này đã đóng vai “khách làng chơi” đi dò la khắp các nhà nghỉ, khách sạn, các ổ mại dâm. Cũng mất gần 2 năm, người đàn ông này mới tìm được nơi chị Hiền đang làm gái mại dâm.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Công an Trung Quốc và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc), chị Hiền cùng rất nhiều cô gái khác được giải cứu.
Sau đó, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đã lo cho bà Thành về đến huyện Đồng Đăng (Lạng Sơn). Còn về phần chị Hiền, người đàn ông này đã xin cưới chị cho một người anh em trong họ.
“Năm 2008, cháu Hiền hẹn gặp tôi ở cửa khẩu và khoe đã có con rồi. Tôi cũng chỉ gặp Hiền lần ấy. Nhiều năm qua, mẹ con tôi vẫn chưa được gặp lại nhau lần nào nữa”, bà Thành buồn bã.
Những người buôn bán ở chợ Long Biên thường cười bà Thành là “hâm, dở hơi” mỗi khi thấy bà khóc vì nhớ các con.
Nhưng họ đâu biết được, đằng sau tiếng kêu khóc như điên dại kia là một tấm lòng người mẹ khổ cực một đời luôn lo sợ mất con, nỗi lo ấy ám ảnh cả trong những giấc ngủ nhọc nhằn…
Bà bảo, đến giờ bà vẫn đau đáu một nỗi niềm về việc mất đi người con trai đầu. Bà mong rằng, đứa con ấy vẫn còn sống và hai mẹ con vẫn còn có cơ hội gặp được nhau, dù chỉ là một lần.
Hàng ngày, bà Thành vẫn cặm cụi đi nhặt rác ở khu chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân và ở các khu phố cổ. Mỗi ngày bà Thành kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Tiền thuê trọ mỗi ngày 10.000 đồng, tiền ăn 20.000 đồng, tiền thuốc thì không đếm được vì bà ốm luôn luôn, trừ chi phí, mỗi ngày bà chỉ để dư được vài chục nghìn.
Bà bảo, sau này nếu dành được đủ tiền, bà sẽ tiếp tục sang Trung Quốc thăm con gái và các cháu ngoại.