Người chết phải nhường chỗ cho người sống(?!)

Theo Laodong |

Năm 2005, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 96/QĐ-UB thu hồi 85.331m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ để giao cho UBND Q.Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án di dân tái định cư.


	UBND quận Hoàng Mai cưỡng chế di chuyển nghĩa trang Ao Đường.

UBND quận Hoàng Mai cưỡng chế di chuyển nghĩa trang Ao Đường.

Tuy nhiên điều không hay cho dự án này là toàn bộ nghĩa trang Ao Đường - nơi có hàng ngàn ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ cổ - cũng nằm trong quy hoạch phải di dời để làm nơi tái định cư, bán đấu giá quyền sử dụng đất…

Người sống đi canh... người chết

Trong thuyết minh dự án với thành phố, UBND Q.Hoàng Mai cho rằng, nghĩa trang Ao Đường là nghĩa trang tự phát, người dân xây trên đất lấn chiếm, hơn nữa việc di chuyển nghĩa trang ra ngoại ô là điều hợp lý. Tuy nhiên, ngay sau khi UBND TP ra quyết định thu hồi đất đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân vì họ cho rằng báo cáo của UBND Q.Hoàng Mai về nguồn gốc nghĩa trang là không đúng sự thật, việc di chuyển nghĩa trang là xâm phạm vào mồ mả nhiều đời của cư dân bản địa.

Đại diện các hộ dân đã trình ra rất nhiều tài liệu chứng minh rằng nghĩa trang Ao Đường thuộc xã Hoàng Văn Thụ - huyện Thanh Trì, nay là phường Hoàng Văn Thụ - quận Hoàng Mai được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước. 

Cụ thể, văn bản do UBND huyện Thanh Trì khi đó do ông Nguyễn Lạch - Chủ tịch UBND huyện - đã thay mặt UBND phê chuẩn đồng ý cho HTX nông nghiệp Thanh Mai cắt 2ha đất nông nghiệp do HTX quản lý để làm nghĩa trang. Trong GCNQSD đất do UBND huyện Thanh Trì cấp cho UBND xã Hoàng Văn Thụ ngày 5.12.1990 cũng thể hiện thửa đất số 93 tờ bản đồ số 11 diện tích 8.169m2 là đất nghĩa địa. 

“Việc báo cáo thành phố như thế là sai sự thật” - ông Vũ Đình Dậu - đại diện các hộ dân - phát biểu. Không nén nổi bức xúc, ông Ngô Trọng Hào phát biểu: “Chính vì chính quyền UBND quận cho rằng người dân tự chiếm đất để đặt mồ mả nên đã tiến hành cưỡng chế bằng cách đập phá mồ mả, khiến hàng ngàn người dân vô cùng bức xúc tràn hết cả ra nghĩa trang, dựng lều lán để canh giữ mồ mả tổ tiên suốt nhiều năm nay”. Trước tình cảnh, gió mưa liên tục, người dân nơi đây đã góp tiền dựng lên một căn nhà tạm để trông coi nghĩa trang.

Người chết phải nhường chỗ cho người sống(?!)
Ngôi mộ của cụ Bùi Thị Mão bị cưỡng chế di chuyển.

Cần một giải pháp hợp lý 

Là  nhân chứng quan trọng cho việc xác minh nguồn gốc nghĩa trang, ông Hoàng Đình Tiến – nguyên Trưởng Công an xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ nhiều thời kỳ - đã làm đơn gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị xác định cho đúng nguồn gốc nghĩa trang. Trong đơn, ông Tiến nêu rõ: “Từ năm 1958 đến 2005, tại xã Hoàng Văn Thụ - nay là phường Hoàng Văn Thụ - nhà nước đã thu hồi 21 lần ruộng và đất ở địa phương để xây 11 nhà máy, cơ quan và 10 khu dân cư. Lần thu hồi nào cũng phải di dời mồ mả. Lần lớn nhất là năm 1977-1978, toàn bộ 5 nghĩa địa cổ quanh khu cửa đình, cửa chùa phải di chuyển để nhường đất di dân làm đường Đại Cồ Việt. Dân làng chuyển mộ chạy quanh, hết xuống Ao Đường lại về Đồng Thễn.

Khi nghĩa trang Đồng Thễn bị lấy làm khu dân cư, lại phải chuyển mồ mả về Ao Đường. Tính ra 9 nghĩa địa đã phải di dời, nhà nào cũng phải chuyển mồ mả ít nhất 3 lần, có nhà 4-5 lần. Toàn bộ những lần di dời này dân đều tự túc mà không có bất cứ sự hỗ trợ đền bù nào. 

Trước việc di chuyển quá nhiều như vậy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì đã cho phép HTX nông nghiệp Thanh Mai cắt 2ha đất để làm nghĩa trang và cũng đã cấp GCNQSD đất vào  mục đích làm nghĩa trang cho khu đất này. Hiện nay ở đây vẫn còn rất nhiều ngôi mộ cổ, như mộ cụ Lê triều Đại tướng quân, mộ cụ Hưng Ký và khá nhiều mộ liệt sĩ”. 

Dẫn phóng viên ra nghĩa trang, ông Vũ Đình Dậu và nhiều người dân khác đặt câu hỏi: “Quận ra văn bản nêu rõ rằng khuyến khích người dân chuyển mộ về quê hương, nhưng chúng tôi đều là dân gốc nhiều đời ở đây, mồ mả tổ tiên đã nhiều đời đặt ở đây, vậy không hiểu quận muốn chúng tôi chuyển về quê nào?”.

Trước những phản ứng quyết liệt của người dân, năm 2010, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh và cả Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đều đã phải ra văn bản chỉ đạo dừng ngay việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực này, đồng thời yêu cầu UBND Q.Hoàng Mai “Tôn trọng lợi ích của nhân dân và Nhà nước; không dùng biện pháp hành chính để di chuyển mộ tại nghĩa trang Ao Đường khi chưa có phương án xử lý”.

Văn bản chỉ đạo của thành phố là  vậy, nhưng đến nay, UBND Q.Hoàng Mai vẫn chưa hề có văn bản hay bất kỳ quyết định điều chỉnh lại quy hoạch đã càng khiến sự bức xúc của người dân bùng lên. Xây dựng hạ tầng nhà ở là để phục vụ dân sinh, nhưng lấy đất nghĩa trang còn ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người dân và dễ gây kích động mất an ninh trật tự. 

Thiết nghĩ, UBND quận Hoàng Mai nên tôn trọng lợi ích của người dân như trong văn bản chỉ đạo của UBND TP mà điều chỉnh lại quy hoạch khu vực này. Đất dành cho nghĩa trang chỉ là một phần nhỏ trong toàn  thể quy hoạch, vì vậy UBND quận hoàn toàn có thể xây tường bao quanh tách riêng nghĩa trang như một số quận khác trong TP để cho người dân sử dụng, quỹ đất còn lại vẫn tiếp tục thực hiện theo dự án. Như vậy, dự án vẫn tiếp tục được triển khai, không bị giẫm chân tại chỗ, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại