Chuyện thật như đùa ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang): Người sống đi tàu cánh ngầm ra đảo chỉ mất 100 ngàn đồng, trong khi người chết “muốn” ra được đảo phải trả 10 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng.
Phú Quốc cách Hà Tiên 45 km, Rạch Giá 120 km, cách Cần Thơ và TP.HCM trên dưới một giờ bay. Nói như thế để thấy rằng: Ra Phú Quốc chỉ có hai cách, máy bay và tàu cánh ngầm. Mà người chết, đều không được sử dụng cả hai loại phương tiện ấy.
Cắn răng mà chịu
“Trước giờ tàu cánh ngầm không cho chở người chết. Họ nói không có khoang chuyên dụng. Nhưng nghĩ lại thấy người ta nháo nhào đưa đón người sống, mấy ai nghĩ đến người nằm xuống”- anh Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp Hàm Ninh, cách sân bay Phú Quốc hơn chục cây số, bắt đầu câu chuyện bằng sự buồn rầu.
Anh Hồng, 42 tuổi, trước ở Giồng Riềng. Tuổi trẻ bôn ba kiếm sống, dạt ra đảo lấy vợ sinh con rồi “cắm” nghề bốc vác. Nghiệp đoàn nghe oách vậy nhưng thực ra gồm hơn 50 anh em lam lũ. Nghề của các anh là bốc dỡ rau quả, thực phẩm thiết yếu từ đất liền cập tàu ra đảo.
Anh Hồng kể: “Mấy chục năm bốc dỡ, khiêng người chết không đếm xuể. Anh em mình chẳng lấy tiền bao giờ. Nghĩa tử là nghĩa tận, ai nỡ lấy tiền.
Mỗi năm, vài trăm người dân đảo qua đời. Rất nhiều trong số đó vào đất liền chữa bệnh nhưng không qua khỏi. Muốn về đảo an nghỉ cũng trần ai lắm em ơi”.
Theo anh Hồng, từ trước tới giờ người vào đất liền chữa bệnh qua đời, không thể đi tàu cánh ngầm ở Hà Tiên hay Rạch Giá. Gia đình họ hàng phải vận chuyển đường bộ về Ba Hòn ở huyện Kiên Lương rồi “nhờ” tàu cây (tàu đánh cá của ngư dân-PV) qua chở. Giá cả chuyên chở thì tùy gia cảnh, rẻ nhất 7 triệu đồng/người, đắt 15-20 triệu đồng tùy thương lượng. Bình quân, 10 triệu đồng/ca.
“Đó là chưa kể người chết ở TP.HCM hoặc Cần Thơ. Phải thuê xe chở về Kiên Lương, chi phí tăng lên gấp bội nhưng phải cắn răng chịu chứ có cách nào khác”, anh Hồng tâm sự.
Trần ai như thế nên khi về đến cảng Hàm Ninh, nghiệp đoàn bốc xếp không bao giờ lấy tiền. Anh em vui vẻ, làm việc cẩn trọng nhẹ nhàng. Anh Hồng nói:“Anh em chúng mình luôn coi đó là một công việc “đặc biệt”. Cũng là đón một người về với đất đảo. Toan tính chi”.
Anh Nguyễn Văn Hồng (giữa), Phó chủ tịch Nghiệp đoàn bốc dỡ Hàm Ninh, mỗi năm vận chuyển từ thiện hàng chục người chết về với đảo.
Cực khổ khi đưa người đã khuất ra đảo
Tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Thành, một ngư dân dạn dày ở cảng Hàm Ninh. Hỏi về giá vận chuyển người chết, ông khoát tay: “Làm phước là chủ yếu chú ơi. Nghe giá mắc vậy chứ chủ tàu còn lại mấy đồng”.
Ông bảo: Mỗi chuyến đi chở xác, chi phí tiền dầu đã mất hơn 6 triệu đồng. Từ Phú Quốc đi Ba Hòn, mất hơn 4 giờ đồng hồ chạy tàu mới cập được bến. Chưa kể phải bảo đảm nhang khói, nghi lễ dọc đường, rất nhiêu khê. Mệt mỏi vậy, nhưng bất cứ chủ thuyền nào được gọi, đêm hay ngày đều tức tốc lên đường, chẳng một ai từ chối.
“Cả cái đảo này mấy ngàn chiếc tàu cây. Làm gì có chiếc nào chuyên chở xác. Hôm nào đi đánh cá mà được nhờ cậy đi chở xác thì xếp lưới lên đường thôi”, ông nói.
Tôi tò mò hỏi vì sao người chết không tập kết ở Hà Tiên hay Rạch Giá để tiện di chuyển? Ông cười chát bảo ở đó bến tàu bến cảng phục vụ du khách, tàu cây không được cập vào. Người chết làm sao xuống được.
Ông nói thêm, người Phú Quốc chỉ cực khổ khi đưa người đã khuất ra đảo. Còn lại đám ma cũng như trong đất liền nhưng đơn giản hơn, không nhiêu khê phiền hà.
Ông Thành như nhiều ngư dân khác, chưa có đất. Đánh bắt ở bãi nào, gia đình ông mang lều trại cắm xuống ngụ cư ở chốn ấy, ở đó là nhà. Có người buột miệng hỏi: Vậy khi thác đi, chỗ nào nằm xuống? Ông thật thà: “Trước đây cứ có chỗ nào hoang hóa thì “lụy” ở đó, thành mồ mả. Bây giờ đất có chủ gần hết, cũng chưa biết tính sao”.
Quả thật, việc thiếu các phương tiện vận chuyển khiến việc đưa người đã khuất ra đảo quá đắt đỏ...