Giữa nắng trưa ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), đoàn người đến viếng Đại tướng dường như ngày càng nối dài. Tiến vào khu cử hành tang lễ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại An Xá, đoàn chiến sĩ Điện Biên Phủ là những người con ở tỉnh Thừa Thiên Huế nghiêm trang tiếp chân nhau bước vào.
Trên khuôn mặt của các cựu quân nhân này, họ không giấu được sự tiếc thương vô hạn đối với "Người anh Cả" - đồng đội của nhau trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh thủa nào.
Ông Đoàn Diệm (SN 1920, TP. Huế), một cựu lính Điện Biên Phủ dù tuổi đã cao, mắt đã mờ, chân đã run và trên người vẫn còn nguyên dấu tích do bom đạn ác liệt thời ấy để lại trên cơ thể. Nhưng khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông cùng đoàn cựu binh chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa đã ra nơi sinh thành Đại tướng để viếng.
Ông Đoàn Diệm - cựu chiến sĩ Biện Biên Phủ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"Đoàn chúng tôi đi từ TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) lúc từ 7h sáng (12/10) giờ để ra An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) viếng người đồng đội - người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam về với Bác Hồ. Nhưng giờ mệt quá rồi tôi không đi được nữa nên đành phải chờ ở ngoài này để mọi người vào viếng rồi vô trong luôn" - ông Đoàn Diệm, cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ chia sẻ.
Ông Diệm nói tiếp: "Cùng là những người lính với nhau, nay Đại tướng về với tổ tiên tôi buồn lắm. Sự ra đi của Đại tướng là nỗi tiếc thương vô hạn, tôi chia sẻ cùng gia đình".
Theo ông Diệm, năm 1945, ông và những người lính từ Huế ra Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ để giải phóng Thủ đô. Sau khi giải phóng Thủ đô, ông lại vào Nam tiếp tục cầm súng bảo vệ Tổ Quốc. Dù bị thương 8 lần nhưng ông vẫn xin đi chiến đấu cùng đồng đội. Đến Tết Mậu Thân năm 1968 ông được cấp trên đề bạt giữ chức Chỉ huy phó tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) (đeo lon Trung tá). Năm 1979, gặp lại Đại tướng ngoài Hà Nội.
Bàn tay thương tật của ông Đoàn Diệm
"Trong thời gian tham gia chiến đấu hết ra Bắc vào Nam, tôi đã có gần chục lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nhớ nhất là lần gặp Đại tướng ở Mường Phăng. Tôi thấy Đại tướng là người rất bình dị, thân thiện với chiến sĩ, đồng đội. Giờ ra An Xá để thắp ném nhang từ biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng cũng toại nguyện lắm rồi" - ông Diệm rưng rưng chia sẻ.
Chiếc đưa đoàn Chiến sĩ Điện Biên Phủ TP. Huế đến viếng Đại tướng tại An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
Nói về câu nói ấn tượng nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Diệm giọng trùng xuống, nói: "Tôi nhớ và ấn tượng nhất câu nói của Đại tướng là: "Gặp nhau đây là quý lắm rồi". Nó ý nghĩa và bất hủ quá, giờ chẳng có ai hơn lời Đại tướng để nói ra điều đó nữa".
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng giờ từng phút dõi theo Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung dưới đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Tường thuật Lễ viếng Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình, TP.HCM
Thông tin xung quanh: Danh sách Ban tang lễ; Lịch trình tang lễ; Giờ viếng ở Hà Nội - Quảng Bình - TPHCM; Phân luồng giao thông ở Hà Nội
2) Tiếp sóng truyền hình trực tiếp Lễ Truy điệu và Lễ An táng Đại tướng
3) Nơi AN NGHỈ của Đại tướng tại Quảng Bình: Vì sao Đại tướng chọn Vũng Chùa; Hình ảnh Vũng Chùa; Chỉ dẫn đường vào Vũng Chùa; Nhà ngoại cảm ngưỡng mộ nơi yên nghỉ của Đại tướng
4) Chính trị gia, chuyên gia trên thế giới nghiêng mình trước Đại tướng
5) Những BÀI BÁO ĐẶC BIỆT chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Mời quý độc giả gửi ẢNH, VIDEO tự chụp, quay (bằng điện thoại di động, máy ảnh) về Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tòa soạn theo email: [email protected]. Trân trọng cảm ơn!